Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường

Một trong những trọng tâm của công tác xúc tiến thương mại trong năm 2025 đó là đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xúc tiến thương mại năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại và các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thương; đại diện các Bộ, Sở, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại...

tổng kết xúc tiến thương mại
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác xúc tiến thương mại năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đóng góp vào những kết quả tăng trưởng nổi bật của kinh tế đất nước năm 2024 có vai trò quan trọng của công tác xúc tiến thương mại. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương, sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan và hệ thống các tổ chức xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc kết nối, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước.

Với mục tiêu đảm bảo cân đối xuất nhập khẩu và thúc đẩy thương mại nội địa, Cục Xúc tiến thương mại đã tham mưu Bộ Công Thương chỉ đạo công tác triển khai hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là các hoạt động Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại gồm 02 nội dung: (i) Phát triển ngoại thương, trong đó nội dung này được triển khai theo định hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN), các khu vực thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam (CPTPP, EVFTA, RCEP, VN-EAEU FTA,…) và tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng (Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh,…) và (ii) Phát triển thị trường trong nước, trong đó chú trọng các hoạt động thúc đẩy tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng, tăng cường kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các cơ quan bộ, địa phương, doanh nghiệp...; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch,…

xúc tiến thương mại
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại VIETNAM EXPO 2024 - một hoạt động trọng tâm thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại quy tụ 480 doanh nghiệp hiện diện tại gần 600 gian hàng từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: Huyền My)

Theo thống kê sơ bộ, các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trong năm 2024 đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại địa phương, tham gia và hưởng lợi, trong đó tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 100 triệu USD (chưa bao gồm các hợp đồng được ký kết sau hội chợ, triển lãm, giao thương), doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng; gặp gỡ, kết nối với các đối tác; tận dụng được các lợi thế từ các FTA; quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài; tìm kiếm được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất; qua đó, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối thị trường quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Công tác quảng bá, phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tiếp tục được Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại triển khai với nhiều hoạt động cụ thể trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử;...

Trong năm 2024, hoạt động hợp tác quốc tế cũng tiếp tục được Cục Xúc tiến thương mại triển khai tích cực với nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hợp tác, thiết lập và thúc đẩy quan hệ với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài để làm nền tảng cho việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với nước đối tác và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, thâm nhập và mở rộng thị trường....

Vũ Bá Phú
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mới lần đầu tiên được triển khai 

Sau một năm hoạt động tích cực, hoạt động xúc tiến thương mại ghi dấu những điểm sáng nổi bật.

Thứ nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thông qua Nghị định số 14/2024/NĐ-CP và Nghị định số 128/2024/NĐ-CP

Theo đó, với việc đi vào thực thi, Nghị định số 14/2024/NĐ-CP đã phân cấp thầm quyền giải quyết 05 thủ tục hành chính (TTHC) về quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam được phân cấp thẩm quyền giải quyết từ cấp Trung ương (Cục XTTM - Bộ Công Thương) xuống cấp địa phương (Sở Công Thương). Nghị định số 128/2024/NĐ-CP đã đơn giản hóa 10 TTHC về hoạt động khuyến mại và hoạt động hội chợ triển lãm thương mại và dự kiến giảm tới hơn 100.000 lượt hồ sơ THHC về khuyến mại mỗi năm và cắt giảm trên 90% chi phí tuân thủ TTHC cho doanh nghiệp.

Các văn bản quy phạm pháp luật trên đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, quy định của Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Thứ hai, năm 2024, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mới được triển khai lần đầu tiên để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu trong các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam; đồng thời, góp phần đa dạng hóa thêm các kênh xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài như: Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam lần thứ nhất - VIATT 2024, Lễ hội Trái cây Việt Nam tại Trung Quốc, Hội chợ thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 tại Trung Quốc, Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu - OCOPEX.

Thứ ba, công tác phát triển thương hiệu, đặc biệt là Thương hiệu quốc gia được đẩy mạnh. Theo đó, tại Kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG lần thứ 9 năm 2024, đã có 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng 10,5% về số lượng sản phẩm và 10,5% về số lượng doanh nghiệp so với Kỳ xét chọn lần thứ 8 đã thể hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến công tác phát triển thương hiệu và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lễ Công bố các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh” có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cùng Lãnh đạo các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến công tác phát triển thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, gửi gắm thông điệp về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường đến cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ tư, công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế xanh được quan tâm, triển khai thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) với chủ đề “Kiến tạo Tương lai xanh”, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, Lễ Công bố các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh”… nhằm nâng cao nhận thức và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh cũng như góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025

Năm 2025, theo Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội đặt ra mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Trong bối cảnh đó, để xuất khẩu tiếp tục trở thành động lực quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua tại, Cục Xúc tiến thương mại xác định những phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Một là, triển khai công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.

Hai là, xây dựng, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm đáp ứng về tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Chú trọng thực hiện công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường để qua đó góp phần thúc đẩy chuyển xanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tư vấn cung cấp thông tin, cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu, qua đó góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế; đào tạo về kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại;...

Bốn là, triển khai công tác phát triển thương hiệu theo hướng tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tại thị trường nước ngoài; xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp để quảng bá về Thương hiệu quốc gia, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, các thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý trên các nền tảng mạng xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa; tăng cường công tác hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Việt Nam (gạo, cà phê và thủy sản) tại thị trường nước ngoài.

Hoàng Phương