PetroVietnam giữ kế hoạch khai thác dầu khí biển Đông

Tập đoàn Dầu khí nhấn mạnh, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đã được quốc tế công nhận, vì vậy tập đoàn không thay đổi kế hoạch khai thác, thăm dò biển Đông, và đang cân nhắc mua lại cổ phần của đối tác nư

Tại cuộc họp báo công bố kế hoạch hoạt động 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm tổ chức chiều 5/7, ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) cho hay, sau sự cố tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, tập đoàn vẫn hoạt động thăm dò, khai thác bình thường trên thềm lục địa của Việt Nam vốn đã được các công ước quốc tế công nhận. Trên cơ sở tuân thủ Luật Biển quốc tế do Liên Hiệp Quốc ban hành từ năm 1982, tập đoàn chủ trương xây dựng kế hoạch khai thác thăm dò dầu khí trên biển Đông hằng năm và hiện vẫn thực hiện đúng kế hoạch đưa ra.

"Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo khảo sát địa chấn của tàu Bình Minh 02 ở thềm lục địa của Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đến công tác bảo vệ an toàn cho hoạt động của tàu", ông Thực nói.

Ông Thực cho rằng, biển Đông có thể còn nhiều biến động, nhưng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là "bất biến" do đó, quan điểm của tập đoàn là ứng xử bình tĩnh, phối hợp với các bộ ngành liên quan để triển khai đúng kế hoạch khai thác thăm dò biển Đông như kế hoạch.

"Chúng tôi quan điểm ứng xử trên biển Đông lúc này là bình tĩnh, lấy “bất biến” ứng “vạn biến”, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước vừa tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển”, CEO PetroVietnam nhấn mạnh.

Trả lời VnExpress.net về động thái của Tập đoàn dầu khí sau khi Hãng dầu mỏ lớn thứ ba nước Mỹ Giá trị các tài sản của ConocoPhilips tại Việt Nam lên đến 1,5 tỷ USD. ConocoPhillips đang nắm 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc lô 15-1; 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long và 16,3% trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. ConocoPhillips lên kế hoạch bán cổ phần của họ tại ba mỏ dầu và khí gas tự nhiên ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ông Thực cho hay, tập đoàn cùng các đối tác khác đang xem xét mua lại cổ phần này, và có thể thực hiện quyền ưu tiên của nước chủ nhà. Tuy nhiên, ông Thực nhấn mạnh, cần lưu ý về lý do khiến ConocoPhillips rút. "Nguyên nhân hãng này rút lui có thể do họ đang cơ cấu lại. Cũng có ý kiến cho rằng mỏ này đang trong giai đoạn phức tạp và họ không gia tăng khai thác nữa", ông Thực cho biết.

Theo báo cáo của PetroVietnam, 6 tháng đầu năm tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt gần 12 triệu tấn, trong đó có 7,23 triệu tấn dầu thô, 4,7 tỷ m3 khí. Trong số này, tập đoàn xuất bán dầu thô 7,2 triệu tấn, gồm: xuất khẩu hơn 4,1 triệu tấn, cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất 2,74 triệu tấn, bán dầu thô khai thác ở nước ngoài là 310.000 tấn...

Tính chung, doanh thu của PetroVietnam 340.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 75.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước kế hoạch năm nay, doanh thu tập đoàn 640.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 138.400 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, PetroVietnam tập trung khởi công các dự án như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. Tập đoàn cũng sẽ đưa 5 mỏ dầu khí vào khai thác gồm Visovoi-Nhennhexxky (Nga), giai đoạn 2 mỏ Tê giác Trắng và Đại Hùng, mỏ Chim Sáo và Dana lô SK 305-Malaysia.

Tàu chở dầu đang nhận hàng tại cảng Dung Quất. Ảnh: Trí Tín.
Liên quan một số vấn đề tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PetroVietnam cho biết thêm, tập đoàn đang hoàn thiện thủ tục để áp dụng cơ chế tài chính đặc biệt đối với nhà máy, trình Chính phủ phê duyệt. Nhà máy được áp dụng cơ chế tài chính đặc biệt vừa phát huy hiệu quả kinh tế vừa khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư nâng công suất, mở rộng dự án.

Hiện tại, VietNam Airlines cũng đã chấp nhận mua xăng máy bay Jet A1 do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất. Dự kiến, vài ngày tới, mẻ xăng máy bay đầu tiên do nhà máy cung cấp sẽ được dùng trong các chuyến bay của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

Còn 10 ngày nữa là nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần đầu. Các nhà thầu quốc tế đã điều động hơn 400 chuyên gia có mặt tại công trường để lên phương án, sẵn sàng cho việc bảo trì. Lúc cao điểm, có khoảng 3.000 chuyên gia, kỹ sư và công nhân của các nhà thầu quốc tế và trong nước tập trung về tham gia bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn lo lắng: “Hai tháng bảo dưỡng rơi vào cuối năm, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu thị trường trong nước tăng cao. Do vậy, việc đưa nhà máy vận hành trở lại sớm chừng nào thì càng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế đất nước".

Theo kế hoạch, ngày 15/7 nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể lần đầu. Dự kiến đến ngày 7/9 sẽ khởi động trở lại và đến 15/9 vận hành đạt 100% công suất nhà máy.

Lãnh đạo Petro Vietnam cũng cho biết, số tiền nợ của EVN đã lên tới khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tập đoàn đang phối hợp với EVN đề nghị "nhà đèn" trả dần.

Ông Thực cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với EVN để họ dần trả nợ cho PetroVietnam. Mặc dù EVN nợ đến 7.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi không đốc thúc trả khoản tiền này hay siết vài dự án điện của họ, mà cần có thời gian để hoàn trả nợ theo từng giai đoạn với quan điểm là lợi ích đất nước phải đặt lên hàng đầu”.
  • Tags: