Từ những năm đầu thời kỳ đổi mới với những kết quả, thành tựu đạt được về cơ bản là dựa vào các giải pháp phát triển theo chiều rộng nhằm khai thác, phát huy cao nhất các lợi thế sẵn có về các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng lao động dồi dào. Nhưng thật ra, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng lực lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo định hướng phát triển kinh tế đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Từ đó cho thấy, mục tiêu tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng đã được các ban ngành chức năng và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Có như vậy, Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh trong quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Bình quân hàng năm giai đoạn 2001-2005 đã có khoảng 983.000 lao động đã qua đào tạo bổ sung vào nguồn nhân lực cả nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Những doanh nghiệp mới ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương ra đời và mở rộng quy mô sản xuất đã tạo ra “cơn sốt” thiếu hụt nguồn lao động đã qua đào tạo, nhất là thiếu nhiều lao động có tay nghề kỹ thuật và kỹ thuật cao; đó là chưa kể đến xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cơn sốt thiếu lao động ở Việt Nam đang lan rộng. Vì thế, nếu không giải quyết tốt, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và tiến độ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp. Để khắc phục sự thiếu hụt này, nhiều doanh nghiệp có khuynh hướng thuê lao động nước ngoài. Tuy nhiên, việc thuê lao động nước ngoài chỉ phù hợp với những vị trí quản lý cấp cao và trong tình trạng nhất thời. Như trường hợp của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, nhu cầu sử dụng lao động mỗi năm tăng ít nhất khoảng 10.000 công nhân, trong khi đó tổng số sinh viên cả bốn trường cao đẳng kỹ thuật của ngành đóng tàu đào tạo mỗi năm chỉ đạt tối đa 4.000- 5.000 người. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cho doanh nghiệp trực tiếp đứng ra thành lập trường học, trung tâm đào tạo để đáp ứng yêu cầu quản lý và sự phát triển công nghệ của doanh nghiệp đó.
Hàng năm, lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng dạy nghề không nhỏ nhưng tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ cao vẫn không giảm. Nguyên nhân chính là hệ thống giáo dục và đào tạo vẫn chưa được chuẩn bị tốt, việc đào tạo nhân lực tại các trường trong nước hiện nay rất yếu, không thể sử dụng được. Giáo trình đại học tuy in mới nhưng nội dung cũ mấy chục năm, lạc hậu rất nhiều so với thực tế trong khi doanh nghiệp thì đòi hỏi sinh viên phải luôn cập nhật được thông tin, công nghệ mới… Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp chủ động cử người đi đào tạo ở nước ngoài. Song vấn đề chảy máu chất xám không thể tránh được. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, các tỉnh đều có chính sách thu hút tài lực bằng những chính sách khuyến khích, đãi ngộ nhân tài, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đối với người được tiếp nhận để không phải chảy máu chất xám như trước đây.