Chiến lược marketing nhằm thu hút đầu tư FDI của một số quốc gia, địa phương điển hình và bài học tham khảo cho tỉnh Hà Tĩnh

NGUYỄN HUY HOÀNG (NCS. Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Thu hút FDI là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều địa phương thành công trong việc thu hút FDI. Việc nghiên cứu kinh nghiệm từ các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực sẽ góp phần giúp cho Hà Tĩnh có những bài học quý báu cho việc thu hút FDI. Thông qua bài báo này, tác giả phần nào giới thiệu kinh nghiệm từ một số điển hình đó và đưa ra một số bài học tham khảo cho Hà Tĩnh trong xây dựng và thực hiện chiến lược marketing nhằm thu hút FDI.

Từ khóa: Chiến lược marketing, thu hút đầu tư FDI, tỉnh Hà Tĩnh.

1. Thu hút FDI ở một số nước châu Á chọn điển hình

1.1. Trung Quốc

Cùng với Châu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn, đặc khu kinh tế Thẩm Quyến là một trong 4 khu vực lãnh thổ đông dân thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến được lựa chọn để hình thành các đặc khu kinh tế từ năm 1979. Ngay từ khi mới thành lập, chính phủ Trung Quốc đã cho áp dụng các chính sách đặc biệt tại các đặc khu kinh tế này. Những chính sách đặc biệt đó là phi tập trung hóa quản lý hành chính, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư.

Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến rộng 327km2 có vị trí địa lý hết sức ưu việt chỉ cách Hong Kong một con sông và một chiếc cầu. Mục tiêu phát triển của Thẩm Quyến là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó tỷ lệ ngành dịch vụ tương đối lớn. Chính quyền Thẩm Quyến lựa chọn các loại hình kỹ thuật tiên tiến để phát triển đặc khu theo định hướng công nghiệp mới, loại bỏ được các ngành công nghiệp "xế bóng". Phương hướng phát triển của Thẩm Quyến là hướng ngoại nhưng có sự kết hợp thích đáng hướng nội. Thẩm Quyến đã liên kết với 28 tỉnh, thành phố trong nước, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường có sự chỉ đạo của Nhà nước, xây dựng loại hình thành phố "hiện đại hóa, có tính quốc tế, đa chức năng".

Chỉ sau 15 năm xây dựng, Thẩm Quyến đã trở thành khu công nghiệp phát triển với 30 ngành kỹ thuật cao, sản xuất trên 1.000 mặt hàng, trong đó hơn 800 mặt hàng có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tổng giá trị công nghiệp của các đặc khu này đã tăng 193 lần (từ 60 triệu NDT lên tới 11.650 triệu NDT), kim ngạch xuất khẩu tăng 232 lần (từ 9 triệu NDT lên 2.170 triệu NDT).

Thành công của hai khu vực Thẩm Quyến trong suốt 20 năm qua là thành công chung của chính sách phát triển đặc khu kinh tế và khu kinh tế mở của Trung Quốc. Sự thành công này dựa trên chiến lược lựa chọn được các khu vực thích hợp và đưa ra chính sách ưu tiên thích hợp, đặc biệt là chính sách thuế cho từng khu vực đó. Chính quyền Thẩm Quyến - Trung Quốc đã tiến hành thực hiện chiến lược từ điểm sang tuyến và từ tuyến sang diện. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phê phán chính sách này và cho rằng: Chính sách thuế khác biệt giữa các vùng đã gây ra sự sai lệch trong tín hiệu giá cả. Đây được cho là nguyên nhân thu hút phần lớn các nguồn vốn đầu tư từ các vùng khác về các đặc khu. Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì đường lối cải cách mở cửa, đặc biệt cải cách thuế. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chú trọng chuyển hướng đầu tư cho các lãnh thổ và vùng sâu trong nội địa và khu vực phía Tây.

1.2. Malaysia

Thực hiện chính sách phát triển theo quy hoạch, Chính phủ Malaysia cũng phát triển mô hình KCN từ năm 1970. Tính đến năm 1997, đã có 206 KCN và 14 khu tự do được thành lập với tổng diện tích hơn 30.000 ha. Chính phủ Malaysia cũng khuyến khích khu vực tư nhân phát triển các KCN (24 khu). Việc quy hoạch phát triển KCN do các cơ quan Trung ương đảm nhận.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, mỗi bang của Malaysia thành lập Tổng công ty phát triển (SEDC) có nhiệm vụ mua đất xây dựng hạ tầng trong các KCN để bán hoặc cho thuê lại. Đồng thời, SEDC có nhiệm vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng khu vực và kinh doanh các công trình khác như nhà ở, khu vui chơi giải trí, bến cảng, hệ thống cấp điện, cấp nước. Với phương thức này, việc phát triển hạ tầng tuân thủ theo quy hoạch được thực hiện đồng bộ và hoạt động hiệu quả.

Để quản lý hoạt động của KCN, khu thương mại tự do, chính quyền địa phương các bang được giao nhiệm vụ quản lý một số hoạt động của doanh nghiệp. Chủ đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Bộ Công Thương; xin giấy phép đầu tư tại Ủy ban đầu tư (MIDA) và xin hưởng ưu đãi về thuế tại Bộ Tài chính. Điều thuận tiện cho nhà đầu tư là cơ quan này có đại diện thường trú ở tất cả các bang. Sản phẩm sản xuất tại các khu thương mại tự do được phép bán vào nội địa một tỷ lệ nhất định (khoảng 20%) và phải nộp thuế như hàng hóa nhập khẩu. Có đầu tư tốt về hạ tầng kỹ thuật, có sự chuẩn bị đất phát triển công nghiệp và các tiện nghi hạ tầng đầy đủ. Vì vậy, chi phí cho đầu tư xây dựng nhà máy xí nghiệp thấp so với nhiều nơi khác. Địa điểm xây dựng ở những nơi thuận lợi về giao thông, gần sân bay là KCN điện tử, gần bến cảng là KCN đóng tầu. Hệ thống đường bộ, đường sắt đều có liên hệ trực tiếp với KCN. Người lao động được đào tạo đầy đủ đáp ứng tốt cho các nhà máy xí nghiệp công nghiệp.

1.3. Philippines

Nằm trong xu hướng khuyến khích và phát triển kinh tế quốc gia và khu vực, Philippines mặc dù có những hạn chế về điều kiện địa lý tự nhiên nhưng đã chủ động tạo ra nhiều thuận lợi khác biệt để thu hút đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Lợi dụng tình hình thiếu hụt lao động tri thức trong mặt bằng chung của khu vực, quốc gia này đã tập trung vào đào tạo kỹ năng, trình độ chuyên môn cho lao động. Qua đó, Philippines xây dựng lợi thế cạnh tranh của mình về nguồn vốn tri thức với xếp hạng trong nhóm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài khả năng chuyên môn cao, tiếng Anh là ngôn ngữ được phổ cập như ngôn ngữ phổ thông đối với lao động của Philippines chính là điểm thu hút các nhà đầu tư. Để khuyến khích và thu hút đầu tư, Ủy ban đầu tư (BOI) trực thuộc chính phủ liên tục chỉ ra sự tiến bộ của chính quyền trong quyền dân chủ và tự do, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế như viễn thông, hàng hải, ngân hàng, năng lượng và bảo hiểm.

Với những thay đổi của chính quyền để thu hút đầu tư, Philippines đã trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc của nhà đầu tư có nhu cầu về lao động giỏi, có chuyên môn kỹ thuật và tiếng Anh thuần thục trên thị trường thế giới. Đặc trưng này của Philippines đã được các trung tâm xúc tiến thương mại quốc tế khẳng định và giới thiệu tới các nhà đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, những trung tâm điện thoại khách hàng được thành lập ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia này, hoạt động với chức năng giống như trung tâm quảng bá thông tin tới nhà đầu tư quốc tế.

1.4. Singapore

Singapore là quốc đảo với nhiều đảo nhỏ bao quanh, hầu như không có tài nguyên để phát triển kinh tế. Đây cũng là quốc gia không có nước ngọt, đất canh tác hẹp, chủ yếu dùng để trồng cao su, dừa, rau và cây ăn quả. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã thành công trong làm chiến lược marketing với định hướng phát triển quốc gia có cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu ở châu Á. Những ngành công nghiệp uy tín của Singapore trên thị trường quốc tế bao gồm: Cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc vi tính.

Những hạn chế về điều kiện tự nhiên đã đặt chính quyền Singapore định hướng phát triển quốc gia trở thành nền kinh tế tri thức. Những chính sách khuyến khích quốc gia về đầu tư công nghệ cao, đào tạo nhân sự đã đưa Singapore trở thành quốc gia đứng đầu khu vực về công nghiệp công nghệ cao như sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Quốc gia này đã đạt được uy tín toàn cầu là một trung tâm sản xuất, vận tải và kinh doanh tạo giá trị gia tăng, đặc biệt là công nghệ.

Năm 1999 đánh dấu bước chuyển mình của kinh tế Singapore vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới. Singapore bắt đầu tự do hóa khu vực ngân hàng nhằm phát huy thành công của những khu vực khác để trở thành trung tâm tài chính châu Á. Đồng thời, Singapore cũng mở cửa cho các tổ chức giáo dục quốc tế trong một nỗ lực tăng chất lượng và số lượng giáo dục hiện có, không chỉ dành riêng cho người dân Singapore mà còn cho những tài năng ở ngoài Singapore. Khi lợi thế cạnh tranh của một nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhân lực tri thức, Singapore với chính sách khuyến khích giáo dục nhằm thu hút được những cá nhân giỏi, năng động và sẵn sàng nhận thử thách Đảo quốc sư tử khai thác triệt để hình ảnh quốc gia công nghệ cao thông qua tiếp thị mạnh với ngành công nghệ thông tin quốc tế.

2. Thu hút FDI ở một số địa phương chọn điển hình

2.1. Hà Nội

Là thủ đô của Việt Nam, Hà Nội có diện tích lớn nhất toàn quốc với dân số đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí địa lý thuận lợi, nơi cửa ngõ giao thông chính giữa các trung tâm kinh tế của Việt Nam, cơ sở hạ tầng với nhiều tuyến đường quốc lộ, hàng không, đường thủy thuận tiện đã tạo nên lợi thế về vị trí cho Hà Nội. Bên cạnh đó, là trung tâm chính trị của Việt Nam, Hà Nội có được lợi thế về hệ thống quản lý nhà nước với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư cho thành phố. Là thành phố có dân số cao thứ 2 tại Việt Nam, tập trung nhiều đơn vị đào tạo, cơ sở nghiên cứu đầu ngành nên Hà Nội có lợi thế về lực lượng lao động có chất lượng cao, nguồn lực dồi dào để thu hút nhà đầu tư. Hệ thống dịch vụ hỗ trợ như trường học, bệnh viên, cơ sở y tế, tài chính - ngân hàng là luôn sẵn sàng từ dịch vụ công đến dịch vụ tư nhân.

Chính quyền thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch để thu hút và khuyến khích đầu tư nước ngoài với chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội đặt mục tiêu quy hoạch thành phố trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, có tính bền vững và cạnh tranh cao qua những giá trị truyền thống văn hóa. Với mục tiêu phát triển thành phố của chính quyền địa phương, mục tiêu thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, viễn thông, bất động sản và dịch vụ. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 1 khu công nghệ cao, 28 khu công nghiệp tập trung, 49 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, trên 177 điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Với mục tiêu phát triển, thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm khuyến khích thu hút đầu tư. Cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư cởi mở, nhiều ưu đãi cho lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao như điện tử, cơ khí. Thủ tục xin cấp phép đầu tư và kinh doanh được hỗ trợ với chỉ dẫn chi tiết hơn từ các cơ quan quản lý Nhà nước cấp thành phố, quận, huyện. Hệ thống giao thông nội đô được đầu tư để giải quyết nhiều vấn nạn về giao thông. Những nỗ lực của thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực khác nhau. Hà Nội đứng thứ 3 cả nước với tổng số vốn đăng ký cấp mới, hơn 40 dự án được cấp phép mới, tăng thêm 663,6 triệu USD chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư (số liệu tính đến tháng 6/2016).

Tuy nhiên, hạn chế của các dự án đầu tư ở Hà Nội là giá trị gói đầu tư thường nhỏ, ở mức dưới 1 triệu USD. Mặc dù có nhiều ưu điểm về vị trí địa lý và cơ chế chính sách nhưng chỉ số cạnh tranh của Hà Nội thấp, ít thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, do là trung tâm về chính trị của quốc gia nên sự linh động trong cơ chế đối với nhà đầu tư có những giới hạn bị hạn chế. Đồng thời, chính quyền Hà Nội vẫn còn chủ quan trong hoạt động truyền thông quảng bá để thu hút nhà đầu tư.

2.2. Bình Dương

Trong những năm cuối thập kỷ 80, công nghiệp Bình Dương chỉ phát triển chủ yếu là các sản phẩm của làng nghề truyền thống. Bắt đầu những năm 90, lãnh đạo tỉnh đã xây dựng chính sách phát triển công nghiệp dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh của mình cùng với chủ trương phát triển công nghiệp thông qua thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Với chính sách “trải thảm đỏ” chào đón các nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương trở thành địa phương phát triển năng động nhất trong tứ giác kinh tế trọng điểm của cả nước.

Những năm đầu thế kỷ XXI, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương năng động trong kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Với chủ trương tạo ra một môi trường đầu tư tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2006, tỉnh đã có 1.285 dự án FDI với tổng số vốn 6 tỷ 507 triệu USD. Năm 2007, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút trên 900 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng hơn 2,5 lần so với năm trước. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2006, tỉnh Bình Dương tiếp tục đứng đầu với 76,23 điểm, trong khi thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, lần lượt xếp thứ thứ 40 với 50,34 điểm và xếp thứ 7 với 63,39 điểm.

Đến nay đã có hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Sự xuất hiện của các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực cao về tài chính và công nghệ đã đem đến một nguồn công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Nhìn chung, hoạt động phát triển công nghiệp đã có nhiều tác động tích cực tới quá trình tăng trưởng kinh tế, tạo ra môi trường kinh doanh năng động, trở thành một bộ phận quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của tỉnh và hỗ trợ giải quyết những mục tiêu kinh tế - xã hội.

2.3. Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi cả đường bộ và đường thủy, nổi tiếng về những bãi biển đẹp, địa phương có những giá trị văn hóa truyền thống giao thoa nhiều khu vực. Khai thác những lợi thế về vị trí địa lý, chính quyền thành phố đã xây dựng kế hoạch hoạch định cơ sở hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm của chính quyền thành phố là thành phố không thể thu hút đầu tư nước ngoài nếu không xây dựng một cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Thành phố có chương trình xúc tiến mang sắc thái riêng để thu hút đầu tư vào du lịch và vận dụng quan điểm cá biệt hóa theo đối tượng để vận động đầu tư; sắp xếp phân loại, chọn lựa và mời đầu tư thông qua liên hệ trực tiếp tới các nhà đầu tư tiềm năng; chuyển đến các nhà đầu tư thông điệp định vị của thành phố, các tài liệu liên quan đến quy hoạch du lịch, các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, những ưu đãi về thuế và giá thuê đất của thành phố; tập trung vào những điểm mạnh, những lợi thế và những điểm mang tính khác biệt của thành phố Đà Nẵng thuận lợi cho phát triển du lịch. Để thu hút các nhà đầu tư đến với du lịch, thành phố cần nỗ lực giảm thiểu các chi phí này cho các nhà đầu tư, minh bạch hóa các loại chi phí và giảm thiểu các chi phí không hạch toán được đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa là một trong những vấn đề lớn và có thể gia tăng chi phí cho nhà đầu tư. Thành phố có chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giải tỏa đền bù với những dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã xây dựng hệ thống tài chính hạn chế thiên vị cho các doanh nghiệp nhà nước. UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng cơ chế chính sách mở, bình đẳng và thuận lợi cho nhà đầu tư, cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động đầu tư ở khu vực tư nhân. Hệ thống quản lý hành chính của thành phố Đà Nẵng giảm thiểu các thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Định hướng phát triển với vai trò trung tâm dịch vụ, thành phố Đà Nẵng hoàn thiện chính sách và khuyến khích các dịch vụ chuyên môn và tư vấn như kế toán - kiểm toán, pháp lý, quảng cáo tiếp thị và du lịch.

Song song với những hoạt động khuyến khích phát triển về du lịch và dịch vụ, thành phố Đà Nẵng cũng đưa ra định hướng phát triển dài hạn thông qua giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội. Thành phố nỗ lực đầu tư phát triển giáo dục nhân lực có trình độ cao, trở thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Hệ thống y tế công và dịch vụ đều được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ. Với những nỗ lực định hướng và thay đổi của chính quyền thành phố, Đà Nẵng hiện nay là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

3. Bài học tham khảo cho Hà Tĩnh

Trên cơ sở nghiên cứu mô hình và kinh nghiệm thực tế của các quốc gia và địa phương trên thế giới cũng như Việt Nam, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Hà Tĩnh trong hoạt động marketing địa phương lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương như sau:

Thứ nhất, marketing địa phương lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương không thể tách rời với hoạt động marketing phát triển công nghiệp của quốc gia và khu vực. Như vậy, mọi chính sách và chiến lược của tỉnh đề ra phải dựa trên các chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia và xu hướng phát triển công nghiệp của khu vực.

Thứ hai, marketing địa phương lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương phải dựa trên lợi thế so sánh của vùng và lãnh thổ so với các vùng và lãnh thổ khác, đặc biệt là lợi thế về vị trí địa lý. Đối với các nước đang phát triển, việc phát triển công nghiệp vẫn là chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế vùng và địa phương.

Thứ ba, marketing địa phương lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương phải trên cơ sở khai thác được nguồn lực của địa phương; đồng thời phải thu hút được các nguồn lực của các vùng và địa phương khác (trong và ngoài nước), đặc biệt chú ý tới nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ và thị trường.

Thứ tư, mỗi vùng và địa phương cần có chính sách phát triển công nghiệp phù hợp với đặc điểm đặc thù của địa phương. Phát triển công nghiệp của các địa phương đi sau cần tránh trở thành nơi thu hút “công nghiệp rác thải” của các đô thị hoặc khu vực kinh tế lớn gần đó. Đồng thời, các vùng và địa phương muốn đi nhanh hơn và đi trước so với các địa phương khác cần phải có những chính sách riêng thông thoáng hơn, nhất là chính sách thu hút đầu tư.

Thứ năm, marketing địa phương lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương không chỉ thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài mà còn là sự khuyến khích đầu tư, phát triển kinh doanh của dân cư trong vùng.

Thứ sáu, marketing địa phương lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương không thể không quan tâm tới giải quyết các vấn đề về môi trường, các vấn đề xã hội, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Minh Đạo (2012), Marketing căn bản, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

2. Nguyễn Bách Khoa và Cao Tuấn Khanh (2011), Marketing thương mại, NXB Thống kê.

3. Philip Kotler và Kevin Keller (2013), Quản trị marketing, NXB Lao động xã hội.

4. D. Asker (2001), Strategic Market Management, Prentice Hall, NewYork.

5. Vũ Trí Dũng và Phạm Thị Huyền (2005), Marketing địa phương và vùng lãnh thổ với việc thu hút đầu tư để phát triển, Đề tài NCKH cấp Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Website: Bộ Kế hoạch và Đầu tư - www.mpi.gov.vn

MODELS AND LESSONS FOR HA TINH PROVINCE

NGUYEN HUY HOANG

Post Graduate Student of Thuong MaiUniversity

ABSTRACT:

FDI attraction is one of the factors contributing to the development of the local economy. In recent years, many localities have succeeded in attracting FDI. The study of experience from local provinces and countries in the region will help Ha Tinh have valuable lessons for attracting FDI. Through this article, the author partly introduces the experience from some of these examples and gives some lessons for Ha Tinh in marketing strategies to attract FDI.

Keywords: Marketing strategy, FDI attraction, Ha Tinh province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.