Ngày 5/5/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố trực tuyến báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.
Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên thứ 15 do VCCI và USAID hợp tác xây dựng, công bố nhằm đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp, PCI là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.
Tại bảng xếp hạng PCI 2019, với 73,40 điểm trong PCI 2019, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, Quảng Ninh lần thứ 3 giữ ngôi quán quân Bảng xếp hạng PCI còn á quân Đồng Tháp đạt 72,10 điểm.
PCI 2019 ghi nhận bước tiến của Vĩnh Long khi thăng hạng từ vị trí thứ 8 (với 65,53 điểm) năm 2018 lên vị trí thứ 3 với 71,30 điểm. Bắc Ninh bứt phá trở lại Top 10 tỉnh/thành có chỉ số PCI tốt nhất năm 2019 với 70,79 điểm và giữ vị trí thứ 4, trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh tuột khỏi Top 10 xuống vị trí thứ 14.
Đà Nẵng và Hà Nội vẫn vẫn giữ nguyên vị trí trong bảng xếp hạng PCI. Đà Nẵng vẫn ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2019 với 70,15 điểm còn Hà Nội “ổn định” ở vị trí thứ 9 với 68,80 điểm.
Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu... Nhóm cuối trong bảng xếp hạng là Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn.
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, 15 năm qua, PCI bền bỉ chuyển tải thông điệp về nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa. Điều này sẽ tạo ra công ăn việc làm, đóng góp ngân sách, tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng cường sự thịnh vượng của quốc gia.
Điều tra PCI năm 2019 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương đã giữ vững xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến tích cực rõ nét là mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt.
Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý trong khi gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm và cải cách hành chính có kết quả tích cực.
Tuy nhiên, không gian cải thiện cho chính quyền các địa phương vẫn còn rất lớn, đặc biệt là việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư...
Ngoài ra, Báo cáo PCI cũng cho thấy, việc tự động hóa, số hóa tại doanh nghiệp tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực tới thị trường lao động. Một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động thêm, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.
Tuy nhiên, tự động hóa và số hóa làm giảm cơ hội việc làm của các lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình tự động hóa và số hóa, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện kỹ năng lao động và cải thiện quan hệ lao động.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đánh giá, chỉ số PCI 15 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chỉ số PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh, thông qua những thực tiễn tốt tại các địa phương. Đã có 12.429 doanh nghiệp từ 63 tỉnh/thành trên cả nước tham gia điều tra PCI 2019, trong đó 1.583 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Qua 15 năm thực hiện điều tra PCI (2005-2019), hơn 141.000 lượt doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI, gồm 125.160 doanh nghiệp dân doanh và gần 15.850 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.