1 - Khái quát tình tình khoa học và công nghệ của Việt Nam
Tiềm lực KHCN là tài sản quý báu của đất nước, là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân và của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Ơ nước ta, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định vai trò then chốt của cách mạng khoa học - kỹ thuật trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển của KHCN: Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII năm 1996 đã có Nghị quyết riêng về KHCN. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN và Luật Khoa học và Công nghệ đã được Quốc hội Khoá X thông qua tháng 6-2000, có hiệu lực từ ngày 01-01-2001. Với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, đội ngũ các nhà KHCN đã có bước chuyển biến, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động KHCN của nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khi kinh tế tri thức đã hình thành và ngày càng phát triển mạnh mẽ; chưa phát huy được tiềm lực, trí sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ KHCN, đồng thời chưa đòi hỏi trách nhiệm và sự đóng góp tương xứng của đội ngũ đó. Một số lĩnh vực KHCN có nguy cơ tụt hậu hơn; đội ngũ những người làm KHCN có nguy cơ bị hẫng hụt.
Đại hội Đảng lần thứ IX đã nghiêm túc kiểm điểm và chỉ ra những hạn chế cơ bản của hoạt động KHCN hiện nay là:”...Chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội, chậm đưa vào ứng dụng những kết quả đã nghiên cứu được. Trình độ công nghệ của ta còn thấp nhiều so với các nước xung quanh, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năng lực tạo ra công nghệ mới còn rất có hạn.
Các cơ quan nghiên cứu khoa học chậm sắp xếp cho đồng bộ, còn phân tán, thiếu phối hợp, do đó đạt hiệu quả thấp...”.
Còn nhiều công trình không ứng dụng được là do các cơ quan quản lý khoa học “đẻ” ra nhiều đề tài nghiên cứu chỉ để tiêu hết “tiền chùa” đã được duyệt. Nhiều người làm khoa học chân chính hiện nay chua xót than rằng, tiền cho công trình nghiên cứu nghiêm túc xin rất khó. Vì những nhà khoa học nghiêm túc không chấp nhận việc phải “xin”, phải bẩm báo, phải hối lộ những con người không biết về KHCN nhưng lại có chức có quyền. Cho nên, đề tài dù có hay, cũng khó được duyệt kinh phí, nếu có duyệt cũng khó lấy ra vì không chịu “chi” giải ngân. Do vậy, KHCN của nước ta khó mà phát triển cùng đất nước. Tuy nhiên, để cho KHCN phát triển ở mức độ nào đó thì chúng ta cần phải có cơ chế quản lý KHCN mới, vì cơ chế hiện nay còn nhiều bất cập, chưa thự sự phù hợp với tình hình mới và bối cảnh mới. Trong đó có vấn đề:” Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN”.
2- Cơ chế tài chính hiện nay cho hoạt động khoa học và công nghệ cần phải đổi mới.
Hiện nay, các nguồn tài chính cho hoạt động KHCN khá đa dạng, bao gồm:
- Vốn do Ngân sách nhà nước cấp;
- Vốn tự có của các tổ chức nghiên cứu KHCN và của doanh nghiệp được hình thành từ phần trích lập quỹ, do liên doanh, liên kết hay thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ;
- Vốn vay ngân hàng theo các quy định của pháp luật;
- Vịên trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các cá nhân trong và ngoài nước.
- Năm 2001, tổng vốn đầu tư cho KHCN của nước ta là 2.081 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,47% GDP. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trung bình 69% tổng nguồn đầu tư cho KHCN giai đoạn 1996 - 2000. Trong khi đó, tỷ trọng chi cho nghiên cứu triển khai trên GDP của một số nước trên thế giới lớn hơn nước ta rất nhiều. Thí dụ: Trung Quốc là 0,85% (số liệu năm 1999); Singapore: 2% (1995); Nhật Bản: 3% (1995); Hàn Quốc: 2,7% (1995)...Như vậy, chi cho nghiên cứu triển khai của các nước cao hơn nước ta cả về tỷ trọng và cả về số lượng tuyệt đối vì GDP của các nước đó là rất lớn so với GDP của chúng ta. Thí dụ, 3% GDP (1995) của Nhật Bản sẽ là khoảng 18 tỷ USD bằng hơn 60% GDP của Việt Nam và số tiền tuyệt đối sẽ gấp khoảng 180 lần. Qua đó đã cảnh báo chúng ta là có quá ít tài chính để đầu tư cho nghiên cứu KHCN so với các nước khác. Vốn đã ít, nhưng cách quản lý tài chính và quản lý KHCN của Việt Nam còn nhiều bất cập, nên vai trò KHCN của chúng ta đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ đạt được mức độ nhất định. Những ai thường lớn tiếng, nói những lời “có cánh” về khả năng bứt phá của KHCN Việt Nam, đi tắt đón đầu KHCN các nước khác chỉ là duy ý chí, cơ hội và chỉ làm vừa lòng một số người... nuôi ảo vọng.
Hiện nay, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho hệ thống tổ chức KHCN của Nhà nước, bao gồm 330 đầu mối (các viện thuộc Trung tâm quốc gia, các viện trực thuộc bộ, ngành). Riêng chi cho bộ máy của các cơ quan bao gồm chi lương và hành chính đã chiếm đến 30% tổng chi ngân sách dành cho hoạt động KHCN. Do đó kinh phí thực chất dành cho KHCN chẳng được là bao.
Trong quy chế sử dụng ngân sách cho nhiệm vụ KHCN đã có cơ chế thu hồi kinh phí từ các hoạt động KHCN thử nghiệm có thu, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn đầu tư cho KHCN. Trong giai đoạn 1996 - 2000, tỷ trọng vốn thu hồi trên kinh phí đầu tư là 18%.
Theo đánh giá của những nhà quản lý KHCN thì cách quản lý như hiện nay còn có quá nhiều bất cập, chưa phù hợp với chủ trương phát triển KHCN, chưa sử dụng một cách hiệu quả ngân sách nhà nước, cũng như chưa huy động được các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Bởi những lý do sau:
1 - Cơ chế cấp phát tài chính từ ngân sách nhà nước cho KHCN vẫn chủ yếu theo cơ chế “xin - cho”. Phần lớn các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ đều vẫn giao trực tiếp cho các tổ chức KHCN. Các tổ chức, cá nhân làm KHCN không thuộc nhà nước thì không được tham gia các đề tài, nhiệm vụ KHCN...có sử dụng ngân sách nhà nước, vì vậy không tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các đơn vị nghiên cứu để được nhận khoản tài trợ này.
Các bộ, ngành và địa phương chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách để xây dựng các nhiệm vụ KHCN, không chủ động huy động các nguồn lực khác cho KHCN.Trong khi đó các bộ, ngành và địa phương lại cấp ngân sách cho hoạt động KHCN thấp hơn mức kinh phí được Nhà nước giao. Mặt khác, đến nay vẫn chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm về kết quả hoàn thành các nhiệm vụ KHCN do Nhà nước cấp ngân sách cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội của nguồn vốn được cấp đó.
2- Cơ chế cấp phát tài chính cho các tổ chức KHCN như đối với cơ quan hành chính sự nghiệp như hiện nay là chưa phù hợp với tính chất của hoạt động nghiên cứu. Thí dụ: chi cho KHCN theo năm tài chính, chi lương cán bộ nghiên cứu dựa vào năm thâm niên công tác, chứ không theo khả năng nghiên cứu là không phù hợp.
3- Số lượng các cơ quan KHCN hưởng ngân sách quá nhiều.
4- Việc thanh quyết toán quá phức tạp, nhưng lại không quản lý được hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách. Định mức quá chi tiết, cứng nhắc và lại quá thấp. Bên cạnh đó, việc cấp kinh phí cho đề tài còn mang nặng tính hành chính. Theo đó, đề tài cấp nhà nước kinh phí cấp lớn hơn đề tài cấp bộ, cấp bộ cao hơn cấp cơ sở...
5 - Chưa có cơ chế tài chính ràng buộc trách nhiệm của nhà khoa học, các tổ chức KHCN đối với việc đưa kết quả nghiên cứu KHCN được Nhà nước cấp ngân sách ứng dụng trong thực tế.
3 - Đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho họat động khoa học và công nghệ
Như trên đã phân tích, cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN hiện nay là không phù hợp và cần phải đổi mới. Chỉ có đổi mới một cách toàn diện từ việc, xây dựng kế hoạch, chính sách KHCN, định hướng, cơ chế quản lý tài chính KHCN...thì mới có hy vọng KHCN nước nhà phát triển như mong đợi của Đảng và Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp đổi mới sau:
Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho KHCN hàng năm được sử dụng để chi cho những hoạt động sau đây:
Duy trì và phát triển tiềm lực KHCN. Vấn đề này, Nhà nước cần tập trung nguồn ngân sách đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cho các cơ sở KHCN trọng điểm của Nhà nước, tránh tình trạng dàn trải như hiện nay.
Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ sở KHCN của Nhà nước: Khoản chi từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này cần được tập trung xây dựng các công trình trọng điểm về KHCN phục vụ phát triển đất nước.
Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ cho hoạt động bộ máy của các cơ quan hoạch tổ chức KHCN theo cơ chế khoán.
Tài trợ toàn bộ, hoặc một phần kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Nguồn này được sử dụng để chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN (chương trình, đề tài, dự án) do Nhà nước tài trợ.
Khuyến khích các hoạt động KHCN khác của mọi thành phần kinh tế (thông qua Quỹ KHCN). Quỹ KHCN là một thể chế tài chính đã được ghi trong Luật KHCN.
Nước Mỹ đã đưa ra sáng kiến về Quỹ Khoa học Quốc gia về những cơ hội tài trợ cho các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp (GOALI) bao gồm các đối tượng sau: giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên tiến hành nghiên cứu cho khu vực doanh nghiệp; những nhà khoa học và kỹ sư của khu vực doanh nghiệp mang lại những kinh nghiệm thực tiễn cho các nhà khoa học tại các cơ quan nghiên cứu; nhóm các nhà nghiên cứu của các trường đại học và doanh nghiệp cùng hợp tác thực hiện những dự án nghiên cứu dài hạn.
Nếu theo Luật KHCN, sẽ có nhiều loại quỹ KHCN: quỹ cấp quốc gia, quỹ cấp bộ, ngành, địa phương, quỹ do các tổ chức, cá nhân hoặc doanh nghiệp thành lập. Trong số đó, ngân sách nhà nước được tập trung cấp cho Quỹ cấp Quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương (gọi tắt là Quỹ KHCN của Nhà nước).
Các nhà nghiên cứu cho rằng, do nguồn ngân sách có hạn và trên thực tế, trong khoảng 5-7 năm tới, nguồn ngân sách vẫn sẽ chiếm vị trí quan trọng đối với các Quỹ KHCN của Nhà nước. Vì vậy, đề nghị trước mắt chỉ nên thành lập một Quỹ KHCN của Nhà nước như một thử nghiệm ban đầu để rút kinh nghiệm cho các loại Quỹ do Nhà nước tài trợ sau này.
Để nâng cao năng lực tài chính cho hoạt động KHCN không chỉ bằng con đường tăng ngân sách dành cho KHCN mà còn có một vấn đề cần quan tâm là: Đổi mới cơ chế khuyến khích đa dạng hoá đầu tư cho KHCN.
Đổi mới cơ chế khuyến khích đa dạng hoá đầu tư cho KHCN
Cần có cơ chế khuyến khích hình thức liên kết, hợp tác trong hoạt động KHCN, kết hợp mọi nguồn lực trong và ngoài nước, nhà nước và ngoài nhà nước, Nhà nước với doanh nghiệp, nhà nước với tổ chức hoặc cá nhân làm doanh nghiệp KHCN. Cụ thể là:
Nhà nước tạo điều kiện pháp lý cho các cơ quan hoặc tổ chức KHCN khai thác nguồn ngoài nước từ hoạt động hợp tác quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau: hợp tác nghiên cứu, đào tạo song phương, đa phương; khuyến khích các nhà khoa học nước ngoài đến các cơ sở KHCN của Việt Nam làm việc và chuyển giao công nghệ; cho phép thành lập tổ chức KHCN tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác, liên kết giữa Việt Nam và nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài.
Nhà nước cần thể chế hoá việc thành lập các tổ chức nghiên cứu triển khai không thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động như một doanh nghiệp không vụ lợi và trong những lĩnh vực mà luật pháp không hạn chế sự tham gia của các thành phần ngoài nhà nước.
Khuyến khích các doanh nghiệp lớn như các tổng công ty thành lập các cơ sở nghiên cứu, phát triển công nghệ và hoạt động dưới hình thức “doanh nghiệp KHCN”.
Cho phép các doanh nghiệp được hưởng chế độ khấu hao nhanh đối với khoản đầu tư vào công nghệ, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thay đổi nhanh công nghệ mới.
Các chính sách thuế đối với các hoạt động KHCN cũng cần được xem xét thật khách quan theo hướng ưu tiên.
Thay lời kết
Dù có thay đổi nhiều cơ chế, chính sách hợp lý đến đâu nhằm phát triển hoạt động KHCN, cũng khó đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà Đảng và Nhà nước mong đợi, nếu chúng ta không nhanh chóng đào tạo được đội ngũ những nhà khoa học chân chính. Hiện nay, muốn tìm thấy những nhà khoa học chân chính cũng không phải là khó, nhưng vấn đề khó là ở chỗ họ có được tạo điều kiện để phát huy và đóng góp tài năng của mình cho đất nước hay không?./.