Hoàn thành công tác số hóa
Một nhiệm vụ trọng tâm của quản lý thị trường trong năm 2023 là đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường (QLTT).
Trong chuyển đổi số, hoàn thành công tác số hóa các cơ sở dữ liệu về thương nhân và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng. Xây dựng hạ tầng, cải tiến công nghệ, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại; xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử (TMĐT) được quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức thực thi công vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên TMĐT.
Đồng thời, các mặt công tác khác cũng được triển khai toàn diện, như xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết hoặc thiên tại, dịch bệnh. Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Lực lượng quản lý thị trường đặc biệt chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, như: thương mại điện tử, rượu, nguyên liệu thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng, điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, đường cát, hóa chất... và nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Trong bối cảnh đó, rất mừng là ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Đề án hướng đến bốn mục tiêu cụ thể:
Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động TMĐT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Hai là, phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
Ba là, 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn là, 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu nói trên, Đề án đã đề ra 6 giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, gồm: Hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng; Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT; Hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
Quản lý thị trường và địa phương hưởng ứng rộng khắp
Ngay sau khi ban hành, Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt. Ngày 17/5/2023, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành văn bản số 2496 /UBND-SCT về việc triển khai Đề án. Trong đó, yêu cầu Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đôn đốc các sở, ngành, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nội dung của Đề án. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có biện pháp đấu tranh phù hợp với quy định của pháp luật. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát việc lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng giả; đặc biệt, đối với các sàn giao dịch TMĐT lớn và các trang mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân về tác hại của các hành vi kinh doanh trái pháp luật, buôn bán hàng lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân; đồng thời biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án với các nội dung chủ yêu như: Kết nối, chia sẻ thông tin tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử...). Song song đó, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thực thi pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử: Tổ chức các khoá tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; thường xuyên thực hiện công tác rà soát, đánh giá các quy định, cơ chế và hiệu quả phối hợp giữa các ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; trao đổi, tiếp nhận thông tin để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
Không chỉ ở cấp tỉnh, nhiều huyện trong cả nước cũng kịp thời ban hành nhiều quyết sách thực hiện Đề án. Điển hình như UBND huyện Phù Ninh ban hành Văn bản: 906/UBND-KT&HT Về việc thực hiện Đề án. Theo đó, giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT; kiểm tra, giám sát việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa liên quan từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng; cung cấp thông tin cho các ngành chức năng liên quan trong việc xử lý các vi phạm về đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm hàng hóa trên thị trường để phối hợp quản lý và cảnh báo tới người tiêu dùng.
Giao cho lực lượng công an huyện tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm; tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng TMĐT để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến. Giao cho Đội Quản lý thị trường số 2 (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 huyện) xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban chỉ đạo 389 huyện hàng năm, trong đó chỉ đạo nội dung chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các trang mạng (website), ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; cung cấp thông tin, cảnh báo tới người tiêu dùng để chủ động phòng tránh các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh về các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT trong kinh doanh để buôn bán hàng giả ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống quản lý thị trường và các địa phương, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử nói riêng cũng như hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường trong tình hình mới.