Chống hàng giả, hàng nhái: Chặn ngay từ nguồn cung

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi hàng giả đến cần ngăn chặn ngay từ khâu “cung” để số hàng này không đến được với “cầu”.

Muôn hình vạn trạng về hàng giả

Nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến phòng, chống hàng giả, hàng nhái cho người dân; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc đấu tranh xung quanh lĩnh vực này, sáng 26/11/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”.

Ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, chỉ tính riêng lực lượng QLTT mỗi năm đã xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả... Lực lượng QLTT nói riêng và lực lượng chức năng nói chung đã thu được kết quả đáng kể trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

Thống kê cho thấy, trong năm 2018 lực lượng QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng.

Theo đó, trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, trên thị trường còn tồn tại hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ khiến kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra, đặc biệt là các nhóm hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe và môi trường”, ông Hoàng Ánh Dương nói.

chống hàng giả hàng nhái
Ông Hoàng Ánh Dương cho biết, rất khó ngăn chặn hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam. Chỉ tính riêng lực lượng QLTT mỗi năm đã xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả... 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng và nhu cầu thực tế của người dân đối với hàng hóa đảm bảm chất lượng do Việt Nam và các nước phát triển sản xuất, các đối tượng dùng rất nhiều thủ đoạn, nhập hàng hóa nước ngoài về Việt Nam, gắn mác hàng Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng.

“Chẳng hạn, nhiều người bán rong hoa quả, khoai tây, hành tỏi… xuất xứ Trung Quốc nhưng khi khách hỏi lại trả lời là hàng Việt Nam để bán được hàng. Vụ việc khoai tây Trung Quốc giả mạo khoai tây Đà Lạt vừa qua là một ví dụ”, đại diện Tổng cục QLTT dẫn chứng.

Ông Hoàng Ánh Dương cho biết thêm, hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở…

“Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng nên việc phát hiện vi phạm rất khó khăn. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng như: hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật… thì càng khó xử lý”, đại diện Tổng cục QLTT nói.

chống hàng giả hàng nhái
Trước thực tế muôn hình vạn trạng hàng giả, lực lượng QLTT xác định, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và lâu dài

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam lo ngại việc quảng cáo cho hàng giả xuất hiện khá công khai trên một số trang mạng đã gây nhầm lẩn và thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng.

Đại diện L'Oréal chia sẻ, L’Oreal chính thức đến Việt Nam với 3 thương hiệu đầu tiên: Lancome, L'Oreal Paris và Maybelline New York. Sau 1 năm đến thị trường Việt Nam, L’Oreal bắt đầu việc chống hàng giả vào năm 2008, khi đó, thị trường thủ đô tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu L’Oreal chính hãng.

Thời gian đó, hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75% và trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng. L’Oreal đã gởi công văn kêu cứu đến các cơ quan chính phủ và trong tất cả các cuộc họp cấp cao giữa Tập đoàn và Văn phòng Thủ tướng, vấn đề này cũng được nêu tên.

Chính bởi việc kiểm tra chặt chẽ thị trường mỹ phẩm trong thời gian từ 2012- 2014 đã giúp việc thị phần mỹ phẩm giả giảm đáng kể tại Việt Nam, bà Trinh cho biết.

Tuy vậy, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, năm 2015 hàng giả lại được biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng, doanh thu được ghi nhận từ một trang mạng vào thời điểm đó là hơn 1 tỷ đồng/ tháng.

Việc chuyển hướng kinh doanh ồ ạt qua mạng làm cho việc chống hàng giả của doanh nghiệp và cơ quan quản lý thị trường trở nên khó khăn và vất vả hơn do khả năng điều tra và kiểm tra các kho hàng được đặt trong các hộ gia đình là không khả thi.

“Thời điểm hiện tại, thị trường mỹ phẩm của L'Oreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60% (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline)”, đại diện L’Oreal thông tin.

Chặn hàng giả ngay từ nguồn “cung” để ko đến được với “cầu”

Nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường.

Đối với từng địa bàn cụ thể, đặc biệt là tại các khu vực kinh doanh tập trung, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, như tổ chức ký cam kết, hướng dẫn trực tiếp để doanh nghiệp nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, để tăng cường kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục hải quan) nhấn mạnh, cơ quan này vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ thêm tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm về dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận.

Cùng với những giải pháp chuyên ngành, theo các chuyên gia, việc phối hợp đồng bộ của các lực lượng như công an, hải quan, quản lý thị trường, thuế... để ngăn chặn từ biên giới đến thị trường trong nước sẽ là công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian tới.

Còn theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), 20% khiếu nại gửi đến cơ quan này trong 10 tháng năm 2019 liên quan đến cung cấp thông tin gây nhầm lẫn và chất lượng không đúng như quảng cáo.

Chính vì vậy, ông đề nghị một mặt phải nâng cao trách nhiệm và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp trong việc đấu tranh với vấn nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng mặt khác chế tài xử lý vi phạm cũng phải đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi tái diễn.

“Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi hàng giả đến cần ngăn chặn ngay từ khâu “cung” để số hàng này không đến được với “cầu””, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nói.

 

Hạ An