Sự kiện do Cục Biến đổi khí hậu (DCC), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (AWATEN), Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và GreenIN phối hợp tổ chức.
Diễn đàn có tham dự của TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS. Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)…
Tại Hội nghị về BĐKH COP26, Việt Nam cùng 150 quốc gia trên thế giới đã có những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đặc biệt "Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon" (CBAM) khi có hiệu lực, được cảnh báo sẽ tác động nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Tại Diễn đàn các đại biểu, nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng hiện trạng phát triển hiện nay và xác định những hướng mới cũng như đề xuất các biện pháp mới để chung tay thực hiện mục tiêu cũng như cam kết của Việt Nam tại COP 26 là phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Cộng đồng và doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp vào việc hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là xu thế, con đường chính sách pháp luật theo dòng tích cực cùng với thế giới, vấn đề trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, là vấn đề đặc biệt quan trọng góp phần trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực đòi hỏi chúng ta có những hành động thiết thực nhằm thực hiện chính sách, cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng trong đó có những nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu. Cùng với đó, Luật bảo vệ môi trường 2020 đánh dấu mốc quan trọng, mô hình chuyển từ nâu sang xanh. Trong đó có một chương về ứng phó biến đổi khí hậu, hàng loạt các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.
Ông Tăng Thế Cường cho biết Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tham mưu văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Để có cái nhìn rõ hơn về lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam và vai trò của doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng, Cục biến đổi khí hậu cho biết, Luật BVMT năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon. Thị trường các bon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon, bù trừ tín chỉ các bon.
Nói về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh cho rằng khi tham gia vào thị trường các-bon, doanh nghiệp được thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và được đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon…
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, trên thế giới và Việt Nam liên tục xuất hiện các hiện tượng thiên nhiên bất thường như hạn hán, lũ lụt, động đất… do biến đổi khí hậu làm hàng ngàn người chết và mất tích, thiệt hại vật chất không thể đong đếm được.
Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc đây đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, có thể nói đây là một thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu trường hợp tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.
Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, điều quan trọng là phải giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc… cũng đã và đang xây dựng cơ chế để giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Việt Nam, giảm phát thải nhà kính đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải…
Phát biểu tại Diễn đàn, TSKH, Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam cho biết: Như chúng ta đã biết, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là vào năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Để đạt được mục tiêu này rất cần nhiều yếu tố, nỗ lực chung đặc biệt quan trọng là những đóng góp, kiến nghị của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực, Vì vậy thông qua các báo cáo của các chuyên gia hôm nay để kiến nghị lên Quốc hội, từ đó Quốc hội có những chỉ đạo thiết thực để thực hiện mục tiêu này…
Diễn đàn cũng đã cung cấp trao đổi về các Quy định pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, trách nhiệm trong thực hiện kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp cũng như các Thách thức và cơ hội trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam…
Mặc dù Việt Nam cũng giống như các Quốc gia khác vừa phải trải qua đại dịch COVID-19 và nhiều lĩnh vực/ngành nghề đều cần thời gian để hồi phục. Cùng với sự phục hồi và phát triển "xanh hóa" nền kinh tế, thì giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vừa là mục đích, vừa là biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu.