TÓM TẮT:
Hiện nay, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng đang ngày càng khẳng định vai trò đối với nền kinh tế đất nước. Để có thể tồn tại và cạnh tranh trên thị trường, các DNNVV cần tìm cách tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Muốn làm được điều đó, công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm phải được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả.
Bài viết phân tích đặc điểm và ảnh hưởng của DNNVV đến kế toán chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm xây lắp.
Từ khóa: Xây dựng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí, giá thành.
1. Đặc điểm doanh nghiệp xây dựng nhỏ và vừa
DNNVV được hiểu là các doanh nghiệp có quy mô hoạt động nhỏ, xét về số lao động, quy mô kinh doanh và tổng doanh thu.
Theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, DNNVV được phân theo quy mô, bao gồm: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, và không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, và không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, và không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, và không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định.
Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, DNNVV được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, DNNVV được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.
Từ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nói chung có xu hướng chiếm ưu thế hơn so với các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp này có những đặc điểm sau:
- Lĩnh vực hoạt động kinh doanh của các DNNVV thường tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong các doanh nghiệp thường là những nghiệp vụ cơ bản, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu.
- Tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý của các DNNVV thường linh hoạt, gọn nhẹ.
- Quy mô hoạt động kinh doanh, quy mô vốn đầu tư ban đầu không lớn.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật thường yếu kém, trình độ công nghệ thường đơn giản.
Các DNNVV hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây lắp. Các doanh nghiệp xây lắp nhỏ và vừa cũng có những đặc điểm chung của DNNVV và có những đặc trưng riêng:
- Các doanh nghiệp xây lắp nhỏ và vừa thường tổ chức các tổ (đội) thi công trực thuộc. Tuy nhiên, các tổ (đội) hầu hết đều hạch toán phụ thuộc với các doanh nghiệp.
- Vốn đầu tư thực hiện các công trình xây lắp thi công trong các DNNVV thường không lớn, thời gian thi công không dài do hạn chế về nguồn lực.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp xây lắp nhỏ và vừa còn hạn chế. Các doanh nghiệp này phần lớn phải thuê ngoài MTC để thi công các công trình.
2. Đặc điểm hoạt động sản xuất xây lắp ảnh hưởng đến kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm xây lắp
So với các ngành sản xuất khác, ngành xây dựng cơ bản có những đặc điểm về kinh tế - kỹ thuật riêng biệt, thể hiện rõ nét ở sản phẩm xây lắp và quá trình tạo ra sản phẩm của ngành. Điều này đã chi phối đến công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp xây lắp.
Thứ nhất, sản phẩm xây lắp là những công trình xây dựng, vật kiến trúc... có quy mô lớn, kết cấu phức tạp mang tính đơn chiếc, thời gian sản xuất sản phẩm xây lắp lâu dài... Do đó, việc tổ chức quản lý và hạch toán sản phẩm xây lắp phải lập dự toán. Quá trình sản xuất phải so sánh với dự toán, lấy dự toán làm thước đo, đồng thời để giảm bớt rủi ro phải mua bảo hiểm cho công trình xây lắp.
Thứ hai, sản phẩm xây lắp được tiêu thụ theo giá dự toán hoặc giá thỏa thuận với chủ đầu tư (giá đấu thầu), do đó tính chất hàng hóa của sản phẩm không thể hiện rõ, chi phí chủ yếu phát sinh trong quá trình cung ứng và quá trình sản xuất. Phù hợp với đặc điểm này, kế toán chỉ tập trung theo dõi và tập hợp chi phí trong quá trình sản xuất.
Thứ ba, sản phẩm xây lắp cố định tại nơi sản xuất còn các điều kiện sản xuất (xe máy, thiết bị thi công, người lao động...) phải di chuyển theo địa điểm đặt sản phẩm. Đặc điểm này làm cho công tác quản lý sử dụng, hạch toán tài sản, vật tư rất phức tạp.
Thứ tư, sản phẩm xây lắp từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng thường kéo dài. Quá trình thi công được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại chia thành nhiều công việc khác nhau, các công việc thường diễn ra ngoài trời chịu tác động rất lớn của các nhân tố môi trường - như nắng, mưa, lũ lụt,... Đặc điểm này khiến cho kế toán chi phí trở nên khó khăn, đồng thời đòi hỏi việc tổ chức quản lý, giám sát phải chặt chẽ sao cho bảo đảm chất lượng công trình đúng như thiết kế, dự toán.
Thứ năm, hoạt động xây lắp được các doanh nghiệp tổ chức thực hiện với nhiều hình thức khác nhau trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết với chủ đầu tư. Việc tổ chức thi công được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư cả về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ thi công. Khối lượng công tác xây lắp hoàn thành của từng giai đoạn có thể được các bên liên quan nghiệm thu, xác nhận và thanh toán trên cơ sở quy định của hợp đồng.
Thứ sáu, các doanh nghiệp xây lắp thường tổ chức theo hai phương thức khoán, đó là: khoán toàn bộ chi phí (khoán gọn công trình) và khoán theo khoản mục chi phí cho các đơn vị nội bộ trong doanh nghiệp.
Khoán toàn bộ chi phí là hình thức đơn vị khoán giao toàn bộ giá trị công trình cho đơn vị nhận khoán. Đơn vị nhận khoán tự tổ chức cung ứng vật tư, tổ chức lao động để tiến hành thi công. Khi công nhân hoàn thành bàn giao quyết toán sẽ được thanh toán toàn bộ giá trị công trình theo giá nhận khoán và nộp cho đơn vị giao khoán một khoản theo quy định. Đơn vị giao khoán là đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và đứng ra ký kết hợp đồng lắp đặt, chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng và tiến độ thi công công trình.
Khoán theo khoản mục chi phí là hình thức đơn vị giao khoán cho đơn vị nhận khoán nhận các khoản mục chi phí nhất định (thường là chi phí nhân công, vật tư phụ,…), còn các khoản mục còn lại do đơn vị giao khoán tự hạch toán và chịu trách nhiệm giám sát kỹ thuật, chất lượng công trình. Hình thức này áp dụng cho đơn vị nhận khoán là các tổ, đội thi công không đủ điều kiện cung ứng vật tư kỹ thuật, chưa thực hiện hạch toán kinh tế.
Khi nhận khoán, bên giao khoán và bên nhận khoán phải lập hợp đồng giao khoán, trong đó ghi rõ nội dung công việc, trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên cũng như thời gian thực hiện hợp đồng. Khi hoàn thành công trình, bên nhận khoán bàn giao, sau đó hai bên lập bản quyết toán khoán và thanh lý hợp đồng.
Nếu đơn vị nhận khoán được phân cấp quản lý tài chính, có tổ chức bộ máy kế toán riêng, đơn vị nhận khoán phải tổ chức hạch toán kế toán hoạt động nhận khoán, theo dõi chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm, lập báo cáo kế toán theo chế độ hiện hành. Đội trưởng đơn vị nhận khoán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hoạt động kinh doanh lắp đặt nhận khoán, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, hệ thống sổ kế toán theo chế độ kế toán hiện hành.
Nếu đơn vị nhận khoán không có tổ chức bộ máy kế toán riêng thì tại đơn vị giao khoán, kế toán hạch toán toàn bộ chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp. Tại đơn vị nhận khoán, nhân viên hạch toán chỉ có nhiệm vụ thu thập các chứng từ kế toán phát sinh ở đơn vị và chuyển về cho kế toán ở đơn vị giao khoán làm cơ sở tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp.
3. Kết luận
Những đặc điểm trên ảnh hưởng rất lớn đến kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp xây lắp. Công tác kế toán vừa phải đáp ứng yêu cầu chung về chức năng, nhiệm vụ kế toán của một doanh nghiệp sản xuất, vừa phải đảm bảo phù hợp với đặc thù của loại hình doanh nghiệp xây lắp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Bộ Tài chính (2009), 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam và toàn bộ thông tư hướng dẫn các chuẩn mực, NXB. Thống kê, Hà Nội.
[2] Học viện Tài chính (2010), Giáo trình kế toán doanh nghiệp xây lắp, NXB. Tài chính, Hà Nội.
[3] Tăng Thị Bình - Lê Thị Huyền (2016), Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, NXB. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
[4] Website: http://www.xaydung.gov.vn/
Characteristics and impacts of small and medium-sized construction enterprises on the production costs accounting and product constructtion calculation
Master. Pham Thi Tuoi
Faculty of Accounting
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
In Vietnam, small and medium-sized enterprises (SMEs) in general, small and medium-sized construction enterprises in particular now are increasingly playing a key role for the country's economy. It is necessary for small and medium-sized construction enterprises in Vietnam to reduce their costs and lower their product construction costs to survive and compete in the market. In order to do that, small and medium-sized construction enterprises need to do accurately and efficiently their accounting of production costs and calculate their product construction costs.
Keywords: Construction, small and medium-sized enterprises, cost, price.