Công ty TNHH Ngôi nhà Ánh Dương thành lập 10/2008 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thời trang xuất khẩu và phân phối thị trường trong nước với thương hiệu thời trang CANIFA. Hiện Công ty sở hữu nhà máy may hiện đại, đạt chứng nhận tiêu chuẩn Leed của Hoa kỳ, môi trường làm việc Xanh - Sạch - Đẹp, chuyên nghiệp.
Nhà máy sản xuất tại Văn Giang Hưng Yên được đưa vào vận hành năm 2016, với tổng diện tích 30.000m2, với hơn 1.200 máy chuyên dụng các loại, tạo việc làm cho hơn 1.000 công nhân lao động trực tiếp và vệ tinh. Sản phẩm của Công ty hiện đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Đài Loan, CH Séc, Ba Lan, Anh…
Với năng lực sản xuất như hiện nay Công ty TNHH Ngôi nhà Ánh Dương hoàn toàn có thể đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn với chất lượng cao, đồng đều và cam kết thời gian giao hàng đúng hạn. Hàng năm, Công ty sản xuất khoảng 100 triệu sản phẩm, chủ yếu là mặt hàng dệt len và trang phục dệt may có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế và khách hàng trong nước.
Là một công ty mới thành lập, đang trong quá trình chuẩn hóa quá trình sản xuất nên nhiều hoạt động còn bất hợp lý, các hoạt động 5S chưa được thực hiện tốt, năng suất chưa cao, bố trí sản xuất chưa hợp lý… Vì vậy, khi tham gia Dự án mô hình năng suất tổng thể của Bộ Công Thương, các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam xác định, có rất nhiều công việc cần thực hiện, bắt đầu từ việc xây dựng các quy trình kiểm soát quá trình sản xuất cơ bản.
Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, nhóm Dự án đã đặt mục tiêu năm 2020, tăng trưởng doanh thu 30%; năng suất lao động tăng 35%; Tỷ lệ lỗi giảm từ 11% xuống 6%; Thu nhập bình quân người lao động tăng 15%.
Để đạt được các mục tiêu này, các cải tiến điển hình mà nhóm tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam và nhóm cải tiến của Công ty đã triển khai tập trung vào giải quyết 2 vấn đề thiết yếu là: Cân bằng chuyền sản xuất tại chuyền may và Cải tiến ở khu vực bao gói để tăng năng suất.
Cải tiến Cân bằng chuyền
Qua khảo sát, nhóm Dự án nhận thấy chuyền may đang thiếu cân bằng do tồn bán thành phẩm trên chuyền nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Nhưng nếu chuyền thiếu cân bằng sẽ dẫn đến hiệu suất trên chuyền thấp. Cân bằng lại chuyền sản xuất kỳ vọng sẽ đẩy mạnh được năng suất chuyền may.
Thực trạng chuyền may của Công ty trông chờ vào kinh nghiệm rải chuyền của tổ trưởng chuyền. Việc sắp xếp, bố trí lao động bằng kinh nghiệm không đạt được hiệu suất tối ưu. Do đó, để nâng cao hiệu suất của chuyền sản phẩm, nhóm Dự án đã đưa ra các giải pháp: Việc vào chuyền mã hàng mới cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ trường cần xây dựng bảng rải chuyền và bố trí chuyền sản xuất rõ ràng để chuẩn bị thiết bị và lao động; Xây dựng bảng đánh giá năng lực của từng công nhân để giúp tổ trưởng sắp xếp lao động phù hợp thay vì dựa trên kinh nghiệm.
Việc đánh giá năng lực cũng giúp cho việc đào tạo phát triển công nhân đa kỹ năng; Đánh giá lại chuyền bằng cách đo thời gian để điều chỉnh lại chuyền; Các điểm nút thắt được khoanh vùng và giải quyết, như bố trí thêm lao động, tách công đoạn, xử lý hàng tồn trên chuyền, cân bằng lại để đạt được năng suất tối ưu; Giảm cỡ bọc bán thành phẩm từ 50 chiếc/bọc xuống 20 chiếc/bọc, để có cỡ mẻ nhỏ hơn, làm quá trình được liên tục, dễ phát hiện vấn đề.
Kết quả sau khi điều chỉnh chuyền sản xuất, sản lượng đã đạt 720 sản phẩm/ngày, tăng 25%; Năng suất lao động tăng 25%; Tỷ lệ cân bằng chuyền tăng 26%; Lượng tồn bán thành phẩm trên chuyền đã ít hơn do chuyền cân bằng hơn.
Cải tiến Khu vực bao gói
Hiện trạng khi khảo sát, khu vực bao gói luôn bị chậm vì rất bị động, phụ thuộc vào các công đoạn khác, không đáp ứng được yêu cầu giao hàng.
Nguyên nhân là do khu vực bao gói sắp xếp không hợp lý, mặc dù mặt bằng rộng nhưng bố trí thiếu khoa học dẫn đến tốn diện tích mặt bằng, hạn chế khu vực sản xuất. Khi nhóm tư vấn tiếp cận, các chuyên gia đã nghiên cứu rất kỹ các cử động, thao tác của người lao động để đưa ra các giải pháp cải tiến cho khu vực này.
Cuối cùng, nhóm Dự án đã đề xuất bố trí lại vị trí làm việc theo trình tự bao gói: bắn thẻ bài => mác, gấp gói => đóng thùng; Khâu chuẩn bị làm trước theo bảng kế hoạch; Bố trí lấy sản phẩm theo đúng trình tự đóng thùng để khi gấp gói xong, đủ lượng hàng đóng thùng ngay, không phải chờ đủ màu và size mới đóng thùng được; Làm các giá, kệ để khi lấy hàng đóng thùng công nhân không phải cúi, nhặt, giúp cho tốc độ nhanh hơn, cũng như đảm bảo sức bền cho người lao động; Thay đổi kiểm tra hàng thiếu, đủ trước khi đóng gói phòng ngừa thiếu, thừa hàng.
Bằng những thay đổi này, năng suất của bộ phận hoàn thiện đã tăng 25%, đáp ứng tốt tiến độ giao hàng. Các cải tiến điển hình đã được nhân rộng tới các phân xưởng khác. Thông qua kiến thức được chuyển tải và kinh nghiệm thực tế khi thực hiện các dự án cải tiến, người lao động đã chủ động đề xuất các ý tưởng cải tiến, đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
Kết quả, sau 10 tháng nỗ lực cải tiến, các mục tiêu đưa ra ban đầu đã đạt được. Tăng trưởng doanh thu trong quí I/2020 tăng 16% mặc dù diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới ngành thời trang; tiến độ và chất lượng giao hàng đạt chuẩn 100%; năng suất lao động tăng 19%; Giảm tỷ lệ lỗi từ 11% xuống 10%; Thu nhập bình quân của lao động tăng 8%.
Nhiều cải tiến được thực hiện đã có kết quả rõ nét trong thời gian vừa qua, nhưng quan trọng hơn, nhận thức, ý thức về cải tiến năng suất đã được hình thành. Thông qua triển khai các dự án cụ thể, người quản lý đã có thêm các kiến thức và kinh nghiệm để tiếp tục các cải tiến những năm tiếp theo.