Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Hoa Kỳ tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại San Francisco, Hoa Kỳ, chiều ngày 14/11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Bà Marry Ng, Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada.
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá dựa trên nền tảng quan hệ vững chắc mà hai nước đã thiết lập trong những năm gần đây, bao gồm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2017 đến việc thông qua Hiệp định CPTPP ký kết vào năm 2018, quan hệ kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam - Canada đã phát triển hết sức tích cực và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự thịnh vượng chung giữa hai quốc gia.
Hai Bộ trưởng khẳng định các Cơ quan quản lý của hai nước nói chung, và giữa Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) với Bộ Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada nói riêng cần có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa để triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, sản xuất xuất khẩu; đồng thời cần xác lập những mục tiêu phát triển tương xứng với mối quan hệ đối tác toàn diện cho chặng đường sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc Canada đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường từ năm 2016. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Canada tiếp tục các cuộc điều tra phòng vệ thương mại một cách khách quan, công bằng và minh bạch; tăng cường triển khai cơ chế tham vấn và cảnh báo sớm giữa hai nước trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Trao đổi về tình hình triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình dương (CPTPP), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao vai trò của Canada với tư cách là nước chủ tịch của CPTPP trong năm 2024. Hai Bộ trưởng thống nhất việc Vương quốc Liên hiệp Anh trở thành thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định, cùng với 6 đơn đăng ký thành viên mới đã chứng minh CPTPP không chỉ là Hiệp định thương mại tự do năng động, giữ vị thế ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm gia nhập của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Do vậy, các nước thành viên CPTPP cần bàn bạc và thống nhất việc đánh giá và xem xét kết nạp thêm thành viên mới trên cơ sở tuân thủ những tiêu chuẩn cao của Hiệp định, mang lại lợi ích thực sự cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên.
Hai Bộ trưởng nhất trí hai Cơ quan cần không ngừng vun đắp quan hệ hợp tác, tăng cường thảo luận, hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực mà hai nước có chung lợi ích như đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh v.v..