Tới dự Hội nghị có đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương; cùng đại diện hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội nghị "Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn" được tổ chức nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn; thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, giải pháp công nghệ số, giải pháp đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm trong các hệ thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, ngày 21 tháng 10 năm 2022 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ ngày 28 tháng 3 năm 2023 về việc triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí Thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ, Vụ Thị trường trong nước được giao các nhiệm vụ:
(i) Đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong khâu phân phối;
(ii) Thực hiện việc kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối;
(iii) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên, nhiệm vụ được giao như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
"Hội nghị Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn hôm nay là một trong các hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ được giao của Bộ Công Thương." - bà Lê Việt Nga khẳng định.
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, Bộ Công Thương đã thường xuyên (i) Tuyên truyền, phổ biến việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai; (ii) Thực hiện tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương; (iii) Tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn nhằm kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn như: tổ chức Hội nghị, hội thảo kết nối thực phẩm an toàn, Chương trình Bình ổn thị trường; Triển khai xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt trên sàn thương mại điện tử ở thị trường trong nước nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm và thông tin hàng Việt; Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước.
Qua sơ kết đánh giá, công tác phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn ghi nhận 4 kết quả chính. Thứ nhất, có sự đồng thuận, hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị phối hợp, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, sự nhiệt tình tham gia của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối quy mô lớn giúp chương trình có sự liên kết giữa các vùng, miền, địa phương và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng;
Thứ hai, xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn, được phân phối bởi các cơ sở kinh doanh có uy tín đang ngày càng tăng của người dân, nhất là tại các đô thị, thành phố là một thuận lợi lớn để việc triển khai các chương trình có hiệu quả và ngày càng được đón nhận;
Thứ ba, sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho hoạt động tuyên truyền, truyền thông về an toàn thực phẩm, các chương trình kết nối thực phẩm an toàn, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ tư, các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông sản có thế mạnh, có sản lượng lớn, tính mùa vụ cao đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan truyền thông báo chí để cùng thực hiện các chương trình có điểm nhấn về kết nối tiêu thụ nông sản, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến với chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển tại Việt Nam, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam cũng như phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Cũng thông qua công tác phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, các cơ quan quản lý nhận diện rõ hơn mức độ, nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết; các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất; công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao.
Trong khuôn khổ Chương trình, các đại biểu đã nghe các tham luận trình bày tại Hội nghị:
- “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn trong tình hình mới” của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương;
- “Định hướng quản lý an ninh, an toàn thực phẩm ngành Công Thương” của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương;
- “Tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam trong tình hình mới” của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Hội nghị dành thời lượng đáng kể cho thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn qua 2 phiên thảo luận.
Phiên 1: “Đa dạng kênh phân phối kinh doanh thực phẩm an toàn” do đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển; đại diện sàn thương mại điện tử Postmart tham gia thảo luận.
Phiên 2: “Vai trò của chính sách phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm trong bối cảnh mới” do đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương); đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tham gia thảo luận.