TÓM TẮT:
Sau ba mươi năm hình thành và phát triển, các tổ chức tài chính vi mô (viết tắt là TCVM) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước. Để xây dựng và phát triển hệ thống các tổ chức TCVM nhằm phục vụ người nghèo, các doanh nghiệp siêu nhỏ góp phần thực hiện an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020. Sau 5 năm đi vào thực hiện đề án, hoạt động tài chính vi mô đã phát triển, lan rộng trên toàn quốc, cung cấp dịch vụ tài chính cho một tỷ lệ tương đối lớn người nghèo, các doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động của các tổ chức TCVM vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần giải quyết. Trong nội dung bài viết này, tác giả đưa ra một số kết quả đạt được của ngành TCVM cũng như một số khó khăn, tồn tại và hạn chế của nó.
Từ khóa: Tổ chức tài chính vi mô, giai đoạn 2011 - 2016, xóa đói giảm nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ.
1. Giới thiệu
Tài chính vi mô (viết tắt là TCVM) là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô) để giúp họ tham gia vào hoạt động sản xuất, hay khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ - được gọi là các doanh nghiệp siêu nhỏ. Tài chính vi mô thường kéo theo các dịch vụ khác như: tín dụng, bảo hiểm vì người nghèo có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhưng họ không thể tiếp cận được với các thể chế tài chính chính thức.
Tổ chức TCVM được hiểu theo cách đơn giản nhất là tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập thấp - người nghèo và rất nghèo. Hầu hết các tổ chức TCVM đều cho vay tín dụng vi mô và chỉ nhận gửi những khoản tiết kiệm rất nhỏ từ người vay chứ không phải từ công chúng.
Năm 1986, Chính phủ Việt Nam quyết định thực hiện chính sách quốc gia về xóa đói giảm nghèo thông qua việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất của người nghèo. Tuy nhiên, lại không đưa khung pháp lý cụ thể cho các hoạt động của các tổ chức TCVM. Đến năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, khẳng định tổ chức TCVM là một loại hình tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020. Mới đây nhất, ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 33/2015-TT-NHNN quy định cụ thể về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức TCVM nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức TCVM trong thời gian tới.
2. Kết quả đạt được
Hiện nay, Việt Nam có hàng trăm tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM thuộc ba khu vực, khu vực chính thức gồm có: hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khu vực bán chính thức gồm các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và chương trình của các tổ chức xã hội và khu vực phi chính thức gồm các nhóm vay tương hỗ dưới hình thức phường, họ, vay nặng lãi…
Về tín dụng vi mô cho người nghèo khu vực nông nghiệp- nông thôn, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tính đến ngày 30/6/2014 đạt 126.666 tỷ đồng, gấp trên 18 lần so với thời điểm thành lập (năm 2003), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%. Hiện có gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập với dư nợ bình quân hơn 18 triệu đồng/khách hàng (tăng hơn 15 triệu đồng/khách hàng). Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ là 9.796 tỷ đồng với hơn 422 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong hơn 11 năm qua, đã có trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động, trong đó trên 102 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 3.236 nghìn học sinh sinh viên được vay vốn học tập...
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới: Nhờ có các tổ chức TCVM mà tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ 60% những năm đầu thập niên 90 xuống còn 20,7% năm 2010.
Theo báo cáo của nhóm Công tác TCVM, tính đến hết quý 3/2014, Việt Nam có 74 chương trình, dự án triển khai tại 23 tỉnh, thành phố: tổng vốn chủ sở hữu đạt 238,9 tỷ đồng, tổng tiền gửi đạt 439,2 tỷ đồng, tổng dư nợ 787,6 tỷ đồng, tổng nợ xấu là 75,2 triệu đồng, lợi nhuận là 32 tỷ đồng, tỷ lệ sinh lời trên một đồng vốn là 9,5%… và đặc biệt tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, chỉ 0,01%. Qua đó có thể thấy, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mô hình TCVM ở Việt Nam đã phát huy được hiệu quả tích cực của mình. Hiện nay, có ba tổ chức TCVM được cấp phép chính thức là:
Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình Thương (TYM): Được thành lập năm 1992, đến ngày 17/8/2010, TYM được cấp giấy phép thành lập, trở thành tổ chức TCVM đầu tiên tại Việt Nam. Sau hơn 20 năm phát triển và trưởng thành, tính đến cuối năm 2012, TYM đã triển khai hoạt động trên 10 tỉnh, thành phố với 45 chi nhánh/phòng giao dịch, 74.938 thành viên với tổng số vốn phát ra gần 1756,9 tỷ đồng, dư nợ vốn đạt trên 426,3 tỷ đồng. Tỷ lệ hoàn trả luôn đạt trên 99,9%. Số tiền tiết kiệm huy động được từ thành viên là 20,9 tỷ đồng. Số cán bộ tính đến thời điểm này là 348 cán bộ. Với thành tích giúp đỡ hàng nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, xây dựng mô hình vay vốn dễ dàng và phù hợp với các hộ gia đình tại các địa bàn nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, TYM đã vinh dự nhận được những giải thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng như Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Tổ chức TCVM tiêu biểu…
Tổ chức TCVM TNHH M7: Được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngày13/1/2012 trên cơ sở chuyển đổi hoạt động tài chính vi mô của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ miền núi phát triển huyện Mai Sơn (Sơn La) được thành lập năm 2007, Quỹ Khuyến khích phụ nữ phát triển thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) được thành lập năm 2004 và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ Đông Triều (Quảng Ninh) được thành lập năm 2007. Ba tổ chức này đã hoạt động tại 38 xã, phường thuộc 3 huyện, thị xã của 2 tỉnh Sơn La, Quảng Ninh và đã hỗ trợ tín dụng thành công cho 37.278 thành viên là phụ nữ nghèo và người có thu nhập thấp; góp phần thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo quốc gia, giúp nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam.
Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa: Có tiền thân là Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa. Từ một chương trình tài chính vi mô với số vốn 90 triệu đồng, sau 17 năm hoạt động, hiện nay Quỹ đang hỗ trợ cho hơn 20 nghìn khách hàng vay vốn, dự nợ đạt trên 100 tỷ đồng. Trong 6 năm liên tục, TCVM Thanh Hóa được Ngân hàng Nhà nước - Quỹ City bank, nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam vinh danh là tổ chức TCVM tiêu biểu tại Việt Nam. Năm 2014, được công nhận là đơn vị TCVM xuất sắc nhấttrên toàn quốc, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trở thành tổ chức TCVM chính thức theo luật các tổ chức tín dụng vào ngày 25/08/2014. Theo Giấy phép hoạt động số 65/GP-NHNN ngày 22/8/2014, tổ chức TCVM Thanh Hóa có vốn điều lệ 6,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa là 3 tỷ đồng, chiếm 49,18% vốn điều lệ; Công ty TNHH Xây dựng năng lực và phát triển cộng đồng Thanh Hà là 1,9 tỷ đồng, chiếm 31,15% vốn điều lệ và Công ty cổ phần NGV 1,2 tỷ đồng, chiếm 19,67% vốn điều lệ.
Các tổ chức TCVM có vai trò quan trọng trong việc phát triển đời sống xã hội của nước ta. Hiện nay, các tổ chức TCVM cung cấp dịch vụ cho khoảng hơn 500.000 hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm công tác TCVM về mức độ bền vững của các tổ chức TCVM: hơn 90% đối tượng được khảo sát cho biết họ hài lòng khi vay tại tổ chức TCVM, 95,3% người được hỏi cho biết muốn được tiếp tục vay tại các tổ chức này.
3. Những tồn tại, hạn chế
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, song theo đánh giá của ông Phạm Huyền Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước): “Hiện tại ngành TCVM tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động còn nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, sản phẩm chưa đa dạng và thiếu tính bền vững”. Nguyên nhân là do một số quy định cũ không còn phù hợp với thực tiễn, chưa có quy định đồng bộ, chưa có đầu mối quản lý thống nhất, chưa có các tổ chức hay hiệp hội TCVM làm đầu mối hỗ trợ đào tạo, tư vấn một cách có hệ thống.
Mới đây, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố trên trang Global Findex - cơ sở dữ liệu toàn cầu: tại Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức mặc dù nhu cầu được sử dụng các dịch vụ tài chính là rất lớn. Chính vì lý do này nên để giải quyết nhu cầu tài chính của mình, họ phải vay từ nhiều nguồn khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau và trong đó có vay nặng lãi với lãi suất cao lên đến 100%/năm. Các tổ chức TCVM cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm,.. được đánh giá cao nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người có thu nhập thấp.
Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, vì “nút thắt” lớn nhất hiện nay với các tổ chức TCVM là cơ chế và vốn nên cần phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp với bản chất hoạt động của các tổ chức TCVM. Riêng về vốn, hoạt động của các tổ chức TCVM là giúp đỡ người nghèo nên cần có chính sách khuyến khích các tổ chức xã hội, các cá nhân góp vốn để mở rộng vốn phục vụ hoạt động này.
Một đặc trưng của các tổ chức TCVM khác với các ngân hàng thương mại (NHTM) ở tỷ trọng của nguồn vốn tiền gửi. Đối với các NHTM vốn tiền gửi được huy động từ nhiều người, là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 70% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, nguồn vốn tiền gửi của các tổ chức TCVM chiếm tỷ trọng nhỏ, chỉ khoảng 30%, còn lại phần lớn là nợ phải trả. Nguyên nhân là do: các tổ chức TCVM chủ yếu nhận được các khoản vay, tài trợ, hỗ trợ từ nước ngoài, các dự án hay chương trình phát triển của địa phương, hạn chế về khung pháp lý trong hoạt động nhận tiền gửi cũng ảnh hưởng đến khả năng tự vững của các tổ chức TCVM. Theo một chuyên gia khác cho rằng: Với đặc điểm là những khoản tiền lớn chia nhỏ rồi cho vay và các đối tượng của các tổ chức TCVM là người có thu nhập thấp, người có điều kiện khó khăn, ở khu vực vùng sâu, vùng xa, không có tài sản thế chấp nên chi phí càng tốn kém. Vì vậy, cần hoàn thiện quy định về lãi suất cho các tổ chức TCVM trên cơ sở bù đắp đủ chi phí nhưng không gây thiệt hại cho người nghèo.
Thực tế, trước diễn biến của thị trường tiền tệ hiện nay, các tổ chức TCVM đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động tiết kiệm, họ chỉ huy động được từ chính các đối tượng tham gia vay vốn còn nhóm đối tượng có khả năng tiết kiệm cao thường sẽ gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại thay vì tại các tổ chức TCVM bởi vì khung pháp lý về huy động tiết kiệm của các tổ chức TCVM còn thiếu, chưa tạo được niềm tin với khách hàng về sự đảm bảo trong dài hạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban công tác Tài chính vi mô, Báo cáo về tài chính vi mô năm 2014.
2. Chính phủ, Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
3. Quốc hội, 2010, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010
4. Các bài viết trên http://tapchitaichinh.vn/
5. Và một số trang web khác:
http://www.microfinance.vn/;
http://www.tymfund.org.vn/;
http://www.m7mfi.vn/;
http://www.thmicrofinance.org/
ASSESSING THE OPRATION OF MICROFINANCE INSTITUTIONS IN THE PERIOD FROM 2011 TO 2016
Master. KIEU THI TUAN
Faculty of Accounting and Auditing, Banking Academy
ABSTRACT:
After 30 years of development, the microfinance institutions have increasingly proved their important role in the hunger eradication, poverty reduction and sustainable development of Vietnam. To build and develop the system of microfinance institutions to serve the poor and micro enterprises in order to contribute to the social security and sustainable poverty reduction, the Prime Minister issued Decision No. 2195 / QD TTg dated 06/12/2011 on approving Construction and development of sustainable microfinance system project in Vietnam until the year 2020. After 5 years of implementing this project, microfinance activities have developed across the country and provided financial services for a relatively large proportion of the poor and micro enterprises. However, besides the achievements, the operation of microfinance institutions still has faced difficulties. This study presents some achievements of the microfinance institutions; and some existing difficulties and limitations of microfinance institutions.
Keywords: Microfinance organization, period from 2011 to 2016, poverty alleviation, micro-enterprise.