Đại sứ Uladzimir Baravikou và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã dành thời gian điểm lại những khó khăn, những thuận lợi trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua. Hai Bên cùng nhận định, Việt Nam và Belarus là hai nước có nền kinh tế bổ sung cho nhau, tuy nhiên, hiện nay quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Belarus còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước do Phó Thủ tướng Belarus và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đồng chủ trì là cơ chế hợp tác truyền thống và hiệu quả được duy trì nhiều năm nay. Các bên đang tích cực triển khai các nội dung đã được thỏa thuận tại Biên bản Khóa họp lần thứ 15 UBLCP (được tổ chức vào 23/3/2022) và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Hai bên nhất trí thời gian tới đây tập trung xây dựng nội dung chuẩn bị cho khóa họp lần thứ 16 dự kiến diễn ra trong năm 2024.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Belarus cũng nhận định lĩnh vực hợp tác về công nghiệp ô tô là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác Việt Nam - Belarus, trong đó Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô của Liên doanh MAZ (nay là GMA Auto Industry) được coi là hợp tác điển hình giữa hai nước. Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mặc gì đều được hai Bên tháo gỡ, hỗ trợ cho Liên doanh hoạt động thuận lợi. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phía Belarus mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa thị trường cho các sản phẩm thịt (thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm).
Kết thúc buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Belarus trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại, công nghiệp Việt Nam - Belarus, đặc biệt chuẩn bị kỹ nội dung cho Khóa họp lần thứ 16 UBLCP do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Phó Thủ tướng Belarus đồng chủ trì vào nửa cuối năm 2024 tại Thủ đô Minsk, Belarus.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Belarus năm 2023 đạt 65,3 triệu USD (giảm 42,6% so với năm 2022), trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Belarus đạt 24,1 triệu USD (tăng 15,4%), nhập khẩu từ Belarus vào Việt Nam đạt 41,2 triệu USD (giảm 55,6%).
Các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Belarus vẫn là các mặt hàng truyền thống, gồm: hàng thủy sản, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và các hàng hóa khác.
Về nhập khẩu từ Belarus sang Việt Nam, các mặt hàng chủ yếu gồm phân bón, dược phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng và các hàng hóa khác. Trong đó phân bón luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong sản lượng nhập khẩu từ Belarus.
Về đầu tư, tính đến quý I năm 2024, Belarus có 3 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 32,25 triệu USD, đứng vị trí 68 trên tổng số 145 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.