Đạm Cà Mau (DCM): Tiêu thụ ure và NPK trong tháng 9 tăng vọt

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) vừa cho biết sản lượng tiêu thụ ure trong tháng 9/2024 tăng 70% so với tháng 8 trước đó; đồng thời, sản lượng tiêu thụ NPK tăng gấp 17 lần.
Đạm Cà Mau
Sản lượng tiêu thụ các loại phân bón chủ lực của Đạm Cà Mau đã tăng vọt trở lại trong tháng 9/2024.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh tháng 9/2024 với sản lượng sản xuất ure đạt 67.360 tấn, tăng 49,6% so với tháng 8/2024. Sản lượng tiêu thụ tăng 68,3%, đạt 53.740 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 9.370 tấn.

Đối với phân bón NPK, sản lượng sản xuất của Đạm Cà Mau trong tháng 9/2024 đạt 10.930 tấn và sản lượng tiêu thụ đạt 35.210 tấn, lần lượt tăng 13% và 1.634% so với tháng 8/2024.

Đạm Cà Mau cũng cho biết đã xuất khẩu 9.370 tấn ure trong tháng 9/2024, giảm 43% so với tháng 8 trước đó. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, cả nước xuất khẩu 127.651 tấn phân bón các loại. Như vậy, Đạm Cà Mau chiếm khoảng 7,34% tổng lượng xuất khẩu phân bón của cả nước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau sản xuất 701.330 tấn ure và tiêu thụ 581.300 tấn ure, lần lượt hoàn thành 78,6% và 77,7% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu ure đạt 219.050 tấn, hoàn thành 97,4% kế hoạch cả năm nay.

Đối với mảng NPK, sản lượng sản xuất Đạm Cà Mau trong 9 tháng đầu năm đạt 130.470 tấn và tiêu thụ đạt 115.040 tấn, lần lượt hoàn thành 72,5% và 64% kế hoạch cả năm.

Giá phân bón
Diễn biến giá ure của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng 10/2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng sản xuất ure đạt 84.730 tấn; sản lượng tiêu thụ ure đạt 85.000 tấn; sản lượng sản xuất NPK đạt 24.000 tấn; sản lượng tiêu thụ NPK đạt 5.000 tấn.

Đạm Cà Mau cho biết, kế hoạch trên dựa trên sức tiêu thụ của thị trường. Trong bối cảnh nguồn hàng sản xuất trong nước sẵn có trên thị trường nội địa khá khan hiếm, nhu cầu tiêu thụ tăng đã giúp giá ure trong nước hồi phục từ cuối tháng 9 và tiếp tục tăng vào đầu tháng 10 năm nay.

Theo thông kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024 cả nước nhập khẩu 378.158 tấn phân bón, tương đương 140,35 triệu USD, giá trung bình 371,1 USD/tấn, giảm 15,8% về lượng, giảm 10,9% kim ngạch và tăng 5,8% về giá so với tháng 8/2024. 

Đánh giá về triển vọng kinh doanh ngành phân bón, SSI Research nhận định nhu cầu phân bón trên toàn cầu trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino trong năm 2023; qua đó, thúc đẩy mặt bằng giá phân bón tăng trở lại.

Giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kỳ vọng vào vụ Đông Xuân và Luật Thuế VAT" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đồng quan điểm với SSI Reseach, hãng Chứng khoán Rồng Việt mới đây cũng dự báo nhu cầu ure từ các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại khi vụ Đông Xuân (lúa mì, ngô) bắt đầu, đây cũng là vụ mùa lớn nhất của năm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng tiêu thụ phân bón.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính thì giá phân bón trong giai đoạn 2024 - 2025 vẫn có nhiều nguy cơ giảm do thị trường Ấn Độ và Brazil tăng công suất để giảm nhập khẩu.

Ngoài ra, đối với thị trường nội địa, mức độ cạnh tranh từ các sản phẩm nước ngoài còn tiềm ẩn rất nhiều nên trong ngắn hạn, giá ure trong nước có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ trong đầu quý 4 theo biến động của giá phân bón thế giới nhưng dự kiến sẽ tăng trở lại vào cuối quý khi vụ Đông Xuân bắt đầu.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tài chính hiện kỳ vọng hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau sẽ được hưởng lợi từ quyết định áp thuế giá trị gia tăng (VAT) cho mặt hàng phân bón, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây và chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2025.

Duy Quang