Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đến kinh tế Việt Nam: Tiếp cận theo mô hình GTAP

ĐỖ ĐÌNH LONG (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên), HOÀNG ANH ĐỨC (Ủy ban nhân dân huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Bài viết ứng dụng cách tiếp cận cân bằng tổng thể khả tính (mô hình dự án phân tích thương mại toàn cầu - GTAP model) nhằm lượng hóa tác động về mặt kinh tế của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam và các nước thành viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy Hiệp định CPTPP mang lại hiệu ứng tích cực nhưng không rõ rệt cho các nước thành viên về quy mô thương mại, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và phúc lợi xã hội, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhưng cũng gặp nhiều thách thức nhất từ quá trình tự do hóa này.

Từ khóa: Mô hình GTAP, quy mô thương mại, Việt Nam, CPTPP.

  1. Đặt vấn đề

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được ký kết vào ngày 08/3/2018, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Hiệp định CPTPP khởi nguồn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có sự tham gia của 12 nước thành viên với lễ ký xác thực lời văn Hiệp định tại Auckland, New Zealand ngày 04/2/2016. Tuy nhiên, ngày 30/1/2017, Hoa Kỳ chính thức tuyên bố rút khỏi hiệp định, 11 nước còn lại đã tích cực nghiên cứu, trao đổi nhằm thống nhất định hướng trong bối cảnh mới. Tháng 11/2017, hiệp định TPP được đổi tên thành hiệp định CPTPP dù giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục), nhưng cho phép tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên. So với TPP, giá trị đóng góp vào GDP và thương mại toàn cầu của Hiệp định CPTPP nhỏ hơn do không có Hoa Kỳ tham gia, nhưng Hiệp định CPTPP vẫn có tầm quan trọng và ảnh hưởng đặc biệt do các nước thành viên chiếm 13.5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD.

Việc tham gia Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đồng thời cũng thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách trong nước, đặc biệt những cải cách có liên quan đến khối doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng có thể tác động tích cực tới triển vọng phát triển kinh tế dài hạn của đất nước. Dù vậy, sức ép cạnh tranh do CPTPP mang lại được các chuyên gia đánh là là thách thức lớn nhất với Việt Nam do giảm thuế nhập khẩu về 0%, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi, sức ép đến từ mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm Chính phủ trong khuôn khổ CPTPP. Những tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy quản lý nhà nước cũng được nhiều chuyên gia đánh là những thách thức lớn đối với Việt Nam.

Từ khi Hiệp định CPTPP được ký kết đã có khá nhiều nghiên cứu về tác động của CPTPP đến kinh tế các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phần lớn kết quả nghiên cứu đều cho rằng các nước tham gia CPTPP dường như ít hưởng lợi và có nhiều thách thức hơn so với khi tham gia TPP. Nghiên cứu của Ciuriak (2017) sử dụng mô hình GTAP - FDI cho thấy các quốc gia như: Canada, Mexico, Chile và Peru được hưởng lợi nhiều hơn so với khi có Hoa Kỳ tham gia hiệp định (TPP), về dài hạn 11 quốc gia đều hưởng lợi ích của Hiệp định CPTPP. Nghiên cứu của Khan và cộng sự (2018) sử dụng mô hình GTAP với 3 kịch bản (CPTPP không có Pakistan, có Pakistan, có Hoa kỳ và Pakistan) cho thấy CPTPP có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Pakistan, tuy nhiên tác động sẽ là tích cực nếu Pakistan tham gia CPTPP ở 2 kịch bản còn lại. Kết quả từ nghiên cứu của Lu (2018) đánh giá tác động của CPTPP và EVFTA đến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sử dụng mô hình GTAP, cho thấy tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam khi tham gia CPTPP và EVFTA không lớn như những nghiên cứu trước đó. Nguyễn Thị Oanh (2019) phân tích một số nội dung thỏa thuận trong Hiệp định CPTPP có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam cũng như cơ hội và thách thức đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, từ hàng rào phi thuế quan, từ đó đề xuất một số khuyến nghị đối với Nhà nước và doanh nghiệp nhằm tiếp tục mở rộng quy mô và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Các nghiên cứu trên đã đánh giá được các tác động về mặt kinh tế - xã hội của CPTPP tới các nước thành viên ở một số khía cạnh. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu mới đánh giá được tác động đơn lẻ tới từng nước, hoặc từng lĩnh vực kinh tế, mà chưa có nghiên cứu sử dụng mô hình GTAP để đánh giá các tác động kinh tế của CPTPP tới Việt Nam. Chính vì vậy, bài viết đã ứng dụng mô hình GTAP để đánh giá tác động kinh tế của Hiệp định CPTPP đến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhằm lượng hóa tác động về mặt kinh tế của Hiệp định CPTPP đối với các nước tham gia hiệp định, tập trung vào Việt Nam với một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu.

  1. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình GTAP

Bài viết sử dụng mô hình GTAP, là mô hình cân bằng tổng thể do Hertel (1999) phát triển và được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Với bộ cơ sở dữ liệu của nhiều khu vực trên thế giới, mô hình cung cấp khung phân tích để đánh giá tác động của chính sách và thay đổi cấu trúc phân phối nguồn lực thông qua việc làm rõ đối tượng hưởng lợi và chịu thiệt do tác động của chính sách [3], [5].

Theo Brockmeier (1996), mô hình GTAP có một số đặc điểm sau: Thứ nhất, người tiêu dùng đại diện trong mỗi vùng hoặc lãnh thổ quyết định mức tiêu dùng hàng hóa, mức tiết kiệm và mức chi tiêu Chính phủ để tối đa hóa hàm lợi ích Cobb-Douglas và Chính phủ là một thành phần của mô hình. Thứ hai, đại diện trong mỗi ngành của mỗi vùng hoặc lãnh thổ quyết định các yếu tố sản xuất đầu vào (đất đai, vốn, lao động có tay nghề và lao động không có tay nghề, tài nguyên thiên nhiên) và hàng hóa trung gian (hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu). Hàng hóa trung gian được phân tích từ nhân tố sản xuất trong hàm sản xuất, và do vậy, giá của nó không ảnh hưởng đến các yếu tố sản xuất. Trong hàng hóa trung gian có hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Các tham số của độ co giãn thay thế được xác định trước khi đưa vào mô hình. Thứ ba, giá của hàng hóa và nhân tố sản xuất được xác định sao cho cầu và cung cân bằng trên thị trường.

Mô hình GTAP cũng có một số nhược điểm như: Mô hình tĩnh, do vậy không thể tiến hành phân tích sự chuyển đổi giữa hai trạng thái cân bằng. Không có thị trường tài chính trong mô hình GTAP, nó không thể giải quyết các vấn đề liên quan đến tỉ giá hối đoái, tỉ lệ lãi suất và lạm phát cũng như những ảnh hưởng của chính sách tiền tệ.

2.2. Số liệu

Dữ liệu gốc của mô hình GTAP được phân chia thành 11 vùng và lãnh thổ (Australia - Aus, New Zealand - Nzl, Malaysia - Mys, Singapore - Sgp, Canada - Can, Mexico - Mex, Nhật Bản - Jpn, Chile - Chl, Peru - Per, Việt Nam - Vnm và ROW (Rest of World - phần còn lại của thế giới) với 10 lĩnh vực gồm: Ngũ cốc và cây trồng (GC); chăn nuôi và các sản phẩm thịt (LP), Khai khoáng và khai thác (ME); Thức ăn chế biến (PF); Dệt may (TC); Công nghiệp nhẹ (LM); Công nghiệp nặng (HM); Ngành phục vụ công cộng và xây dựng (UC); Vận tải và truyền thông (TR); Các dịch vụ khác (OS).

  1. Kết quả nghiên cứu

Giả định các nước tham gia vào Hiệp định TPP phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với tất cả các mặt hàng (thuế suất giảm tới 0%), kết quả thực nghiệm cho thấy tác động kinh tế của tự do thương mại tới các nước tham gia như sau:

3.1. Tác động đến giá trị xuất khẩu

Bảng 1 trình bày tác động của tự do thương mại tới giá trị xuất khẩu của các nước thành viên CPTPP và phần còn lại của thế giới. Kết quả cho thấy, dường như Việt Nam được hưởng lợi đối với các ngành Ngũ cốc và cây trồng, Dệt may, Công nghiệp nhẹ với dự báo mức tăng khá và đối diện với thách thức ở hầu hết các ngành còn lại khi dự báo kim ngạch xuất khẩu giảm do cắt giảm thuế quan. 

3.2. Tác động đến giá trị sản xuất các ngành

Giá trị sản xuất các ngành kinh tế của Việt Nam cũng hầu hết chịu tác động tiêu cực từ CPTPP trừ những ngành có lợi thế xuất khẩu như: Ngũ cốc và cây trồng, Dệt may, Công nghiệp nhẹ. Những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thức ăn chế biến (giảm 5.89%), Công nghiệp nặng (giảm 4.49%). (Bảng 2).

3.3. Tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

Ảnh hưởng của tự do hóa thương mại đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được trình bày ở Bảng 3 và Bảng 4. GDP thực tế của các quốc gia thành viên TPP đều tăng, trong khi GDP phần còn lại của thế giới giảm cho thấy tác động tích cực của tự do hóa thương mại. Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn nhất, tuy nhiên mức tăng GDP nhỏ hơn so với khi tham gia Hiệp định TPP [5]. 

Số liệu ở Bảng 4 cho thấy tự do hóa thương mại tác động dường như không có tác động tích cực đến cán cân thương mại của các quốc gia thành viên CPTPP, trừ Việt Nam và Mexico với lợi ích nhỏ. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất khi xuất khẩu tăng 7.5% trong khi nhập khẩu giảm 7.05%. Đối với hầu hết các quốc gia khác, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nhỏ hơn tốc độ tăng giá trị nhập khẩu.

Bảng 4 cũng cho thấy tổng EV của các nước tham gia CPTPP đều tăng lên, cho thấy phúc lợi xã hội tăng do kết quả của quá trình tự do hóa thương mại trừ Peru. Các quốc gia có EV tăng nhiều nhất là Nhật Bản, Australia với khoảng cách khá xa so với các thành viên còn lại, so với các quốc gia thành viên, mức tăng EV của Việt Nam ở mức trung bình thấp với 434.6 triệu USD. Như dự đoán, tổng mức giảm phúc lợi xã hội của các vùng/quốc gia không tham gia CPTPP là 8.439 tỷ USD.

  1. Kết luận

Bài báo áp dụng mô hình GTAP với bộ cơ sở dữ liệu GTAP 8 đánh giá tác động kinh tế của tự do hóa thương mại trong khuôn khổ CPTPP. Kết quả nghiên cứu có thể được tóm tắt như sau: Một là, tự do hóa thương mại đem đến lợi ích cho các nền kinh tế của các nước thành viên, tuy nhiên lợi ích của các quốc gia thành viên CPTPP là không lớn so với khuôn khổ của TPP. Hai là, tự do thương mại góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế, tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực, tăng năng suất, cải thiện phúc lợi xã hội và mức sống cho người dân ở các quốc gia thành viên. Dưới tác động của tự do thương mại, cơ cấu sản xuất của các quốc gia thành viên CPTPP sẽ dịch chuyển đến những ngành có lợi thế tương đối nhằm phát huy thế mạnh của mình. Ba là, tự do thương mại tác động tiêu cực đến quy mô thương mại và phúc lợi xã hội của các quốc gia không tham gia Hiệp định. Bốn là, mặc dù đem lại lợi ích cho các nước tham gia CPTPP, tự do hóa thương mại có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đối với các nước này. Cụ thể là, những ngành có khả năng cạnh tranh thấp có xu hướng bị thu hẹp về quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu, hoặc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác. Bên cạnh đó, tự do thương mại cũng có thể tác động xấu đến cán cân thương mại của một số nước thành viên. CPTPP đang mở ra những cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội cho các quốc gia thành viên, cũng như có thể gây ra những thách thức và bất lợi không nhỏ từ việc cắt giảm thuế quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Brockmeier, M. (1996). “A Graphical Exposition of the GTAP model.” GTAP technical paper No 8 1996, Center for Global Trade Analysis, Purdue University.
  2. Ciuriak Dan, Jingliang Xiao, Ali Dadkhah (2017). “Quantifying the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership” East Asian Economic Review vol. 21, no.4 (December 2017) 343 - 384 .
  3. Dimarana, B. và Mc Dougall, R. (2002). “Global Trade Assistance and Production. Center for Global Trade Analysis, Purdue University.
  4. Long, Do Dinh. & Suduk Kim (2014). “A General Equilibrium Model for Energy Policy Evaluation using GTAP-E for Vietnam” Journal of Economics World, ISSN 2328-7144. Vol. 2, No 5, 2014.
  5. Đỗ Đình Long và cộng sự (2016). “Đánh giá tác động của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đến kinh tế Việt Nam: Tiếp cận theo mô hình GTAP” Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, 160(15) trang 237 - 242. ISSN 1859-2171.
  6. Hertel, T, W. (1999). “Global Trade Analysis: Modeling and Applications.” 1st Edn, Cambridge University Press, pp: 403.
  7. Khan Muhammad Aamir, Naseeb Zada, và Kakali Mukhopadhyay (2018), “Economic implications of the Comprehensive and Progressive Agreement for TransPacific Partnership (CPTPP) on Pakistan: A CGE approach”, Journal of Economic Structures, pp 1 - 20, Springer Open.
  8. Lu Sheng, (2018) "Evaluation of the Potential Impact of CPTPP and EVFTA on Vietnam's Apparel Exports: Are We Over-optimistic about Vietnam's Export Potential?" (2018). International Textile and Apparel Association (ITAA) Annual Conference Proceedings.
  9. Nguyễn Thị Oanh (2019) “Việt Nam tham gia hiệp định CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam” VNU Journal of Science and Business, Vol 35, No1 (2019) 1 - 9.

ASSESSING IMPACTS OF COMPREHENSIVE AND PROGRESSIVE AGREEMENT FOR TRANS – PACIFIC  PARTNERSHIP ON VIETNAM’S ECONOMY: THE GTAP MODEL APPROACH

DO DINH LONG

University of Economics & Business Administration,

Thai Nguyen University

HOANG ANH DUC

Phu Luong District People's Committee, Thai Nguyen Province

ABSTRACT:

This paper uses a Computable General Equilibrium approach with GTAP 8 database to quantify the economic impacts of trade liberalization within the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans - Pacific Partnership (CPTPP). The results show that the CPTPP can bring about positive effects but not significance for 11 members in terms of trade volume, macroeconomic indicators, and social welfare. Vietnam, one of the CPTPP’s members, not only receives benefits but also face challenges the most from this process of trade liberalization.

Keywords: GTAP model, trade volume, Vietnam, CPTPP.