Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong phát triển sản xuất rau an toàn tại địa bàn Hà Nội

ThS. NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN (Trường Đại học Lâm nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích các kết quả, thực trạng sử dụng các yếu tố nguồn lực trong sản xuất rau an toàn (RAT) tại Hà Nội. Tác giả chỉ rõ những khó khăn, tồn tại trong hoạt động sản xuất RAT Hà Nội và phân tích các nguyên nhân của chúng. Những khó khăn đó là: Mối quan hệ hợp tác giữa người sản xuất với các tác nhân trong chuỗi còn lỏng lẻo, người nông dân vẫn loay hoay tìm đầu ra cho RAT và chật vật giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm, cơ chế chính sách cho sản xuất và tiêu thụ RAT còn nhiều khúc mắc, việc thực hiện các cam kết về đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm bị vi phạm… Cuối cùng, tác giả đã đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn trên nhằm xây dựng một nền sản xuất RAT bền vững và hiệu quả cao.

Từ khóa: Chuỗi cung ứng, Hà Nội, rau an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm.

I. Giới thiệu

Hà Nội là vựa rau lớn của cả nước xét về quy mô, sản lượng và trình độ. Tuy nhiên vựa rau ấy cũng chỉ cung cấp được 60% nhu cầu rau của người dân thủ đô, còn về chất lượng khó có thể nói rằng 100% RAT đảm bảo đầy đủ các cam kết về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Người nông dân vẫn sản xuất, trung gian và vẫn kinh doanh; còn người tiêu dùng vẫn sử dụng nhưng thị trường hỗn loạn, người tiêu dùng mất niềm tin, phân phối giá trị gia tăng (GTGT) không hài hòa khiến hoạt động sản xuất bị bóp méo, chất lượng giảm sút… Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm phát triển một nền sản xuất RAT hiệu quả và bền vững là thực sự cấp thiết. Việc xuất phát từ những khó khăn tồn tại mà sản xuất RAT tại Hà Nội đang phải đối đầu sẽ là cách tiếp cận đúng đắn và có ý nghĩa.

II. Phương pháp nghiên cứu

1. Thu thập dữ liệu

Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phát phiếu điều tra các hộ sản xuất, các tác nhân kinh doanh và người tiêu dùng RAT; phát phiếu phỏng vấn và xin tư vấn của các chuyên gia, các cán bộ quản lý ở các sở ban ngành liên quan tới ngành hàng này.

Dữ liệu thứ cấp được thu thập và phân tích bao gồm: Báo cáo dự án, công trình nghiên cứu, luận ăn thạc sỹ, luận án tiến sỹ, các bài báo khoa học có uy tín và chất lượng tốt…

2. Phân tích dữ liệu

Phân tích chuỗi được sử dụng nhằm tìm hiểu vai trò, quá trình vận hành, tương tác giữa người sản xuất RAT với các tác nhân khác và các hệ thống chính sách tác động đến nó. Đồng thời phân tích kinh tế chuỗi (chi phí - lợi nhuận, GTGT) nhằm cụ thể hóa GTGT, thu nhập thuần của từng tác nhân trong chuỗi và cho toàn chuỗi.

Phương pháp thống kê kinh tế: Thống kê mô tả (phân tích những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động sản xuất RAT Hà Nội), Thống kê so sánh (so sánh sự biến động diện tích, năng suất, sản lượng rau quả qua các năm; so sánh giá trị sản xuất, chi phí sản xuất, lợi nhuận; so sánh giữa lợi ích thu được và chi phí bỏ ra giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng RAT).

III. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả sản xuất rau an toàn Hà Nội

Thành phố Hà Nội có tổng diện tích gieo trồng rau gần 29.000 ha/năm, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với trên 40 loại. Sản lượng rau đạt trên 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô (nhu cầu rau xanh khoảng 1.000.000 tấn/năm), còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác, như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình,...

Tại địa bàn Hà Nội hiện nay, sản xuất RAT đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết triệt để. Giai đoạn từ năm 2013-2016, DTRAT/ DT rau có tăng, song không vượt quá 50%; DTRAT đã được chứng nhận/ DTRAT tăng đáng kể (nhưng không vượt quá 43%); DT rau VietGAP/DTRAT (không quá 2%) hay rau hữu cơ (không quá 0,5%). Đây là những kết quả không mấy khả quan, thể hiện năng lực và thực chất của ngành hàng RAT còn rất hạn chế, yếu kém.

3.2. Những tồn tại trong hoạt động sản xuất rau an toàn tại Hà Nội

3.2.1. Người nông dân vẫn loay hoay tìm đầu ra cho rau an toàn và chật vật giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm

Hiện nay tại Hà Nội có tới 92% RAT không có tem, nhãn giúp nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thực tế này ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng và công tác quản lý sản xuất và tiêu thụ RAT trên thị trường.

Theo kênh khảo sát khác, chỉ có 30% sản phẩm được các công ty, các chuỗi cửa hàng RAT kí kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với 80% số lượng RAT, còn lại người nông dân phải tự bơi trên thị trường, chật vật tìm lối thoát cho sản phẩm của mình.

Các hợp tác xã, các nhóm sản xuất chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên là do chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn khi lập dự án chỉ chú trọng đến việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật sản xuất với hàng chục, hàng trăm tỷ đồng…, nhưng lại bỏ qua công đoạn quan trọng nhất là nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, tìm đầu ra cho sản phẩm. Người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ và nghiêm túc về RAT, các tác nhân kinh doanh cũng chưa thể hiện rõ mong muốn và sự tin cậy để sản phẩm RAT đến được với người tiêu dùng. Cần phải có chiến lược tuyên truyền hiệu quả ngay từ khi bắt tay thực hiện dự án, để làm sao người tiêu dùng biết và tìm đến sản phẩm của mình, chứ chỉ lo sản xuất thì rất khó đạt kết quả cao.

3.2.2. Mối quan hệ hợp tác giữa người sản xuất với các tác nhân trong chuỗi còn lỏng lẻo

Mối liên kết ngang chưa được hình thành một cách rõ nét. Đa phần các nhóm, hộ ít có sự liên hệ và phối hợp trong việc sử dụng các phương thức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, canh tác nông nghiệp luôn cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ để chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh. Chúng ta vẫn thấy đâu đó hình ảnh hộ này phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khi hộ bên kia đang thu hoạch, hoặc sử dụng xong thì vứt hết chai, vỏ thuốc ở bờ ruộng… Trong hoạt động tiêu thụ, một số hộ tranh giành khách hàng, tung tin thất thiệt khiến các hộ khác bị thiệt hại… Các hộ sản xuất thiếu sự gắn kết bền chặt với nhau khiến cho tư thương lợi dụng và ép giá, sau tất cả người sản xuất sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Mối liên kết dọc trong chuỗi RAT Hà Nội giữa hộ sản xuất với các thương lái còn rất lỏng lẻo, sự phân bổ GTGT không hợp lý, cấu trúc chuỗi chưa vững chắc. Các hoạt động giao dịch chủ yếu được thực hiện bởi các cam kết miệng hay hợp đồng ngắn hạn ít có các điều khoản chia sẻ rủi ro. Nhiều trường hợp, nông dân có thể bán cho các thương lái khác nhau trong các kỳ thu hoạch khác nhau. Điều này làm cho dòng luân chuyển vật chất chưa ổn định và quá trình vận hành chuỗi ở khâu đầu tiên đã thiếu nhịp nhàng.

Mối liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng cũng không được gắn kết bởi RAT được phân phối qua nhiều tác nhân trung gian khiến thông tin, yêu cầu của khách hàng không tới được người sản xuất và cũng từ đó mà người sản xuất không có cơ hội giải quyết, thanh minh khi sản phẩm của mình bị rắc rối.

Một lý do khác khiến người sản xuất chưa thực sự gắn kết được với các tác nhân bởi việc phân chia GTGT trong chuỗi cung ứng RAT còn thiếu công bằng. Dựa vào kết quả nghiên cứu đại diện cụ thể cho cà chua an toàn tại Đông Anh - Hà Nội (bảng 2), cho thấy:

Chỉ có kênh 1 là người tiêu dùng hưởng 100% GTGT vì họ cung ứng trực tiếp sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng. Còn lại kênh 2, 3, 4 phần GTGT ít nhất vẫn thuộc về người sản xuất trong khi họ là đối tượng lao động vất vả, phải đương đầu với nhiều nhất các rủi ro. Điều này khiến cho người nông dân thực sự gặp quá nhiều áp lực, nhiều người không vượt qua nổi sự cám dỗ của lợi nhuận đã chấp nhận thiếu trung thực với người tiêu dùng. Sự chênh lệch quá lớn giữa giá tiêu dùng cuối cùng và thu nhập của người nông dân cũng là nguyên nhân sâu xa khiến cho hoạt động sản xuất bị bóp méo, chuỗi thiếu bền vững…

Tóm lại, các liên kết ngang, dọc từ người sản xuất đúng nghĩa chưa hình thành; do đó, quá trình vận hành chuỗi RAT khó bảo đảm được về chất lượng, VSATTP và ổn định giá.

3.2.3. Cơ chế chính sách cho sản xuất và tiêu thụ RAT còn nhiều khúc mắc

Các chính sách hỗ trợ của nhà nước như tư vấn, chuyển giao khoa học, công nghệ, công tác khuyến nông đã được thực hiện song còn nặng về tính hình thức, chưa làm nổi bật vai trò của các tổ chức khuyến nông ở địa phương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho các tác nhân và cộng đồng về RAT còn rất hạn chế.

Các chính sách liên quan đến quy hoạch vùng sản xuất, kết nối với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Chính sách quản lý thị trường về chất lượng, giá cả, VSATTP, thương hiệu… bị chồng chéo, thiếu liên thông giữa các ban ngành cộng với thể chế, chế tài xử lý còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với các vi phạm. Đó là nguyên nhân khiến cho thị trường bị hỗn loạn về chất lượng, giá cả, VSATTP… Người tiêu dùng mất dần niềm tin vào sản phẩm, khiến cho việc xây dựng và phát triển chuỗi chân chính gặp nhiều trở ngại.

Chính sách quảng bá, phát triển thương hiệu còn chưa được đầu tư và quan tâm thích đáng. Trong tổng số hàng ngàn sản phẩm rau quả trên thị trường, chỉ số một số rất ít có được thương hiệu và khẳng định được thương hiệu qua thời gian. Nguyên nhân là do các tác nhân trong chuỗi còn chưa nhận thức và ý thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu, cũng chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể xây dựng và phát triển thương hiệu thành công. Muốn làm được điều đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc hỗ trợ các chính sách tiêu thụ, quảng bá, marketing, thương hiệu cả trong và ngoài nước.

Cơ chế điều tiết thị trường còn yếu cộng với tổ chức hệ thống phân phối RAT còn nhiều bất cập khiến cho rau không đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, VSATTP vẫn ngang nhiên lưu hành trên thị trường.

3.2.4. Việc thực hiện các cam kết về đảm bảo chất lượng và VSATTP bị vi phạm

Thứ nhất, người sản xuất còn lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất.

Với thuốc BVTV có tác động hai chiều tới sản phẩm và giá trị của sản phẩm. Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (2016), trong 25 mẫu rau tại các huyện của Hà Nội, có tới 24% mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV; trong đó 1,4% có hoạt chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép. Việc lạm dụng thuốc BVTV có thể làm tổn hại trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng và cả người tham gia cung ứng trong chuỗi.

Người sản xuất sử dụng thuốc BVTV giúp năng suất cao hơn, nhanh thu hoạch hơn, thu GTGT cao hơn. Người kinh doanh cũng sử dụng các loại chất bảo quản giúp giữ cho rau tươi lâu hơn, đẹp mắt hơn…Những hành vi lạm dụng này khiến cho chất lượng RAT, niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng bị tổn hại.

Thứ hai, việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ sản xuất còn hạn chế.

Một số hộ sản xuất ở Hà Nội chưa đáp ứng đầy đủ và triệt để các tiêu chuẩn kĩ thuật trong sản xuất như GAP, GLOBGAP,… khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, điều đó tác động không nhỏ tới giá bán và GTGT. Hiện nay, ở Hà Nội diện tích RAT được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP hay GLOBGAP còn rất ít ỏi (không quá 2% tổng diện tích canh tác RAT), tỷ lệ rau được chứng nhận là RAT không quá 50% tổng diện tích trồng RAT. Thực tế này khiến người tiêu dùng không có cơ hội được sử dụng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, người sản xuất thu được ít lợi nhuận vì phải cạnh tranh nhiều hơn, sản phẩm mất dần chỗ đứng trên thị trường khi nhu cầu của xã hội có nhiều thay đổi….

Công nghệ trong sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, khâu thu hái thủ công, thói quen quăng ném; phương tiện thu hái lạc hậu, thô sơ; công nghệ bảo quản lạc hậu, thiếu thốn dây chuyền lạnh và hiện đại… khiến tỷ lệ tổn thất lớn. Theo thống kê của Viện Kinh tế nông nghiệp, hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản đã qua 3 - 4 thế hệ; 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; chỉ 1- 5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế. Ngoài ra, việc kết nối giữa các khu vực sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn thể hiện nhiều yếu kém khiến cho chuỗi khó thu được kết quả tốt.

Thứ ba, vấn đề kiến thức và nhận thức của người sản xuất còn rất nhiều hạn chế khiến việc thực thi năng suất, chất lượng và VSATTP mắc nhiều sai lầm.

Người nông dân thiếu các kiến thức về quản lý rau quả sau thu hoạch, chất lượng hạt giống, thị trường, kinh doanh, xây dựng thương hiệu…

Tư tưởng sản xuất và tham gia chuỗi của một bộ phận người nông dân còn ấu trĩ, manh mún. Mong muốn thu được lợi ích một cách nhanh chóng mà bỏ qua các giá trị của người tiêu dùng, của xã hội bằng việc sử dụng các giống giá rẻ thiếu bền vững, lạm dụng quá mức thuốc BVTV,… khiến cho RAT có chất lượng kém, gây tâm lý lo sợ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng.

IV. Kết luận và đề xuất giải pháp

Nghiên cứu tập trung phân tích những tồn tại trong hoạt động sản xuất RAT tại địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở các tài liệu thu thập cùng với các phân tích có đầy đủ luận cứ khoa học, tác giả cũng đã đánh giá được tình hình thực hiện GTGT ở các khâu, mối quan hệ của người sản xuất với các tác nhân trung gian và với người tiêu dùng, làm rõ những tồn tại trong sản xuất RAT Hà Nội. Từ đó, tác giả đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc này và giúp người sản xuất hướng đến hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao, an toàn và bền vững.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, các giải pháp đề xuất sẽ hướng vào các nội dung cơ bản sau:

- Để RAT phát triển bền vững, ổn định đầu ra và thu nhập cho người nông dân, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời cần sớm có cơ chế trợ giá để đưa giá RAT tương xứng với giá trị thực của nó. Như vậy, cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng mới có thể yên tâm bán và sử dụng RAT.

- Nhà nước, các ban ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm quy hoạch các vùng sản xuất RAT chuyên canh. Phát triển sản xuất RAT theo quy mô trang trại hoặc mô hình HTX, từ đó mới thực hiện tốt được các mối liên kết ngang trong chuỗi cung ứng.

- Nhà nước cũng cần thể chế hóa các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm RAT từ người sản xuất tới người thu gom, người bán buôn, người bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng; thậm chí các cơ quan chức năng có thể hình sự hóa các vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, tiêu thụ và đảm bảo VSATTP gây tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng. Có như vậy, thị trường mới trở nên trong sạch, ổn định và tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất.

- Tiếp tục xây dựng thương hiệu RAT bằng cách tăng cường hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và được chứng nhận bởi các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Tích cực đẩy nhanh hoạt động dán tem, nhãn và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đảm bảo các yêu cầu về quy cách, chất lượng, VSATTP..., giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn, từ đó mới xây dựng lại được niềm tin cho người tiêu dùng và sản xuất thu hiệu quả cao.

- Tăng cường công tác định hướng, tuyên truyền, giáo dục và vận động tất cả các tác nhân trong chuỗi cung ứng RAT, chuỗi bền vững chỉ khi nào chuỗi có niềm tin. Người tiêu dùng tin người kinh doanh, người kinh doanh tin người sản xuất và ngược lại. Có như vậy, các tác nhân cùng có lợi và hướng tới việc cung ứng một cách bền vững.

- Tăng cường vai trò của các hiệp hội, liên nhóm giúp bảo vệ, hỗ trợ người sản xuất trong việc cung cấp thông tin, tham mưu cho Nhà nước ra chính sách, giúp người sản xuất giải đáp thỏa đáng các yêu cầu và ý kiến của người tiêu dùng... và cuối cùng là giúp người nông dân tìm lại được phần lợi ích chính đáng mà họ phải được hưởng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Axis Research (2006), “Chuỗi giá trị rau an toàn thành phố Hồ Chí Minh”.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2012), Quyết định số 824/QĐ-BNN, “Đề án phát triển ngành Trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Hà Nội.

3. Moustier, Nguyễn Thị Tân Lộc (2003), Tổ chức và quản lý chất lượng rau ở kênh cung cấp cho Hà Nội. Dự án vùng AVRDC/SUSPER. Hà Nội.

4. Hồ Thanh Sơn, Đào Thế Anh (2006), “Phân tích ngành hàng rau an toàn tại TP. Hà Nội”.

5. Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (2004), Báo cáo tổng quan các nghiên cứu về ngành Rau quả Việt Nam.

PROPOSING SOLUTIONS TO DEAL WITH EXISTING PROBLEMS

IN DEVELOPING SAFE VEGETABLES PRODUCTION IN HANOI

MA. NGUYEN THI THANH HUYEN

Vietnam Forestry University

ABSTRACT:

This paper focuses on analyses results and existing situation using resource factors in producing safe vegetable (SV) in Hanoi. The author clearly explains the causes and the effects of the situatuation. The difficulties are: loose relationships in the chain, farmers confusing in finding output for fresh vegetable, consumers finding it extremely hard to recognize productions, un clear policies for producing and consuming fresh vegetable, food hygiene andsafety being not implemented thoroughly, etc. Finally, the author proposes solutions to deal with the difficulties and to construct a sustainable and efficient fresh vegetable production.

Keywords: Existing condition, Hanoi, safe food, safe vegetables, supply chain.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây