Cần nhân tố mới để thay đổi toàn diện những cải tiến về năng suất

Áp dụng mô hình năng suất tổng thể, có những bộ phận của Nam Long tăng năng suất tới 1,7 lần.

Công ty TNHH Nam Long được thành lập tháng 11/1998 và chính thức đi vào hoạt động tháng 3/1999. Sản phẩm chính là găng tay công nghiệp, găng tay đa năng và găng tay gia dụng. Với phương châm hoạt động  “Nam Long mong muốn trở thành bạn đồng hành thân thiết của các bà nội trợ và các công ty thủy sản hàng hải”, hiện Công ty đã có gần 100 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc, với sản lượng 25 triệu đôi/năm.

Không chỉ quan tâm đến thị trường trong nước, để vươn ra thị trường thế giới, Nam Long còn sản xuất một dòng sản phẩm cực kỳ khác biệt mà hiện Việt Nam chưa doanh nghiệp nào sản xuất được, đó là dòng cao su không có protein, dành cho da nhậy cảm dễ bị dị ứng.

Chỉ trong thời gian ngắn sản xuất sản phẩm này, Nam Long đã khẳng định được thương hiệu của mình với các đơn hàng xuất sang châu Âu, nơi mà người dân có yêu cầu cao với các sản phẩm cao su có mùi hôi (do protein để lâu lên men gây mùi) và dễ bị kích ứng với cao su tự nhiên.

Sản phẩm này đã loại bỏ gần như hoàn toàn hàm lượng protein trong cao su, không đủ gây dị ứng nên bán rất tốt. Chất lượng sản phẩm đã được kiểm nghiệm tại Mỹ và hàng cũng xuất khẩu sang Mỹ từ 3 năm nay. Sản phẩm găng tay cao su không protein hiện đã chiếm gần 10% tổng sản lượng của Công ty và là sản phẩm có sức cạnh tranh tốt với các thương hiệu găng tay cao su của thế giới.

Nam Long

 

Ông Lê Bạch Long – Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Long chia sẻ, đã làm sản xuất thì doanh nghiệp nào cũng nghĩ việc nâng cao năng suất để tiết giảm chi phí. Ngay từ khi thành lập Công ty đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và đã chuyển đổi sang phiên bản ISO 9001:2015. Cách đây 6 năm, Công ty cũng đã ký hợp đồng với Quacert 3 xuống hướng dẫn áp dụng 5S, LEAN và hàng năm đều duy trì tập huấn nhắc lại, nhưng kết quả thu được không rõ rệt. Việc triển khai chỉ tốt khi có chuyên gia đến, được một thời gian lại đâu vào đó, thể hiện sức ỳ rất lớn.

Nam Long
Hình ảnh phân xưởng sản xuất khi chưa cải tiến

 

“Vấn đề là thay đổi nhận thức của cả lãnh đạo và người lao động, để mọi người quen với việc duy trì sản xuất tinh gọn. Và các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam thực sự như một nhân tố mới, đem đến sự thay đổi, bẩy được hòn đá tảng trì trệ của người lao động ở đây” – ông Long cho biết.

Theo báo cáo chi tiết của Công ty về kết quả của Dự án có thể thấy sự thay đổi rõ nét nhất chính là khu vực bao gói. Mặc dù là công đoạn nhiều lao động nhất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Vì năng suất thấp ở khâu này dẫn đến hiệu suất ở khu vực sản xuất chỉ đạt 60-65%. Công ty đã sử dụng giải pháp làm thêm giờ mà vẫn không đáp ứng được công việc.

Khi các chuyên gia tư vấn khảo sát tại khu vực này, nhận thấy với quy trình làm việc hiện tại, có 6 hoạt động gia tăng giá trị, 5 hoạt động vận chuyển, 8 hoạt động chờ hoặc làm lại, 6 hoạt động kiểm tra.Các hoạt động lãng phí quá nhiều như việc: vận chuyển, đi lại, tháo túi, đóng túi, kiểm tra lại.

Sau khi phân tích các bước lặp lại, lãng phí ảnh hưởng tới năng suất của công nhân, quá trình được thiết kế lại cho phù hợp, tránh lãng phí. Bởi điều kiện của một dòng chảy liên tục là tốc độ của các vị trí cân bằng nhau, vì vậy, quy trình mới đã tính toán, bố trí sắp xếp khối lượng công việc bằng nhau, tốc độ làm việc đồng đều nhau. Kết quả là, giảm từ 25 hoạt động xuống còn 15 hoạt động, vận chuyển từ 5 hoạt động còn 2 hoạt động, chờ, làm lại từ 8 hoạt động còn 2 hoạt động, kiểm tra từ 6 hoạt động còn 5 hoạt động.

Cụ thể, khu vực xếp găng đã được cải tiến theo nhóm làm việc và thực hiện theo dòng 1 sản phẩm liên tục. Mỗi bàn là 1 loại sản phẩm khác nhau, tránh việc nhầm lẫn giữa các dòng sản phẩm, dòng chảy liên tục giảm các công việc làm lại, vận chuyển.

Khu vực máy dán và đóng gói được cải tiến, bàn thao tác có độ cao bằng độ cao của máy dán, thay vì ngồi như trước thì công nhân được bố trí đứng thao tác, 1 máy dán sắp xếp 2 công nhân đóng gói, kỹ thuật đúng, thao tác nhanh hơn, năng suất tăng, quá trình cân bằng, không còn tồn bán thành phẩm.

Nam Long
Công nhân ngồi đóng gói ngay dưới sàn nhà

 

Theo số liệu thống kê, năng suất lao động riêng ở bộ phận này đã tăng 1,7 lần (tăng 73%).Trước đây, để hoàn thành 80.000 đôi găng tay, công nhân phải mất 12 tiếng làm việc liên tục từ 6h sáng đến 6h tối. Sau cải tiến, tính đến tháng 9/2019, vẫn với số lượng lao động như vậy chỉ mất 10 tiếng để hoàn thành 115.000 đôi găng tay.

Cũng do trước đây, bộ phận bao gói quá chậm, không đáp ứng yêu cầu nên bộ phận sản xuất phải tháo 30% khuôn thì hiện tại đã lắp đủ toàn bộ khuôn, chạy 100% công suất.

Điều đặc biệt là công nhân không phải làm thêm giờ, trong khi lương trả theo sản phẩm, nên năng suất tăng đồng nghĩa thu nhập của công nhân tăng, ước tính tăng được 40% tiền lương ở khu vực bao gói, vì thế tăng mức độ hài lòng của nhân viên.

Tổng giám đốc Long đánh giá cao kết quả của sự thay đổi này và cho rằng, quan trọng là duy trì được thói quen cải tiến thường xuyên liên tục của tất cả người lao động. Từ đó tạo thành ý thức, ngấm vào máu của mỗi cá nhân, từ quyết tâm của người lãnh đạo đến ý chí của từng nhân viên. Sau thời gian tham gia dự án mô hình năng suất tổng thể của Bộ Công Thương lần này, ông Long càng thấm thía việc phải tăng cường trao đổi, học hỏi giữa các đơn vị để liên tục cập nhật và thay đổi chính mình. “Chính sự gắn bó quá lâu khiến sức ỳ càng lớn, cần phải học tập trao đổi thường xuyên, cộng với tác nhân từ bên ngoài, mới có thể tạo nên sự khác biệt, tích hợp từng công cụ nhỏ lẻ vào trong một mô hình tổng thể và vận hành nó được trơn tru, hiệu quả” – ông Long nói.

Nam Long
Cải tiến lại dây chuyền, sắp xếp vị trí lao động phù hợp, loại bỏ động tác thừa

 

Để luôn duy trì chất lượng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ và châu Âu, Công ty có thành lập riêng phòng R&D chủ yếu nghiên cứu tiêu chuẩn chất lượng, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của mọi thị trường khác nhau. Việt Nam đang có lợi thế sản xuất mặt hàng này do ngành này có xu hướng chuyển dịch từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… về Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn cung cao su tự nhiên khá dồi dào của Việt Nam cũng là thuận lợi cho doanh nghiệp. Do đó, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp như Nam Long có thể vươn lên, cạnh tranh để khẳng định thương hiệu, tạo lập thị trường cho sản phẩm của mình, mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới, phục vụ phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam.

Tuệ Minh/Nguồn: VNPI