Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện tổ chức Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho hay, Cục Công Thương địa phương sẽ cùng các đơn vị thúc đẩy các hoạt động khuyến công với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong thời kỳ hội nhập; tiếp tục khuyến khích các cơ sở tăng cường sáng tạo, ứng dụng công nghiệp hiện đại vào sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu tại các quốc gia ASEAN. Hy vọng với sự đồng hành của các chính sách khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn Việt Nam sẽ không bỏ chuyến tàu hội nhập.
Theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, thách thức khi hội nhập là sự liên kết trong nước của các doanh nghiệp Việt Nam. Có doanh nghiệp khả năng cạnh tranh rất tốt nhưng khi hợp lực để cạnh tranh với doanh nghiệp bên ngoài thì đây là bài toán rất đau đầu.
Theo thông tin tại hội thảo, ASEAN là khu vực kinh tế có quy mô đáng kể, năng động và ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn thế giới với mục tiêu phát triển và ổn định. Là thị trường với 622 triệu người tiêu dùng và tổng GDP khoảng 2,6 nghìn tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, thứ 3 châu Á và có tiềm năng vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN tăng trưởng tốt, đạt 120 tỷ USD vào năm 2015. Việt Nam đứng thứ 5 khu vực về tiếp nhận đầu tư. Dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững ở tốc độ bình quân 5,4% trong giai đoạn 2015-2018.
ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2015 chiếm khoảng 13% thương mại của thế giới với Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được hưởng lợi từ việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN vì các hàng hóa này không chịu thuế nhập khẩu hoặc được hưởng mức thuế thấp.
Bàn về thiết kế, kiểu dáng của các sản phẩm khi hội nhập ASEAN, TS. Đặng Mai Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cho rằng, trên con đường hội nhập và phát triển của các sản phẩm công nghiệp nông thôn, cần đáp ứng nhu cầu sử dụng phù hợp với các điều kiện sống, quan niệm tập tục, giá thành sản phẩm và điều quan trọng là phải tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm đáp ứng nhiều tầng lớp sử dụng.
Những sản phẩm này cần đảm bảo chất lượng về thẩm mỹ, mang tính bền vững, đặc biệt cần thể hiện đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
Trên thực tế, một sản phẩm công nghiệp nông thôn thực sự chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ, kể cả nội địa và xuất khẩu cần đạt được những yêu cầu cụ thể về công năng sử dụng của sản phẩm, tính sang tạo, thầm mỹ kết hợp giữa truyền thống và đương đại, bền vững…
Bên cạnh đó, một sản phẩm công nghiệp nông thôn còn cần phải có hệ thống nhận diện hình ảnh sản phẩm, để có thể sống trên thị trường và được xã hội biết đến.
Điều này giúp doanh nghiệp thể hiện sự chuyên nghiệp, thu hút khách hàng và khẳng định giá trị doanh nghiệp trong con mắt đối tác...
Họa sĩ, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho rằng, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để sản phẩm công nghiệp nông thôn Việt Nam chiếm lĩnh thị trường ASEAN. Ông đưa ý kiến nên tập trung nhiều hơn vào trong thiết kế các sản phẩm công nghiệp nông thôn, lấy khẩu hiệu của các nước châu Âu đã nêu ra cách đây mấy chục năm trước, đó là hãy sử dụng thiết kế làm công cụ kinh doanh.