Đảm bảo thương mại, đầu tư mở và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 34 (AMM 34), đoàn Việt Nam đã chia sẻ một số vấn đề trọng tâm trong hợp tác APEC nhằm hướng tới Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC 13) cũng như đảm bảo thương mại và đầu tư mở và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 34 (AMM 34) được tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ trong hai ngày 14 và 15/11/2023 dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Anthony Blinken và Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai.

APEC 2023 - Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người

Hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký APEC.

Phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 34 (AMM 34) được tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ trong hai ngày 14 và 15/11/2023

Với chủ đề APEC 2023 “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người” và ba ưu tiên tăng cường kết nối, sáng tạo và bao trùm, các Bộ trưởng đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức cao cấp APEC phiên tổng kết (CSOM) 2023, hoạt động và khuyến nghị của Hội đồng tư vấn Doanh nhân APEC (ABAC).

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã nghe Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bà Okonjo-Iweala cập nhật tình hình thương mại toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương. Các Bộ trưởng cũng thảo luận nhiều nội dung, đề xuất hợp tác quan trọng trong năm 2023, cụ thể: tiếp tục thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ; triển khai các hoạt động xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); xác định các rào cản cần xử lý trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động Kết nối Chuỗi cung ứng APEC giai đoạn 2022 - 2026; tiếp tục thực thi các Lộ trình APEC về (i) Chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý, (ii) Rác thải đại dương, (iii) An ninh Lương thực tới năm 2030, (iv) Kinh tế mạng và kinh tế số …

Các Bộ trưởng khẳng định lại vai trò là diễn đàn hàng đầu khu vực của APEC và coi đây là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy các nỗ lực đa phương, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường.

Các Bộ trưởng hoan nghênh các nỗ lực của các thành viên APEC trong việc đề xuất các sáng kiến tăng cường hợp tác và giải quyết các thách thức và vấn đề còn tồn tại trong khu vực. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác APEC trong nỗ lực để đạt được Tầm nhìn Putrajaya 2040 thông qua việc thực thi Kế hoạch hành động Aoteroa và các Mục tiêu Bangkok về Kinh tế Xanh - Sạch và Tuần hoàn (BCG).

Phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Các Bộ trưởng khẳng định lại vai trò là diễn đàn hàng đầu khu vực của APEC và coi đây là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy các nỗ lực đa phương, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường

Đảm bảo thương mại, đầu tư mở và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Cũng tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã chia sẻ với các thành viên APEC một số vấn đề trọng tâm trong hợp tác APEC nhằm hướng tới Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC 13) cũng như đảm bảo thương mại và đầu tư mở và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể:

Thứ nhất, liên quan đến hệ thống thương mại đa phương, Việt Nam cho rằng trong bối cảnh nhiều cơ chế hợp tác song phương và khu vực mới ra đời hiện nay, WTO vẫn là diễn đàn đa phương hiệu quả nhất để duy trì sự ổn định và bình đẳng trong thương mại quốc tế, tạo nền tảng và động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững trên toàn cầu. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của WTO nói chung và Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonko-Iweala nói riêng trong việc bảo đảm triển khai hiệu quả các cam kết tại MC12, thông qua kế hoạch tổ chức phiên họp quan chức cấp cao (SOM) cấp Thứ trưởng vào tháng 10 vừa qua tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ và coi đây là tiền đề quan trọng chuẩn bị cho Hội nghị MC13 vào đầu năm 2024.

Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao nhiều hoạt động sáng kiến APEC thực hiện trong năm 2023 để hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương như ra Tuyên bố chung Ủy ban Thương mại và Đầu tư - Nhóm đặc trách về Kinh tế số về Ủng hộ Chương trình công tác WTO về Thương mại điện tử và Sáng kiến Tuyên bố chung (JSI) về Thương mại điện tử, cập nhật thường xuyên về việc phê chuẩn Hiệp định Trợ cấp Thủy sản WTO của các thành viên, khảo sát các bên liên quan và đánh giá về “Tác động của Hiệp định Công nghệ Thông tin WTO (ITA) và Tương lai của Thương mại ngành công nghệ thông tin và viễn thông” v.v. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC để thúc đẩy triển khai các kết quả đã đạt được, góp phần duy trì và củng cố vai trò và hoạt động của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, mở và công bằng.

Thứ hai, trong bối cảnh tất cả các nền kinh tế thành viên đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng của biến đổi khí hậu cùng với những rủi ro về thiên tai và môi trường, sự phức tạp của tình hình địa chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu. Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác đang nỗ lực tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tăng cường các cơ hội thụ hưởng cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và những nhóm yếu thế trong xã hội.

Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được tại Phiên họp chung lần đầu tiên giữa các Bộ trưởng phụ trách về phụ nữ & kinh tế (PPWE) và các Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEMM) được tổ chức tại Seattle tháng 8 năm nay. Việc đổi mới phương thức tổ chức, kết hợp hoạt động giữa các cơ quan chính sách PPWE và SME là phương thức đối thoại sáng tạo và hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phụ nữ kinh doanh thông qua thương mại điện tử v.v.

Để tiếp tục duy trì các thành tựu đã đạt được, Việt Nam đề xuất các thành viên APEC chung tay hành động, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên để kịp thời hỗ trợ phụ nữ và các nhóm có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác có thể tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình, sáng kiến về thương mại - đầu tư trong APEC.

 

Huyền My