Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Tây Ban Nha: Cần xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa

Dù tiềm năng lớn nhưng khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Tây Ban Nha, các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải không ít khó khăn, thách thức nhất là từ khí hậu và những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.

tu van

Cục‌ ‌Xúc‌ ‌tiến‌ ‌thương‌ ‌mại‌ ‌(Bộ Công Thương)‌ ‌vừa ‌phối‌ ‌hợp‌ ‌với‌ ‌Thương‌ ‌vụ‌ ‌Việt‌ ‌Nam‌ ‌tại‌ ‌Tây Ban Nha ‌tổ‌ ‌chức‌ ‌Phiên‌ ‌tư‌ ‌vấn‌ ‌xuất‌ ‌khẩu‌ ‌sang‌ ‌thị‌ ‌trường‌ ‌Tây Ban Nha đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Thông tin tại phiên tư vấn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ngành thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu nông thôn ở nước ta. Nhiều năm qua, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với đa dạng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đây cũng là ngành có biên độ lợi nhuận khá cao so với các ngành kinh tế khác. 

Tính đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng thủ công mỹ nghệ không phải là sản phẩm thiết yếu nên chịu những tác động tiêu cực. 

EU trong đó có Tây Ban Nha là một trong những thị trường nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tiềm năng của Việt Nam. Đánh giá về thị trường này, ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, Tây Ban Nha là thị trường có GDP thuộc top đầu EU, là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong khối EU. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Tây Ban Nha năm 2019 đạt 3,2 tỷ USD, năm 2020 đạt 1,66 tỷ USD, 10 tháng năm 2021 đạt 2,56 tỷ USD. 

Dù tiềm năng lớn nhưng khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Tây Ban Nha, các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải không ít khó khăn, thách thức nhất là từ khí hậu và những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. 

Để hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thâm nhập hơn nữa vào thị trường EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng, ông Vũ Chiến Thắng khuyến nghị: doanh nghiệp nên nghiên cứu hợp tác đi đến xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng với các bạn hàng Tây Ban Nha.

Bên cạnh đó cần tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến trách nhiệm xã hội trong sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa sang EU cũng Tây Ban Nha. 

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng, ông Nguyễn Chung Thành, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng thêu ren, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ lưu ý: Các doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên đổi mới mẫu mã, màu sắc sản phẩm theo xu hướng nội thất của thị trường tiêu dùng; chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo và duy trì thường xuyên, đáp ứng các yêu cầu, chứng chỉ, hướng tới các sản phẩm hữu cơ, organic; đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số hóa và tham gia các kỳ hội chợ chuyên ngành uy tín.  

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha sẽ tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thị trường sở tại, các yêu cầu kỹ thuật và nhất là những yêu cầu bổ sung của địa bàn sở tại so với các quy định hiện hành của EU để cập nhật báo cáo về Bộ Công Thương, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan để nắm bắt và có các giải pháp đáp ứng kịp thời. 

 

Thanh Xuân