Yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Đề tài Yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do ThS. Nguyễn Khắc Chinh (Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện

TÓM TẮT:

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đặt ra những chuẩn mực bảo hộ mới cũng như những cam kết cao hơn tiêu chuẩn hiện nay về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Với tư cách là thành viên của các FTAs, Việt Nam cần nhanh chóng nhận diện, đánh giá và tiến tới hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Bài viết đã nêu khái quát về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mục tiêu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia đồng thời cũng nêu rõ những yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTAs.

Từ khóa: sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

1. Khái quát về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các tài sản trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, và quyền đối với giống cây trồng. Ngày nay, quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Giá trị văn hóa - xã hội hay giá trị thương mại mà các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đem lại là không thể phủ nhận khi nền kinh tế tri thức lên ngôi, các sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả sẽ tạo động lực cho các chủ thể sáng tạo, đồng thời phục vụ lợi ích chung của xã hội khi kết quả sáng tạo của các chủ thể này được phổ biến.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” là tất cả những hành vi mà Nhà nước thực hiện nhằm công nhận, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, Nhà nước xây dựng pháp luật và cơ chế xác lập quyền, bảo đảm các điều kiện pháp lý thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, và đưa ra các quy định hoặc biện pháp xử lý đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ” là việc dùng các biện pháp nhằm chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo sự tôn trọng đối với quyền sở hữu trí tuệ hay được ghi nhận trong Luật Sở hữu trí tuệ với khái niệm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”. Về phương diện chủ quan, thì bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các biện pháp cụ thể được áp dụng nhằm xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm. Về phương diện khách quan, thì bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là tổng hợp các quy định của pháp luật công nhận quyền tự bảo vệ của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật công nhận.

Mặc dù, khái niệm “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”; “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”; hoặc “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ” có những điểm chung nhất định tuy nhiên chúng vẫn có sự khác nhau bởi 2 yếu tố. Điểm khác biệt thứ nhất liên quan đến hành vi bảo hộ, Nhà nước là chủ thể duy nhất thực hiện hành vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng chủ thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể là Nhà nước hoặc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc các hiệp hội, tổ chức tập thể đại diện cho chủ thể quyền như: Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO); Hiệp hội Sáng tạo và bản quyền tác giả (VCCA). Điểm khác biệt thứ hai là cách thức thực hiện hành vi. Đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Nhà nước sẽ thực hiện rất nhiều hành vi khác nhau như thành lập hệ thống xác lập quyền, quản lý nhà nước, hay quy định các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đối với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể thực thi có thể áp dụng đồng thời các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ căn cứ theo quy định của pháp luật[1]. Theo đề tài của luận án, khái niệm bổ sung cần làm rõ bên cạnh các khái niệm như là “thực thi cam kết hoặc thực hiện cam kết về quyền sở hữu trí tuệ”. Thực thi hay thực hiện cam kết là nghĩa vụ của các quốc gia thành viên của điều ước quốc tế liên quan. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế mà mình ràng buộc theo nguyên tắc “pacta sunt servanda”.

2. Mục tiêu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia

Mỗi quốc gia có một chính sách riêng nhằm thực hiện mục tiêu bảo hộ quyền. Nhóm nước phát triển với nền khoa học công nghệ phát triển, họ luôn mong muốn nâng cao việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bởi đây là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Họ hiểu quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ mạnh và hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Quyền sở hữu trí tuệ tác động đến kinh tế thông qua một yếu tố chủ chốt là công nghệ bởi giúp các công nghệ được tạo ra, khai thác và sử dụng trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngăn không cho chiếm đoạt.

Sự phát triển kinh tế dựa vào công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ dường như là không có giới hạn bởi chúng khác biệt so với việc sử dụng lợi thế của nguồn tài nguyên, vốn và nhân công giá rẻ[2]. Vì vậy, pháp luật quốc gia về sở hữu trí tuệ nhanh chóng phát triển và trở nên phổ biến tại các quốc gia phát triển đã khẳng định nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và quan trọng hơn đó là nhu cầu mở rộng bảo hộ ra nước ngoài của các chủ thể quyền nhằm khai thác tối đa các lợi ích từ các đối tượng sở hữu trí tuệ. Đối với các quốc gia đang và kém phát triển lại có nhu cầu áp dụng các thành tựu sáng tạo với nguồn lực hạn hẹp nên họ muốn theo đuổi chính sách bảo hộ ở mức độ cơ bản nhất so với các quốc gia phát triển.

Nửa sau thế kỷ 19, các điều ước song phương về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được ký kết rất nhiều nhưng lại không hiệu quả bởi pháp luật về sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia còn tồn tại nhiều khác biệt cơ bản về nguyên tắc hay cơ chế bảo hộ, do nguyên tắc lãnh thổ của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sự khác biệt trong chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Không như quyền sở hữu tài sản hữu hình, quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ ở một quốc gia không được thừa nhận ở quốc gia khác. Chính vì vậy, các quốc gia phát triển hiểu việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ dừng ở mức độ quốc gia hoặc song phương thôi thì chưa đủ, bởi sẽ rất khó để đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu cũng như triệt tiêu động lực sáng tạo của họ do thời gian, chi phí, chất xám đầu tư cho sáng tạo rất lớn. Hơn nữa, phát triển kinh tế dựa trên quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị ảnh hưởng khi lợi nhuận từ việc khai thác, sử dụng quyền bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia hoặc 2 nước riêng lẻ.

Trong khi đó, quyền sở hữu trí tuệ rất dễ bị xâm phạm tại các quốc gia khác vì sau khi được công bố, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ lại dễ dàng được phổ biến, lan truyền, thậm chí bị chiếm đoạt, trục lợi bất hợp pháp. Đặc biệt, việc lưu trữ, sao chép, phân phối trái phép các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều bởi sự hỗ trợ từ các nền tảng công nghệ hay môi trường kỹ thuật số. Chính vì vậy, đứng trước những thách thức liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhu cầu tương đồng hóa chính sách bảo hộ của các quốc gia trở nên cấp thiết, chính đáng và khách quan hơn bao giờ hết.

Việc tương đồng hóa chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia là cần thiết bởi chỉ có như vậy việc bảo hộ mới thực sự đạt hiệu quả khi quyền lợi của chủ sở hữu được đảm bảo. Điều này sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế dựa theo quyền sở hữu trí tuệ bởi lợi nhuận từ việc khai thác, sử dụng quyền sẽ tăng lên khi chúng được bảo hộ tương đồng tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, đây cũng là căn cứ để chủ sở hữu có thể sử dụng trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm hoặc khi có tranh chấp xảy ra.

Vì những lý do trên, 2 công ước quốc tế đầu tiên về quyền sở hữu trí tuệ được ra đời, đó là: Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1886[3] (Công ước Berne) và Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1983[4] (Công ước Paris). Từ một số đối tượng truyền thống của quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp của 2 công ước trên, tính đến nay đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung và quy định trong hầu hết pháp luật của các quốc gia thành viên và cả các công ước như Công ước thành lập WIPO năm 1967[5], hay Hiệp định TRIPS[6].

Các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ đã tạo nên các tiêu chuẩn và chuẩn mực tối thiểu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo các tiêu chuẩn này hoặc được phép nâng cao chúng thông qua pháp luật của mình. Mục đích cuối cùng của các điều ước này nhằm xác lập các yêu cầu bảo hộ tương đồng, tạo khả năng và hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính bởi đây là một trong những cản trở lớn nhất đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn ở nước ngoài, đặc biệt là trên phạm vi toàn cầu.

Đối với bảo hộ tự động như quyền tác giả và quyền liên quan, các điều ước quốc tế hướng đến việc đảm bảo sự bảo hộ tự động tại tất cả các quốc gia thành viên. Còn đối với bảo hộ có điều kiện, các điều ước quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hài hòa hóa các thủ tục đăng ký và điều kiện bảo hộ nhằm xây dựng một thủ tục đăng ký bảo hộ chung thống nhất và nhất quán giữa các quốc gia thành viên. Đồng thời, tiến tới giảm bớt các thủ tục xác lập quyền không cần thiết. Việc tương đồng hóa các chính sách không những tạo thuận lợi cho các quốc gia thành viên trong quá trình xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà còn giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là đối các doanh nghiệp lớn hướng đến thị trường quốc tế tiết kiệm chi phí, thời gian, và gia tăng cơ hội cạnh tranh khi thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là như nhau.

3. Yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Việc FTAs thế hệ mới dành một chương riêng cho quyền sở hữu trí tuệ đã phần nào nói lên tầm quan trọng của tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm thế nào để bảo hộ những tài sản này cũng như quyền gắn liền với nó. FTAs đã nâng mức bảo hộ cao hơn so với các tiêu chuẩn trước đó thông qua các quy định, cam kết bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện, cụ thể bao gồm:

- Mở rộng đối tượng và phạm vi bảo hộ;

- Nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngăn chặn, xử lý các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đồng thời đảm bảo triển khai các biện pháp thực thi một cách công bằng, đơn giản, nhanh chóng, xóa bỏ hoặc không tạo ra các rào cản đối với thương mại và hạn chế lạm dụng;

- Thúc đẩy minh bạch hóa hệ thống nộp đơn và đăng ký;

- Tạo lập thể chế cho công nghệ số;

- Ngăn ngừa sự mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, có biện pháp bảo hộ quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đã có trước và các quy định về việc sử dụng khái niệm thông thường;

- Chú trọng đến các xâm phạm thông thường như hàng giả mạo, chiếm đoạt bí mật kinh doanh.

Việc nâng mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm xác lập các tiêu chuẩn dựa vào các cam kết song phương và các cam kết khác của các quốc gia thành viên. Từ đó, thiết lập cơ chế cho việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, và ngăn chặn nạn trộm cắp bí mật thương mại. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu, sáng tạo bởi nó sẽ đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho tác giả hoặc chủ sở hữu. Hơn nữa, khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ sẽ giúp ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền, nâng cao ý thức xã hội và tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh[7]. Chính vì vậy, các yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTAs thế hệ mới có thể chỉ nhắm vào một số lĩnh vực cụ thể hoặc một số đối tượng nổi bật trong thị trường kết nối giữa các quốc gia thành viên của FTAs đó mà không bao quát toàn bộ các vấn đề trong chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 1995, Hiệp định TRIPS ra đời với mục tiêu nhằm “góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo và người sử dụng công nghệ cũng như lợi ích kinh tế - xã hội nói chung và đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ[8]. Cùng với WIPO, Hiệp định TRIPS đã nâng mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên bình diện toàn cầu khi quy định rất chặt chẽ về cơ chế bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, và các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ[9]. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, khả năng sáng tạo, tư duy của con người ngày càng phát triển đã khiến Hiệp định TRIPS không thể ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, có tính tổ chức với quy mô lớn.

Trên thực tế, mặc dù Hiệp định TRIPS được dẫn dắt bởi các quốc gia phát triển nhưng họ cho rằng mình đã phải nhượng bộ quá nhiều thông qua các ưu đãi ở thời kỳ quá độ, sức khỏe cộng đồng[10]. Các quốc gia phát triển cho rằng các ưu đãi này đã được nhóm các quốc gia đang phát triển tận dụng triệt để. Nói cách khác, những điều khoản mang tính linh hoạt của Hiệp định TRIPS vô hình trung đã giúp nhóm các quốc gia đang phát triển trì hoãn việc thực hiện các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển lại cho rằng thực chất các quy định Hiệp định TRIPS chỉ thiên về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo hướng có lợi cho các quốc gia phát triển. Hơn nữa, trên thực tế các ưu đãi, nhượng bộ theo quy định của Hiệp định TRIPS không trở thành hiện thực như đã cam kết ban đầu.

Những bất đồng nêu trên khiến cho nhóm các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ đã không còn tin tưởng vào thể chế đa phương bởi thất bại của Hiệp định TRIPS là do nhóm quốc gia đang phát triển trong Hiệp định TRIPS chiếm số đông. Nhóm các quốc gia đang phát triển đồng lòng và hợp lực nên phần nào hạn chế được mong muốn của các quốc gia phát triển thông qua cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Hiệp định TRIPS[11]. Chính vì vậy, FTAs đã trở thành lời giải cho những bất đồng trên. Cơ chế của FTAs chủ yếu thông qua đàm phán song phương để trực tiếp đặt ra các chính sách mậu dịch quốc tế thường chỉ ràng buộc các bên khi quyết định tham gia FTAs.

FTAs thế hệ mới cho phép các quốc gia phát triển nâng mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nhóm đối tượng cụ thể. Thông qua FTAs, các quốc gia phát triển đã lồng ghép và đưa vào các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhóm đối tượng hoặc nhóm lĩnh vực nổi bật có thể mang đến những lợi ích to lớn về kinh tế đồng thời có khả năng kéo dài thời gian khai thác. Ví dụ, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP) mở rộng đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như mùi, âm thanh, hay những sản phẩm đặc thù như nông hóa phẩm, dược phẩm (nghĩa vụ thực hiện các cam kết về nhóm đối tượng này đã được tạm hoãn) đây vốn là nhóm đối tượng mà Hoa Kỳ đã theo đuổi ngay từ những ngày đầu đàm phán. Bên cạnh đó, đối với các quốc gia đang phát triển, họ sẽ cần một khoảng thời gian để có thể kịp thích ứng với những quy định khắt khe hơn của FTAs.

Khác với Hiệp định CPTPP, EVFTA là Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Thay vì phải đàm phán với nhiều quốc gia thành viên với phạm vi rộng lớn, bao trùm lên nhiều đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của Hiệp định CPTPP, Việt Nam chỉ phải đàm phán với EU (bao gồm 27 quốc gia thành viên). Vì vậy, mục tiêu, phạm vi và nhóm đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hiệp định EVFTA có nhiều điểm khác biệt so với Hiệp định CPTPP.

Các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của Hiệp định TRIPS nhưng lần đầu tiên có quy định về quy định về cơ chế đền bù bằng cách gia hạn thời hạn bảo hộ cho chủ sở hữu độc quyền sáng chế nếu bị chậm trễ một cách bất hợp lý trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm. Cam kết về việc công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý là đối tượng sở hữu trí tuệ mà EU đặc biệt quan tâm bởi Liên minh này có nhiều sản phẩm được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý.

Cam kết về chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định EVFTA chỉ áp dụng đối với 4 nhóm sản phẩm với 169 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với mức độ cao, cụ thể: (i) Rượu vang; (ii) Đồ uống có cồn; (iii) Nông sản; (iv) Thực phẩm. Mặc dù không đề cập trực tiếp nhưng Hiệp định EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, độc lập với nhãn hiệu thông qua cam kết về quy trình công nhận chỉ dẫn địa lý. 

Trên thực tế, FTAs thế hệ mới thường thông qua việc nâng cao tiêu chuẩn thực thi của cơ quan hành pháp về sở hữu trí tuệ để quy định các loại quyền sở hữu trí tuệ mới, tiến tới việc hạn chế hoặc dần loại bỏ các điều khoản mang tính linh hoạt, thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn so với Hiệp định TRIPS[12]. Hơn nữa, việc FTAs được dẫn dắt bởi các quốc gia có vị thế lớn trong nền kinh tế toàn cầu nên các quốc gia đang phát triển phần nào phải nhượng bộ để đổi lấy lợi ích cũng như thích ứng linh hoạt với những tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với quy định của Hiệp định TRIPS. Như vậy, thay vì thực hiện các nghĩa vụ bảo hộ theo Hiệp định TRIPS, các quốc gia thành viên FTAs thế hệ mới buộc phải tuân theo các cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ cao hơn, sâu hơn và chặt chẽ hơn các cam kết mà trước kia họ chấp thuận để đổi lại sự gắn kết trong thị trường thương mại tự do với các quốc gia phát triển.

4. Kết luận

Để đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi các quốc gia đang phát triển như Việt Nam phải nỗ lực nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết trong các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP. Mặc dù các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ được xây dựng dựa trên nền tảng của Hiệp định TRIPS nhưng Hiệp định CPTPP đã ấn định tiêu chuẩn và phạm vi bảo hộ ở một mức cao hơn so với trước kia rất nhiều. Nhóm đối tượng được bảo hộ cũng được mở rộng bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hộ ngày càng phong phú. Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định CPTPP cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam khi những chế tài được áp dụng để xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng tăng nặng với những biện pháp như: hành chính, dân sự, và hình sự.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Lê Mai Thanh, “Bàn về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ”, Viện Nhà nước và Pháp luật, Số 3/2005, trang 33 - 35, 66.

[2] Kamil Idris, Intellectual Property - A Power Tool for Economic Growth, WIPO, 2003.

[3] Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1886 (Công ước Berne 1886).

[4] Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1983 (Công ước Paris 1983).

[5] Công ước Stockholm 1967.

[6] Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).

[7] Lê Mai Thanh, “Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 2014, Số 4.

[8] Điều 7, Hiệp định TRIPs.

[9] Timothy P Trainer, Intellectual Property Enforcement: A Reality Gap (Insufficient Asistance, Ineffective Implementation)? [J], The John Marshall Review of Intellectual Property Law 01 (2008) 72.

[10],[11] Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, “Chuyển hướng trong bảo hộ quốc tế đối với quyền sở hữu trí tuệ”, 2015 Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 31, Số 1, tr. 50-61.

[12] Bryan Mercurio, TRIPs-Plus Provisions in FTAs: Recent Trends [M]// Lorand Bartels, Federico Ortino, Regional Trade Agreements and the WTO Legal System, London: Oxford University Press (2006) 216.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1983.
  2. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
  3. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, và 2022)
  4. Copyright law of the United States, tại: https://www.copyright.gov/title17/title17.pdf

 New-generation Free Trade Agreements' requirements for intellectual property rights protection

Master. Nguyen Khac Chinh

University of Law – Vietnam National University – Hanoi

Abstract:

New-generation Free Trade Agreements (FTAs) set new standards of protection and require higher commitments than current standards on intellectual property rights. As a member of FTAs, it is essential for Vietnam to quickly identify, evaluate, and improve regulations on intellectual property rights. This paper presents an overview of intellectual property rights protection, and the goals of countries' intellectual property rights protection. The paper also points out FTAs’ requirements for intellectual property rights protection.

Keywords: intellectual property, the Law on Intellectual Property, new-generation Free Trade Agreement.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương