Quốc lộ 1A rộng thênh thang chào đón xe của chúng tôi từ Cà Mau đến với Năm Căn và km 2301 + 340m - điểm cuối cùng của tuyến đường huyết mạch xuyên đất nước. Chúng tôi đang đi ngày càng sâu vào mảnh đất “trăm thương ngàn mến”. Một cảm xúc lâng lâng thật khó tả.
Năm Căn lênh đênh
Mới sáng sớm, bến tàu khách Năm Căn đã nhộn nhịp lắm rồi. Ca nô, xuồng máy, tàu cao tốc tấp nập ra vào đón khách chẳng khác gì xe buýt trên đất liền. Chúng tôi lên một chiếc cano và bắt đầu hành trình.
Từ bến, thuyền đổ ra sông Năm Căn, một đoạn của sông Cửa Lớn, nhanh đến bất ngờ, khiến mỗi người không khỏi choáng ngợp. Chả mấy chốc gió mạnh hơn, tầm mắt thoáng hơn hẳn, cano đã đi trên sông Cửa Lớn. Trời hơi lất phất mưa. Lái cano là một chàng trai trẻ trạc ngoài ba mươi, phụ lái là một chị phụ nữ mập mạp, đen bóng, tất bật giúp các khách quý trên cano chụp ảnh lưu niệm. Thật khó có thể “tác nghiệp” trong hoàn cảnh như thế nên ai cũng phục chị ghê gớm khi nhìn chị “đứng tấn” bấm hai chân xuống sàn cano, lưng dựa thật chắc vào thành ghế, cano tha hồ rung lắc, “ôm cua”, đôi chân to bè của chị như đã được đóng hẳn vào sàn tầu không lay chuyển. Một cảm giác thật mạnh vừa lạ lẫm vừa sợ hãi mỗi khi chiếc cano nảy tưng tưng trên các con sóng được tạo ra từ chiếc vỏ lãi hoặc chiếc cano khác đi ngược lại. Hoặc những khi cano nghiêng hẳn 45 độ để “ôm cua” trên sông khiến cả đoàn đều bất giác kêu lên những tiếng phấn khích.
Cuộc trò chuyện bị át đi tiếng được tiếng mất bởi âm thanh khá ồn ào của máy nổ. Họ là hai chị em, người chị hóa ra đúng bằng tuổi của tôi, người gốc Cà Mau, đã bỏ ra 400 triệu đồng mua chiếc cano này gần 10 năm nay và cùng cậu em vi vu sóng nước sống nhờ vào sông Cửa Lớn. Chồng chị làm giáo viên ở Cà Mau, lương đủ nuôi ăn học cho hai đứa trẻ, còn chị lái cano thế này phụ thêm. Chị chỉ cho tôi hai bên bờ sông người dân thả đầy nhóc những dàn can nhựa mầu xanh mầu trắng nuôi hàu để bán ra chợ. Ở đây 100% sống dựa vào dòng sông, dựa vào sản lượng đánh bắt thủy hải sản mỗi ngày. Tôm cua cá cứ thế quăng lưới và thu hoạch, làm chăm thì được nhiều, làm biếng thì được ít. Tôi nhìn hai bên bờ sông, những cây mắm cây đước giăng mắc quấn quýt gốc rễ với nhau lại nhớ đến những câu từ trong Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi: “Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận”. Chợt nghĩ đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố, ở đô thị thấy xa vời vợi…
Cảnh tượng thay đổi nhanh chóng, mới đầu và háo hức nhất là được ngắm những dãy nhà sàn lợp lá dừa nước san sát hai bên bờ, rồi thưa dần cho đến khi chỉ thấy một màu của đước, của mây trời và nước sông đỏ cuồn cuộn. Từng hàng đước xanh ngắt nối tiếp nhau, lớp chồng lớp mênh mông không điểm dừng. Như bị hút vào rễ của loài cây kỳ lạ cứ giơ lên như hàng trăm nghìn bàn tay quắp rối lấy nhau không rời, tôi lại nghĩ đến bộ phim Đất rừng phương Nam, nghĩ đến nhân vật chú Tư Võ Tòng đánh bại con cá sấu hoang dại hại người. Biết đâu ngay vạt rừng đước phía trước kia đang có vài chú cá sấu đang nằm chờ mồi? Và nếu vậy chúng tôi sẽ có cơ may được mục sở thị tài nghệ của các chú Tư Võ Tòng?
Muỗi, rác và…
Dòng tưởng tượng cứ miên man cho đến một lúc hai bên rừng đước lại lùi xa nhường chỗ cho nhà cửa. Cano lại đi qua một xóm nữa rồi. Khi cảnh vật đã có vẻ hơi quen thuộc chúng tôi đã bắt đầu phóng tầm mắt vào những chỗ ngóc ngách trong các ngôi nhà ven sông hơn một chút. Trước đó có ai đó bật đài FM. Dòng thông tin sốt dẻo về dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội phút chốc kéo mọi người về với thực tại “bất ổn” ở nhà. Một người hỏi chị chủ tàu: Ở đây bà con có bị sốt xuất huyết không chị? Dạ không! Chị đáp gọn lỏn rồi mới giải thích là dùng mền suốt nên không bị. Định hỏi chị về thông tin toàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận hơn 1.230 ca mắc sốt xuất huyết tăng 74% ca mắc so với năm 2016… song nghĩ sao lại thôi. Nghe muỗi kêu nhớ rừng Cà Mau - lời bài hát còn văng vẳng bên tai. Là vậy đó, cho dù muỗi cũng đã thành “di sản” nhưng nếu được chọn lựa thì chắc ai cũng không chọn muỗi và dịch bệnh, lại thấy thương người Cà Mau vô cùng.
Nhưng muỗi chỉ là một vấn đề rất “muỗi” ở nơi đây, rác thải mới là nan giải.
Tiếng anh bạn là một nhà khoa học đã dọc ngang khắp mọi miền tổ quốc, đi tầu đi tây suốt cả cuộc đời rỉ rả bên tai tôi. Anh bảo ngày xưa dân ít đất rộng rác thải sinh hoạt chả có gì mấy nên mặc dù được xả thẳng xuống sông nhưng mà sóng đưa ra ngoài biển hết. Giờ rác toàn nilon, lại nhiều vô kể, người thì đông đúc như vậy, rồi chính quyền không cho vứt rác xuống sông. Thế là họ gom lại một đống trên bờ, mỗi tuần được chính quyền cho xuồng ghe đi thu gom 1 lần, nên vào những ngày cuối kỳ thu gom trên bờ rác nhiều vô cùng. Dù chưa đến mức chềnh ềnh đập vào mắt chúng tôi song đã nhìn thấy những đụn lớn đụn nhỏ trên bờ suốt dọc hành trình lênh đênh trên sông. Chưa bao giờ chúng tôi lại cảm thấy buồn về những tác dụng phụ của sự văn minh hiện đại đến thế, lại thấy xót xa…
Chiếc cano vẫn lao đi vun vút trên sông. Quãng đường thủy từ Năm Căn đi Đất Mũi khoảng 60km, đã hơn 1 giờ đồng hồ trôi qua, cảnh vật lướt qua hai bên mạn xuồng như một cuốn phim chạy thật nhanh. Những đường kẻ thẳng tắp nối tiếp nhau, nhà nối nhà, hàng đước nối hàng đước.
Thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc lưới kéo chắn ngang mặt sông, vài ngư dân đang hò nhau kéo lưới lên ghe. Dưới ánh nắng ngược của buổi sớm mai đầy sương khói, bóng dáng của họ hiện lên đẹp lạ thường.
Chị chủ tàu nói to át tiếng máy “sắp tới nơi rồi đó” làm mọi người đã bắt đầu im ắng lại trở nên sôi nổi. Càng tới gần Đất Mũi, kênh rạch càng chằng chịt, rừng đước càng khép lại hẹp hơn. Chiếc cano nhô lên hụp xuống giữa những lớp sóng khiến tôi có cảm giác như đang cưỡi một con ngựa bất kham dưới nước. Không hẹn mà nhìn nhau, chúng tôi biết trong lòng mỗi người đều dâng lên những cảm xúc thật khó tả, nửa xúc động, nửa hứng khởi.
Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam
Ngày đi học, khi nghe những vần thơ về mũi Cà Mau, tôi đã tưởng tượng ra một nơi nào đó thật xa xôi, một vùng đất ngoài tầm bước chân. Cứ ao ước thế thôi vì “nghe nói Cà Mau xa lắm ở cuối cùng bản đồ Việt Nam”, ai dè cuối cùng rồi cũng được đến nơi đây để được nhìn ngắm và cảm nhận một phần “máu thịt” của đất nước mình.
“Mắm trước, đước sau”, mắm đâm tua tủa bám đất, rồi đến đước, tràm giữ đất bồi ngày một chắc chắn hơn, trái rụng xuống, cây lại mọc lên không bao giờ ngừng nghỉ. Khi con người đặt chân đến đây, cây dừa nước lại cho thân mình tạo nên những ngôi nhà che mưa nắng. Chuyện về đất Cà Mau có lẽ là câu chuyện kể không bao giờ hết về những loài cây thô mộc, gần gũi ấy.
Đói bụng rồi mà chưa biết ăn gì vì hàng quán thì thưa thớt lắm nên chúng tôi đồng ý ngay khi được chị em chủ tàu rủ vào nhà người bạn. Anh Út làm nghề bắt cá, anh mang ra một ít đủ mọi thứ bắt trong lưới (tôm, cá, mực, v.v...) theo làm mồi. Và thế là chúng tôi có một tiệc hải sản tươi sống. Đĩa tôm luộc tươi, hơi đen vì vợ anh Út luộc chung với mực tươi, như vậy cho nó ngọt, nhìn thì không đẹp mắt vì hơi đen đen nhưng ăn thì ngon vô cùng. Chúng tôi nhập tiệc một cách giống như là đã quen nhau từ khi nào, chủ nhà đem ra hết nào là khô đuối cùng tất cả các loại hải sản có sẵn trong nhà hoặc sang nhà hàng xóm “mượn” về để đãi khách luôn. Xế chiều hôm đó tiễn chúng tôi về anh Út còn chạy qua hàng xóm “mượn” 1 con cá chim lớn đã ướp muối sẵn gói kỹ càng tặng chúng tôi đem về ăn dần và dặn dò kỹ lưỡng cách phơi nắng và xẻ ra từng khoanh nhỏ để chưng với thịt ba rọi...
Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được Cà Mau, quên được những người dân chất phác, hồn hậu, mến khách, quên căn nhà chòi đơn sơ ko có cửa và gia chủ là một cặp vợ chồng nghèo với đứa con gái nhỏ, trong nhà ko có gì quí giá ngoài bộ xoong nồi đen vì đốt cũi, 4 cái chén ko lành, 1 chiếc chiếu, 1 cái võng và một tấm lòng vô giá. Ôi vùng nước đen thân thương của lần đầu tiên mà như đã thành máu thịt. Lại bất giác nghĩ về sự thay đổi, nghĩ về thuở hồng hoang của ông cha ta nơi địa đầu Đất Mũi.