Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, quý 1/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.
Bước sang quý 2/2023, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại.
Nhu cầu tăng, đẩy giá gạo tại nhiều nước xuất khẩu lên theo
Trước xu hướng chung của việc suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa.
Theo đó, Thái Lan đã có động thái giảm diện tích canh tác lúa gạo. Tháng 5/2023, do tác động của El Nino, Thái Lan đã yêu cầu nông dân cắt giảm vụ lúa 2023 chỉ còn vụ hè thu để tiết kiệm nước, tránh thất thoát, thay vào đó chuyển sang cây trồng chịu hạn khác.
Trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết cần đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ do có thể ảnh hưởng đến giá gạo nội địa, có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động. Hiện TREA nhận định giá gạo nội địa tại Thái Lan có thể tăng 10%.
Tại Ấn Độ, sau khi nước này đột ngột cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7 vừa qua, hàng loạt đơn hàng xuất khẩu gạo đã buộc phải huỷ, kể cả các hợp đồng đã có thư tín dụng (LC) để đảm bảo thanh toán. Theo đó, lượng gạo tẻ (non-basmati) được phép xuất khẩu trong tháng 7/2023 của Ấn Độ chỉ còn 200.000 tấn, so với mức 500.000 tấn/tháng thông thường.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạo thuận lợi về giá cho người tiêu dùng trong nước nhưng lại gây khó khăn cho ngành xuất khẩu gạo của nước này trong dài hạn. Bởi các nhà sản xuất gạo ở Ấn Độ thường là nông dân, hộ gia đình nhỏ, được Chính phủ hỗ trợ bằng các chính sách như trợ cấp. Lệnh cấm sẽ khiến thu nhập nông thôn suy giảm, có khả năng nông dân nước này phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để đảm bảo thu nhập.
Đối với Campuchia, Bộ Nông Lâm Thuỷ sản Campuchia cho biết, giá gạo của các giống lúa IR và OM đang đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Liên đoàn lúa gạo Campuchia (CRF) cho biết, giá gạo IR hiện ở mức 1.047 riel/kg (6.000 đồng/kg); gạo OM có giá 1.029 riel/kg (5.900 đồng/kg).
Chớp thời cơ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trước bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, khẳng định thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan,... chúng ta cũng cần rất thận trọng, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau", Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý, nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm là vô cùng quan trọng để giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường bền vững.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tận dụng thời cơ, vẫn phải bảo đảm được an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống.
Xem thêm: "Đảm bảo bình ổn thị trường thóc gạo trong nước" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA) chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Gắn hoạt động quảng bá, giới thiệu gạo nói riêng và sản phẩm hàng hoá Việt Nam nói chung vào các chương trình thăm chính của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các nước và lãnh đạo các nước đến thăm Việt Nam; các chương trình họp Uỷ ban liên Chính phủ, các chương trình làm việc của Bộ Công Thương.
Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.
Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân xuất khẩu gạo để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp, xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thương nhân theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo, bảo đảm hiệu quả, bền vững.