Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đồng chủ trì họp trực tuyến về việc tăng giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển và rà soát các khó khăn, vướng mắc trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như: Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam; các Hiệp hội ngành hàng: rau, quả, hồ tiêu, chè, thủy sản gỗ, thép, nhôm, nhựa, dệt may…
Song song đó, có 10 hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, gồm: CMA-CGM, Evergreen, OOCL, COSCO (thuộc Liên minh Ocean), Hapag - Lloyd, ONE, Yang Ming, Huyndai Merchant Marine (thuộc Liên minh T.H.E) và MSC, Maersk (thuộc Liên minh 2M).
Chỉ riêng số lượng và thành phần đại biểu cũng cho thấy tính chất quan trọng của cuộc họp.
Trên thực tế, cuộc họp được tổ chức xuất phát từ tình trạng tăng giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển (đặc biệt là tuyến vận tải đi Châu Âu, Châu Mỹ) và thiếu vỏ container rỗng tại các cảng.
Tại cuộc họp, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Xuất nhập khẩu đồng chủ trì buổi họp trực tuyến đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các hãng tàu nước ngoài vận chuyển hàng hóa container đi tuyến Châu Âu và Mỹ nhằm minh bạch thông tin giữa các bên, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến giá cước tăng.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì hoạt động vận tải biển, cảng biển, xuất nhập khẩu Việt Nam thông suốt với mức giá tối ưu nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, không để tình trạng hàng hóa vận tải bằng đường biển bị ách tắc, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Chủ tịch các Hiệp hội hồ tiêu, Hiệp hội rau quả, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội nhựa… đã có ý kiến phản ánh về tình trạng thiếu container rỗng và giá cước tăng cao của các hãng tàu, cũng như hiện tượng hủy chuyến, lên tàu mới báo giá; chính sách giá cước liên tục thay đổi; việc khách hàng khó đặt chỗ trực tiếp với hãng tàu mà phải thông qua các forwarder…
Đặc biệt, cơ chế tính phụ phí của các hãng tàu hiện chưa rõ ràng, với nhiều loại phụ phí phát sinh gây bức xúc và khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phản hồi lại các thông tin trên, các hãng tàu cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu như hiện nay khiến cho các hãng cũng gặp rất nhiều khó khăn và đang cố gắng đảm bảo cho sự ổn định của chuỗi cung ứng hàng hóa.
Điều đáng lưu tâm là, một số hãng tàu như: CMA-CGM, Evergreen, COSCO… đều khẳng định, không thiếu vỏ container rỗng; các phụ phí được niêm yết công khai trên website. Việc chênh lệch giữa giá cước niêm yết và giá cước thực tế, do yếu tố cung cầu và tùy thuộc sự thương lượng giữa chủ hàng và forwarder. Do đó, các hãng không can thiệp vào việc thỏa thuận này.
Để giải quyết tình trạng bất cập trên, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi Luật quy định các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, phải thực hiện kê khai giá thay vì chỉ quy định niêm yết giá như hiện nay.
Một số đại diện khác cũng đề xuất, cần rà soát lại toàn bộ hiện trạng giá cước tại khu vực phía Nam và sớm có sự điều chỉnh để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị, các hãng tàu có chính sách rõ ràng; cầu thị, hợp tác để giải quyết tình trạng tăng giá cước ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, cơ chế đối thoại này sẽ tiếp tục được duy trì nhiều lần trong năm để các bên có thể trao đổi, hiểu nhau và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn. Cục Xuất nhập khẩu sẽ làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với các doanh nghiệp dịch vụ vận tải không tàu.