Động lực từ hiệp định thương mại tự do
Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Những tác động tích cực có thể quan sát được trong lĩnh vực công nghiệp, như tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế.
Hoặc trong lĩnh vực nông nghiệp, như tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, vệ sinh thực phẩm, thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế so sánh của các ngành hàng trong sản xuất nông, lâm, thủy sản...
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng chính của các hiệp định thương mại tự do chưa thực sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật các chính sách của Việt Nam và đối tác trong các FTA. Do đó, Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal, gọi tắt là FTAP) có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp cập nhật, hệ thống hoá các chính sách liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, từ đó góp phần nâng cao mức độ tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam tham gia.
Đó là các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện các quy định của các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt hữu ích với các doanh nghiệp là thông tư của các bộ ngành về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi.
Ví dụ như Thông tư số 02 của Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Trong đó, chỉ dẫn chi tiết về các Quy định chung; Cách xác định xuất xứ hàng hóa; Quy định về chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA. Doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và hiểu cách xác định của: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy; Hạn mức linh hoạt đối với nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ; xuất xứ cộng gộp; Công đoạn gia công, chế biến đơn giản; Hàng hóa không thay đổi xuất xứ; Tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh; Tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Việt Nam; Miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa; Xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Bên cạnh đó là phần phụ lục chú giải về Quy tắc cụ thể mặt hàng; Nguyên liệu thủy sản áp dụng cộng gộp; Sản phẩm thủy sản áp dụng cộng gộp; Sản phẩm dệt may áp dụng cộng gộp; Mẫu CO EUR.1 đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam trong UKVFTA; Mẫu lời văn khai báo xuất xứ; Danh sách tổ chức cấp CO EUR.1 trong UKVFTA.
Phân tích, chú giải những nguyên tắc căn bản
Không chỉ cập nhật, hệ thống hoá chính sách, Cổng FTAP còn phân tích, chú giải, tóm tắt những nguyên tắc căn bản nhất của văn bản quy phạm pháp luật để doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt, và hiểu chính xác những quy định. Tiêu biểu như với Thông tư số 15/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu xây lắp đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), cùng với việc đăng tải nguyên văn thông tư 15, là những phần phân tích chú giải:
- “Thông tư đã đề cập đến nguyên tắc rất quan trọng là nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Theo đó, bên mời thầu cần đưa ra các yêu cầu dựa trên nguyên tắc này và căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể. Hồ sơ mời thầu cần bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết để làm cơ sở cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu”;
- “ Nguyên tắc quan trọng tiếp theo được nêu trong Thông tư là: không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA và các quy định pháp luật khác có liên quan”;
- “ Thông tư cũng quy định rõ về tính hợp lệ của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ mời thầu sẽ không được coi là hợp lệ nếu bên mời thầu đăng tải hồ sơ mời thầu không đầy đủ thông tin hoặc thông tin không rõ ràng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Để đảm bảo tính hợp lệ, bên mời thầu phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu cho phù hợp và đăng tải lại hồ sơ mời thầu”;
- “Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu là: Bên mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu”.