Đẩy mạnh xuất khẩu, Đạm Cà Mau (DCM) chiếm 18% tổng lượng phân bón xuất khẩu cả nước

Với chiến lược linh hoạt khai thác thị trường xuất khẩu, lượng xuất khẩu phân bón của Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) đã chiếm 18% tổng lượng xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay.
Đạm Cà Mau
Lượng xuất khẩu của Đạm Cà Mau chiếm khoảng 18% tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa cho biết, trong tháng 7/2024 sản lượng sản xuất ure đạt 86.150 tấn, tăng nhẹ 2% so với tháng 6/2024. Sản lượng NPK cũng tăng nhẹ 1,3%, đạt 12.790 tấn.

Đạm Cà Mau đã tiêu thụ được 42.420 tấn ure, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 23.130 tấn, giảm 46% so với tháng trước; ngược lại, xuất khẩu đạt 19.290 tấn, tăng tới 31% so với tháng 6/2024.

Đối với phân bón NPK, sản lượng tiêu thụ trong tháng 7/2024 giảm 92%, còn 2.970 tấn. Phân bón tự doanh cũng giảm 57% so với tháng 6/2024, còn 23.110 tấn.

Đạm Cà Mau
Kết quả sản xuất kinh doanh của Đạm Cà Mau trong tháng 7/2024. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Đạm Cà Mau sản xuất được 588.950 tấn ure và 111.280 tấn NPK, lần lượt hoàn thành 66% và 61% kế hoạch năm. Doanh nghiệp tiêu thụ được 302.100 tấn ure trên thị trường nội địa và xuất khẩu được 193.530 tấn, lần lượt hoàn thành 57% và 86% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, cả nước xuất khẩu được 1,03 triệu tấn phân bón trong 7 tháng đầu năm nay. Như vậy, Đạm Cà Mau đã chiếm khoảng 18% tổng lượng phân bón xuất khẩu cả nước.

Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Đạm Cà Mau cho biết đang thực hiện linh hoạt chiến lược kinh doanh, tiếp tục ưu tiên phục vụ thị trường nội địa nhưng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khi trong nước vào mùa thấp điểm. Với lợi thế hiện hữu tại hơn 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, công ty đang tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống và mở rộng thâm nhập sang các thị trường mới.

Giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đạm Cà Mau (DCM) linh hoạt tăng cường xuất khẩu, khai thác loạt thị trường mới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cụ thể, Đạm Cà Mau đang duy trì thị phần cao tại thị trường truyền thống Campuchia (hơn 60%), Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Brazil … Trong khi đó, các dòng sản phẩm phân bón công nghệ cao phù hợp xu hướng xanh như OM CAMAU, DAP CAMAU, các dòng NPK CÀ MAU… xâm nhập, đáp ứng tốt yêu cầu các thị trường mới như Pháp, Peru, Mexico, Hoa Kỳ…

Cuối tháng 5 vừa qua, Đạm Cà Mau đã làm việc với Ameropa AG (Thuỵ Sĩ) - công ty hàng đầu thế giới về kinh doanh phân bón và một số đầu mối phân phối, kinh doanh phân bón lớn hàng đầu tại Lào, Thái Lan… nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Về kế hoạch kinh doanh tháng 8/2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản xuất 40.860 tấn ure, giảm 52% so với mức thực hiện của tháng 7/2024. Nguyên nhân chủ yếu do công ty thực hiện bảo dưỡng nhà máy từ ngày 16/8 - 1/9. Sản lượng sản xuất NPK cũng dự kiến giảm 37%, còn 8.000 tấn.

Đạm Cà Mau dự kiến sẽ tiêu thụ 70.000 tấn ure trong tháng 8/2024, tương ứng tăng 65% so với tháng 7/2024; trong đó, xuất khẩu đạt 15.000 tấn. Lượng tiêu thụ NPK đạt 20.000 tấn, cao gấp 6,7 lần so với tháng 7/2024.

Luỹ kế nửa đầu năm nay, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt 6.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 919 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 69% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 115% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Duy Quang