Cuộc chiến với bão Yagi: Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời

Hòa cùng tinh thần kiên cường chiến đấu với cơn bão Yagi vừa qua của toàn Đảng, toàn dân ta, ngành Điện Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dốc lòng, dốc sức trong lao động sản xuất, tất cả vì mục tiêu bảo vệ và khôi phục dòng điện quý giá cho Nhân dân.

Kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi Mới, chưa năm nào người dân ở miền Bắc nước ta lại phải hứng chịu một đợt thiên tai khốc liệt và nghiêm trọng như năm nay. Cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) đổ bộ vào đất liền đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề về con người và tài sản cho nhân dân. Đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ấy, tinh thần vì dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam càng được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết.

Với phương châm “không một ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta đã dốc sức chăm lo cho đời sống của đồng bào chịu hậu quả bão lụt, qua đó củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân và khẳng định tính chính danh, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một chế độ xã hội thực sự vì con người.

Hòa cùng tinh thần kiên cường chiến đấu với thiên tai của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, ngành Điện Việt Nam cũng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dốc lòng, dốc sức trong lao động, sản xuất, tất cả vì mục tiêu bảo vệ và khôi phục dòng điện quý giá cho Nhân dân.

Khi một thảm họa thiên nhiên ập đến vùng đất của những người cộng sản

Là một trong những quốc gia phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới bởi các thảm họa thiên nhiên nên trung bình mỗi năm, Việt Nam phải chi khoảng hơn 11.000 tỷ đồng từ ngân sách cho việc cứu trợ khẩn cấp đồng bào các vùng bị thiệt hại do thiên tai, thảm họa. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định rõ quyết tâm không để người dân bị đói, bị rét, bằng mọi biện pháp phải bảo đảm cho người dân có nơi ăn chốn ở, hỗ trợ, giúp đỡ để người dân có việc làm thích hợp, sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai. Trong gian khó, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang luôn sẵn sàng xả thân để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Về cơn bão Yagi, Đảng và Nhà nước ta nhận định: đây là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn, tốc độ cao, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều, kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền, gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần. Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận rất kịp thời, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi đến các địa phương, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão.

Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo. Cả nước, từ các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cho tới các lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện và toàn thể người dân, với sự ủng hộ, đồng lòng, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, đã tập trung toàn lực, quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Trung ương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão lũ, thiên tai, tiếp đó, khẩn trương ổn định tình hình nhân dân, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chiến sĩ quân đội, công an tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) sau cơn bão số 3 (Yagi). Ảnh: Internet
Các chiến sĩ quân đội, công an tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) sau cơn bão số 3 (Yagi). Ảnh: Internet

Giữa bộn bề những khó khăn, thử thách của thiên tai bão lũ đang hoành hành, cuộc sống quanh ta vẫn luôn hiện diện tình đồng bào, đồng chí, đồng đội sắt son, ấm áp và ngời sáng nhân văn, thể hiện trọn vẹn bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, của truyền thống văn hóa Việt Nam. Những người lính, công an, dân quân, thanh niên... dũng cảm lao mình vào lũ dữ, tận tâm tận lực tìm kiếm, cứu nạn, đưa cả những người còn sống và những nạn nhân xấu số không qua khỏi được trở về với làng xóm, gia đình. Họ luôn có mặt đầu tiên để giúp đỡ nhân dân và cũng là những người cuối cùng rời đi khi đời sống nhân dân đã dần ổn định. Hình ảnh của họ đã thực sự khắc sâu trong lòng dân.

Thực tiễn đó đã khẳng định vô cùng thuyết phục tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Bởi lẽ, xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người. Mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là sự kết tinh các giá trị nhân đạo, nghĩa tình, yêu thương đùm bọc, lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, muôn sự vì dân, do dân, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử chiến đấu với kẻ thù hung bạo, với thiên nhiên khắc nghiệt của dân tộc Việt Nam.

Với phương châm kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là mỗi chính sách kinh tế đều hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và mỗi chính sách xã hội đều phải tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì thế, trong những lúc thiên tai, dịch bệnh, cũng không hề có ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ đó mà xã hội ổn định, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân, trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn dân ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng đất nước giàu mạnh. 

Cuộc chiến với bão Yagi: góc nhìn từ ngành Điện

Bài viết xin được điểm lại một số câu chuyện chân thực trong hành trình chống chọi với cơn bão số 3 (Yagi) và khắc phục hậu quả sau bão của những con người ngành Điện, dù trải qua không ít vất vả, gian lao, nhưng nghĩ đến đất nước và nhân dân, họ đã không ngừng nỗ lực làm việc, chỉ mong sao “thắp sáng niềm tin” trở lại cho đồng bào sau cơn bão dữ. Mục tiêu và ý chí trong công việc của họ xứng đáng đại diện cho phẩm chất của những con người mới xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên, góp phần củng cố niềm tin và sự kiên định của nhân dân ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Gần một tuần ròng rã sau bão số 3 (Yagi), làm việc từ 6h30 sáng đến 23h đêm tại các điểm sự cố, các đội xung kích của các Công ty Điện lực trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam không chia ca, mà đều thực hiện nhiệm vụ quá giờ, đến khi nào mệt thì về nghỉ, hết lòng, dốc sức với “bãi chiến trường” đổ nát mà cơn bão để lại, họ miệt mài với những công việc: dựng lại cột gãy đổ, thay xà, thay sứ, căng lại dây v.v… để cấp điện cho các khu công nghiệp hoạt động trở lại. Tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, đội xung kích gồm 273 người của Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã cùng Công ty Điện lực Quảng Ninh nỗ lực, bất kể ngày đêm với mục tiêu cấp điện nhanh nhất cho thành phố du lịch.

Đồng chí Võ Cao Trung, Đội xung kích Công ty Điện lực Quảng Nam (thuộc EVNCPC) chia sẻ: “Khó khăn ở địa hình Quảng Ninh đó là lưới điện cấp cho bà con rất nhiều, phụ tải lớn, khách hàng mất điện nhiều ngày, luôn trong tâm lý mong chờ có điện, nên chúng tôi cố gắng đi làm sớm, ăn ngủ tại chỗ, không quan tâm đến giờ nghỉ, chúng tôi làm hết sức có thể mong cấp lại điện được sớm nhất cho bà con”.

Cán bộ công nhân viên ngành Điện nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3 (Yagi). Ảnh: evn.com.vn
Cán bộ công nhân viên ngành Điện nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3 (Yagi). Ảnh: evn.com.vn

Tại Công ty của tôi - Công ty Nhiệt điện Thái Bình, xác định rõ việc chủ động phòng chống sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nên ngay từ khi có thông tin dự báo về cơn bão số 3 (Yagi) sắp xảy ra, lãnh đạo Đảng bộ và Chuyên môn của Công ty đã chủ động xây dựng và thực hiện các phương án phòng chống bão. Công ty đã tổ chức thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Công ty đã huy động nhân lực, phương tiện, vật tư triển khai khẩn trương khắc phục các thiệt hại, sự cố có thể xảy ra. Chuẩn bị phương tiện, vật tư thiết bị dự phòng sẵn sàng ứng phó cho các giai đoạn tiếp theo. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế, xịt khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế... cho lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của Công ty đã thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của bão, tổ chức trực 24/24 giờ, đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống, che chắn… các công trình nhà xưởng, thiết bị… của các đơn vị trong Công ty.

Đội xung kích PCTT&TKCN của Công ty và các đơn vị luôn sẵn sàng chủ động trong công tác ứng phó bão và mưa lũ. Các đơn vị trong Công ty chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị phòng chống thiên tai, thông báo cho đội xung kích, nhân viên trực biết vị trí vật tư, thiết bị phòng chống thiên tai… để sử dụng khi cần thiết và ứng phó kịp thời khi có mưa bão.

Chứng kiến tất cả mọi người trong Công ty Nhiệt điện Thái Bình cùng chung tay, nỗ lực phòng chống cơn bão số 3, ngay cả các đồng chí lãnh đạo cũng nhiệt tình sắn ống quần, sắn tay áo lao vào cùng anh em đắp từng bao than, vác từng cây luồng, chằng buộc từng cửa kính hay dựng lại từng cây xanh bị đổ sau bão, tôi thấy thực sự cảm phục và hiểu được thế nào là “dọc ngang thông suốt”, “trên dưới đồng lòng”, “nhất hô bá ứng”.

Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 (Yagi) tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: evn.com.vn
Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 (Yagi) tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: evn.com.vn

Những hành động ấy của người đảng viên cộng sản thật đẹp, thật đáng quý biết bao, nó có giá trị hơn nhiều so với những bài diễn văn tuyên truyền, đó là những hành động cụ thể, thiết thực được gắn liền với thái độ hăng hái, tận tụy, chân thành, qua những hình ảnh đẹp về người cán bộ, đảng viên như thế, Đảng ta sẽ ngày càng được quần chúng nhân dân tin tưởng, yêu mến, để từ đó, làm tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo đất nước.

Tôi là người trực ở vị trí chức danh Trưởng ca Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình trong ca Ngày ngày 7/9/2024 - thời điểm cơn bão đổ bộ vào địa phương với cường độ mạnh nhất. Trong suốt ca trực, toàn thể kíp vận hành chúng tôi đã đoàn kết thống nhất, phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp, nghiêm chỉnh chấp hành các quy trình, quy định và sự chỉ đạo, chỉ huy của lãnh đạo cấp trên để vận hành các tổ máy phát điện an toàn, hiệu quả.

Trong ca trực hôm ấy, đồng chí Vũ Văn Dũng (Trưởng Kíp Lò máy, Phân xưởng Vận hành, Công ty Nhiệt điện Thái Bình) chia sẻ với tôi: “Cơn bão này lớn quá, nghe đài báo nói là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, không biết Nhà máy mình có bị thiệt hại nhiều không”. Tôi trấn an, động viên đồng chí: “Công ty chúng ta đã chuẩn bị rất chu đáo để ứng phó với cơn bão này từ nhiều ngày trước, tôi nghĩ sẽ ổn thôi, không nên chủ quan nhưng cũng đừng quá lo, hãy cứ làm hết sức có thể, luôn nhớ phải bảo đảm an toàn cho con người và thiết bị”.

Thấy trong ánh mắt đồng chí vẫn còn thoáng ưu tư, tôi chợt hiểu ra, có lẽ đồng chí đang lo lắng cho gia đình, vì theo quy định của Công ty, để bảo đảm an toàn về con người, anh em vận hành viên chúng tôi phải sinh hoạt tại chỗ trong Nhà máy sau khi hết ca trực, không được đi ra ngoài đường lúc trời mưa bão, chính vì vậy chúng tôi chưa thể về nhà khi cơn bão đến, trong lòng cũng có chút lo toan. Hiểu tâm sự ấy của đồng chí, tôi liền hỏi: “Vợ con bạn ở nhà phòng chống bão thế nào rồi?”. Dũng đáp: “Cảm ơn Trung đã quan tâm, được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, mẹ con cháu đã gia cố nhà cửa chắc chắn và tích trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng cho mấy ngày bão rồi”.

Tôi thấy phấn khởi xen lẫn xúc động nói với Dũng: “Thủy Tinh càng dâng nước cao bao nhiêu thì Sơn Tinh càng dâng núi cao bấy nhiêu, người dân Việt Nam ta là thế, không bao giờ chịu đầu hàng nghịch cảnh, mà trong hoàn cảnh càng ngặt nghèo, khốn khó, thì tinh thần đoàn kết lại càng lên cao, một khi đã đoàn kết thì làm việc gì cũng chiến thắng”.

Chúng tôi cùng nở một nụ cười lạc quan, ngoài trời, gió bắt đầu mạnh dần lên làm nhiều cây xanh nghiêng ngả, sắp sửa bật gốc, nhưng tâm lý bên trong chúng tôi thì đã vững vàng, bởi vì chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh tập thể - sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Sau khi bão qua, Công đoàn Công ty Nhiệt điện Thái Bình đã thực hiện ngay chương trình chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, lũ lụt năm 2024. Công đoàn các đơn vị trong Công ty đã phối hợp với bên Chuyên môn tổ chức các hoạt động chăm lo, động viên công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão lũ, giữ vững sản xuất, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, không để xảy ra sự cố chủ quan, phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân bị ảnh hưởng do bão lũ.

Công đoàn đã tiến hành rà soát các trường hợp đoàn viên, người lao động (NLĐ), thân nhân NLĐ bị thiệt hại về con người và nhà ở do bão lũ gây ra, để kịp thời thực hiện chương trình hỗ trợ, góp phần giúp đoàn viên, NLĐ giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Chương trình của Công đoàn Công ty Nhiệt điện Thái Bình đã thể hiện đúng truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam: “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thực sự làm cho toàn thể người lao động trong Công ty cảm thấy ấm lòng, hoan hỷ, thêm tin yêu vào Đảng và Công đoàn các cấp, qua đó, có thêm động lực to lớn trong lao động sản xuất để phục vụ đất nước và nhân dân.

Tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đầy nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam, toàn thể CNVCLĐ trong Công ty Nhiệt điện Thái Bình đều thống nhất ủng hộ tối thiểu 01 ngày lương vào quỹ của Công đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Nhiệt điện Thái Bình, để phục vụ thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Hoạt động này đã giúp tình yêu thương đẹp đẽ giữa con người với con người được lan tỏa xa hơn đến mọi miền Tổ quốc, đúng như lời thơ Tố Hữu: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người. Để tình trang trải với trăm nơi. Để hồn tôi với bao hồn khổ. Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Thật vậy, hoạt động quyên góp ủng hộ vô cùng ý nghĩa này sẽ góp phần gia tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp chúng ta giành thêm nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

Lời kết:

Một cơn bão lớn đi qua đã để lại nhiều đau thương, mất mát cho người dân đất Việt, nhưng cũng từ đó, chúng ta một lần nữa được chứng kiến, được cảm nhận và thêm vững tin vào sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh của tình yêu thương được lan tỏa khắp trăm miền Tổ quốc. Tình yêu thương ấy đã chan hòa trong trái tim mỗi con người từ tấm bé, từ khi nghe câu hát ru của mẹ: “bầu ơi thương lấy bí cùng”, rồi khi ta lớn lên, có ánh sáng của Đảng soi đường, ta lại càng thấm nhuần chân lý: sống không chỉ cho ta, mà phải sống cả cho người.

Đồng bào, đồng chí của ta dẫu ở miền Bắc, Trung, Nam hay ở nước ngoài đều là máu thịt Việt Nam, chúng ta có bổn phận quan tâm, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ đồng bào, đồng chí của ta trong hoàn cảnh nguy nan, hoạn nạn.

Cán bộ công nhân viên đội xung kích PC Thanh Hóa tham gia khắc phục lưới điện sau bão số 3 (Yagi) tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh được người dân nơi đây tiếp đón nồng hậu: Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời. Ảnh: Nhóm Facebook ĐỒNG NGHIỆP EVN
Cán bộ công nhân viên đội xung kích PC Thanh Hóa tham gia khắc phục lưới điện sau bão số 3 (Yagi) tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh được người dân nơi đây tiếp đón nồng hậu: Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời. Ảnh: Nhóm Facebook ĐỒNG NGHIỆP EVN.

Chủ nghĩa cộng sản hòa quyện trong chủ nghĩa yêu nước, tình nghĩa của những người cộng sản hòa quyện trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào, những nhân tố quan trọng ấy đã giúp chúng ta thành công xây dựng nên một thành trì kiên cố tột bậc mà không một trận bão lũ hung tàn nào có thể phá hủy, đó chính là lòng dân.

Tôi bỗng nghe vang lên trong tâm trí mình những lời thơ sâu sắc, chân tình của nhà thơ - nhà cách mạng Tố Hữu, nhắc tôi ghi nhớ về lý tưởng sống đúng đắn, cao đẹp của một người đảng viên cộng sản:

Tình thương lớn mạnh hơn lửa thép

Trận địa đây xây giữa lòng người

Dẫu mưa nắng, trái đất tròn vẫn đẹp

Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời.

Nguyễn Thành Trung - Công ty Nhiệt điện Thái Bình