Thép Sài Gòn (SGC) tự xây dựng chuẩn mực riêng cho mình
Đây cũng chính là mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đang từng bước hoàn thiện. Công đoàn và chuyên môn của Thép Sài Gòn (SGC) đã từng bước hoàn thiện các quy định, quy chế, hướng dẫn thực hiện… để trên cơ sở đó áp dụng vào trong thực tiễn được dễ dàng, tự nhiên, không gò bó và trên hết để người lao động hiểu được tầm quan trọng của văn hoá Công ty.
Theo chia sẻ của ông Khạm Ngọc Khánh, Chủ tịch Công đoàn Thép Sài Gòn (SGC), khi Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP ban hành qui định chuẩn mực về văn hoá ứng xử tại Tổng công ty thì Công đoàn Thép Sài Gòn (SGC) ngay lập tức phổ biến rộng rãi đến người lao động trong Công ty, đồng thời cũng xây dựng quy định chuẩn mực riêng cho đơn vị mình.
Tiếp đó, từ tháng 7/2013, Công đoàn Thép Sài Gòn (SGC) đã xây dựng và ban hành 10 nguyên tắc tuân thủ tại Thép Sài Gòn. Nguyên tắc tuân thủ ở đây chủ yếu chính là tuân thủ những quy định của pháp luật hiện hành và các quy định của Công ty.
Có thể nói, trong thời gian qua, công tác tham gia quản lý và xây dựng văn hoá doanh nghiệp của Công đoàn Thép Sài Gòn (SGC) đã đổi mới cả về nội dung và phương thức thực hiện, từng bước thể hiện được vai trò quan trọng của mình, cán bộ công đoàn không ngừng hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn trong các phong trào thi đua tại đơn vị. Nhờ vậy, mỗi người lao động đều cảm thấy yêu quý, gắn bó với đơn vị như gắn bó với ngôi nhà thứ hai của mình.
Làm gì cũng phải có “tâm”, nhất là làm công đoàn Thép Sài Gòn (SGC)
Từ thực tiễn trong quá trình hoạt động, Công đoàn Thép Sài Gòn (SGC) đã rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp áp dụng mang lại hiệu quả hơn cho hoạt động của mình. Đó là trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn hay thuận lợi thì tổ chức công đoàn phải luôn tuân thủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Khi đã quyết định, nếu trong quá trình thực hiện mà thấy chưa đúng, chưa đạt, chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động thì Công đoàn sẵn sàng làm lại từ đầu với tinh thần cầu thị để đạt được mục tiêu cuối cùng là làm cầu nối, làm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Ông Phạm Ngọc Khánh chia sẻ thêm: “Muốn thực hiện được điều trên, người cán bộ công đoàn cần sâu sát với người lao động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, lắng nghe ý kiến của họ nhằm trao đổi kịp thời, giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và của Công ty”.
Khi phong trào CNV-LĐ và hoạt động công đoàn đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Chi ủy, Ban lãnh đạo Công ty thì ở chiều ngược lại, tổ chức Công đoàn Thép Sài Gòn (SGC) bám sát theo chỉ đạo của Chi ủy và linh hoạt theo tình hình thực tế nhiệm vụ chính trị xã hội, sản xuất kinh doanh của Công ty.
Trong quá trình tham gia quản lý, cán bộ công đoàn và tổ chức công đoàn cần phải xác định đúng vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của mình trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, xác định đúng mục tiêu "vì sự phát triển của Công ty, vì quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong công ty".
Sở dĩ mọi hoạt động của Công đoàn Công ty Thép Sài Gòn (SGC) đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của người lao động cũng như sự tạo điều kiện của ban lãnh đạo Công ty là do đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn luôn có cái “tâm” với đoàn viên của mình, đặc biệt là những lao động trực tiếp tại phân xưởng.
Xuất phát từ tình cảm đó, những cán bộ công đoàn mới hiểu rõ được tâm tư nguyện vọng của người lao động, mới nắm bắt được vấn đề và có cách hòa giải hợp tình, hợp lý, mới có thể giải toả ngay những khúc mắc khi nó còn chưa hình thành rõ rệt. Đó chính là nguyên tắc “phòng cháy hơn chữa cháy” mà Công đoàn Công ty Thép Sài Gòn (SGC) đã áp dụng trong suốt những năm qua và đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2018-2023.