Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Thời gian qua, việc sử dụng kinh phí chương trình khuyến công cho xây dựng kết cấu hạ tầng cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề triển khai tại một số địa phương thu được kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc chưa coi trọng đầu tư khâu thiết kế mẫu mã khiến sản phẩm thủ công chưa đổi mới nhiều.
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các làng nghề Việt Nam, có giá trị trong cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tạo mẫu cho các sản phẩm này đang là một yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh của mỗi làng nghề.
Cũng theo ông Dần, hiện nay, phần lớn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn sản xuất theo hình thức truyền thống, chưa coi trọng đầu tư khâu thiết kế mẫu mã. Một số sản phẩm dù đã được cải tiến cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết thêm, hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, trong đó mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chính là một nguyên nhân của sự bất cập này.
Điều này xuất phát từ việc số lượng nghệ nhân tại các làng nghề có kiến thức, kỹ xảo chuyên môn về nghề truyền thống không có nhiều. Cùng với đó, lớp nghệ nhân cao tuổi này lại thường gặp khó khăn trong khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, còn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống.
Trong khi đó, những người trẻ mặc dù được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề, đồng thời sự hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế.
Chưa kể, những hạn chế về công nghệ và thiết bị trong quá trình thiết kế mẫu sản phẩm. Bởi hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề ở nước ta đều ở quy mô nhỏ lẻ, cả về tài chính, mặt bằng và cơ sở vật chất đều bị hạn chế, dẫn đến không thể đầu tư chiều sâu cho việc thiết kế mẫu mã mới. Từ đó, đã khiến sức hấp dẫn của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang bị giảm đi đáng kể,
Trong điều kiện phát triển và hội nhập của nền kinh tế, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cũng như các loại hàng hóa khác đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt là những cuộc cạnh tranh để bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự thu hút của sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là trên thị trường xuất khẩu.
Để nâng cao vị thế cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ cần quan tâm hơn đến thị hiếu của người tiêu dùng, bởi đây là yếu tố thường thay đổi theo thời gian. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế hướng đến thị trường trung và cao cấp.