Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2018

Dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh PCI năm 2018 tiếp tục là Quảng Ninh với 70,36 điểm trên thang điểm 100, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh này có được vị trí quán quân trên bảng xếp hạng.

Sáng ngày 28/3/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018.

Đây là năm thứ 14 liên tiếp, Báo cáo được xây dựng để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và những nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Báo cáo PCI năm 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  (FDI) đang hoạt động ở 20 địa phương tại Việt Nam.

Báo cáo PCI năm 2018 cho thấy, dẫn đầu bảng xếp hạng là tỉnh Quảng Ninh với 70,36 điểm trên thang điểm 100. Kế đến là Đồng Tháp với 70,19 điểm, Long An 68,09 điểm, Bến Tre 67,67 điểm.

Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm: Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long,  Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Nghệ An và Bình Định.

chỉ số năng lực cạnh tranh PCI
 Với 70,36 điểm trên thang điểm 100, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương có chỉ số CPI dẫn đầu cả nước. Đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh này có được vị trí quán quân 

Đánh giá về Chỉ số PCI năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận định, năm nay, chỉ số PCI đạt mức cao nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện báo cáo từ 2005.

Ông dẫn chứng, tại Quảng Ninh, trong năm vừa qua, sức nóng cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được tỉnh này duy trì qua nhiều nỗ lực, chẳng hạn như việc thực hiện phương thức “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) khi giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan chức năng.

Năm qua có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết, thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã được rút ngắn hơn nhiều so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (cao nhất cả nước).

Đặc biệt, một lĩnh vực thường khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó hài lòng như thủ tục hành chính đất đai, thì tại Quảng Ninh, có đến 65% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục này trong 2 năm qua không hề gặp khó khăn.

Một tỉnh thành nữa có chỉ số PCI cao đó là Đồng Tháp, đây là địa phương đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2018. Năm nay, tỉnh này tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.

Thành công này đến từ sự vận hành hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương vốn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng. Năm 2018, có tới 92% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI tại Đồng Tháp đánh giá cán bộ có thái độ hài hòa, thân thiện trong quá trình giải quyết công việc, 90% nhận thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả - hai chỉ tiêu này Đồng Tháp cao nhất cả nước.

chỉ số năng lực cạnh tranh cpi
Đánh giá về Chỉ số PCI năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, năm nay, chỉ số PCI đạt mức cao nhất kể từ năm 2005

Cũng tại Báo cáo PCI năm 2018, Hà Nội là địa phương nằm trong top 10 với bước chuyển biến rõ rệt và chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp. Năm 2018, là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở cấp huyện, thị, do vậy những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải tỏa khá hiệu quả. Cụ thể, 67% doanh nghiệp cho biết đã được tháo gỡ vướng mắc kịp thời, (năm 2017 là 57%); 87% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết, phản hồi của các cơ quan chính quyền tại Hà Nội (tăng 22% so với năm 2017).

Và nhóm cuối cùng trong bảng xếp hạng PCI năm 2018 là Đắk Nông, Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn và Kon Tum. Dù vậy, hầu hết các tỉnh này đều có sự cải thiện rất đáng kể về điểm số PCI so với năm 2017.

Ví dụ, điểm số PCI năm 2018 của Đắk Nông và Bình Phước đều tăng trên 3 điểm so với kết quả năm trước, mức cải thiện cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, những tỉnh này đã vượt qua chính mình một cách mạnh mẽ trong năm qua và hi vọng rằng, những tỉnh nhóm cuối này sẽ duy trì được nỗ lực cải cách bền vững trong những năm tiếp theo.

PCI đã trở thành một báo cáo rất được coi trọng và có tác động to lớn, thúc đẩy cải cách kinh tế, nhằm khuyến khích tính minh bạch, gia tăng đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế. Với những chỉ số tích cực từ Báo cáo PCI năm 2018, USAID sẽ tiếp tục gia hạn dự án PCI thêm 3 năm nữa, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Daneil J.Kritenbrink vui mừng thông báo.

 

Hạ An