Thời gian qua, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, đơn vị, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại. Các hoạt động này mang lại những kết quả khả quan; với nhiều bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác trong kết nối cung cấp sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tổ chức nhiều Chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn. Nhiều đặc sản an toàn như cá Sông Đà, cam Cao Phong, xoài Sơn La… đã được đưa vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.opmart, Central Retail, Winmart…
Bộ Công Thương cũng tổ chức một số hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương có vùng sản xuất tập trung như Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận… nhằm thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản an toàn có sản lượng lớn.
Những hoạt động trên đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối trong giới thiệu, quảng bá, những nông sản, thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở những địa bàn chiến lược quan trọng.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó giao Bộ Công Thương “Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm”, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Cụ thể, tổ chức các lớp tập huấn cho người sản xuất, nkinh doanh thực phẩm và đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương đặc biệt là các Sở Công Thương cách thức xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những đề án, chương trình lớn như Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn mới để kết nối được những nông sản, thực phẩm an toàn sản xuất tại các địa phương đưa vào các kênh phân phối trong nước. Đặc biệt, lồng ghép vào Chương trình bình ổn thị trường tại hơn 50 tỉnh, thành phố. Đến nay đã xây dựng được hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn, mà tiêu chí quan trọng số 1 là bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có giá cả hợp lý.
Bộ Công Thương đã tổ chức hướng dẫn địa phương xây dựng mô hình “chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, đến nay mô hình này đã được triển khai ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tỉnh được hỗ trợ triển khai với hai nội dung chủ yếu: Nghiên cứu xây dựng đề án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm và triển khai mô hình trên thực tiễn. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã tự nhân rộng mô hình bằng nguồn vốn địa phương đến các huyện, xã trên địa bàn như: Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng hướng dẫn xây dựng mô hình chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn ngành Công Thương. Thông qua hướng xây dựng mô hình, các doanh nghiệp đã có hệ thống tài liệu phù hợp với tiêu chuẩn ISO 22000, bảo đảm quản lý xuyên suốt từ sản xuất đến phân phối; hoạt động quản lý kho phân phối rõ ràng; quá trình truy xuất nguồn gốc và quản lý theo lô từ sản xuất đến các địa điểm phân phối đuợc kiểm soát chặt chẽ, sẵn sàng cho xử lý thu hồi...
Triển khai Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số và gia đình năm 2023, Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Tạp chí Công Thương thực hiện nhiệm vụ “Truyền thông về phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn” năm 2023, trong đó có tổ chức Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”.
Đây là không gian thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn ngành Công Thương; phổ biến các quy định quản lý an ninh, an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện nay. Đồng thời, làm rõ vai trò của cơ chế chính sách trong phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm trong bối cảnh mới; vai trò của ngành Nông nghiệp trong đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản; vai trò của ngành Y tế trong tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam trong tình hình mới; cũng như vai trò của địa phương trong phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đây cũng là cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan kinh doanh, phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn; cùng nhau trao đổi các giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; thảo luận các vấn đề về thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm an toàn, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết an toàn thực phẩm nhằm phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhận diện rõ hơn mức độ, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sạch; nắm bắt các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất; công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn. Nhất là thống nhất về giải pháp trong công tác quản lý nhà nước và tạo sự đồng thuận trong hành động về xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao trong phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn
Những hoạt động sôi nổi và thiết thực kể trên, sẽ góp phần vào thúc đẩy việc hoàn thiện kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ngành Công Thương vào hệ thống phân phối, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đưa thực phẩm thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.