TÓM TẮT:
Trong xu thế hội nhập của thế giới hiện đại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hệ thống thông tin kế toán quản trị (HTTT KTQT) đã và đang trở thành một công cụ quản lý không thể thiếu giúp các nhà quản trị có thể nhanh chóng đưa ra được các quyết định chính xác và kịp thời, đạt được mục tiêu kinh doanh như mong đợi. Bằng việc tổng quan những công trình nghiên cứu trong nước và trên thế giới, tác giả tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến HTTT KTQT ở các khía cạnh, như: thiết kế và xây dựng hệ thống, thực hiện hệ thống, sự phù hợp của hệ thống, chất lượng hệ thống,... Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức HTTT KTQT trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Với kết quả là mô hình nghiên cứu đạt được, bài viết đưa ra một số gợi ý định hướng góp phần tăng cường tổ chức HTTT KTQT tại các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.
Từ khóa: Hệ thống thông tin, kế toán quản trị, các nhân tố ảnh hưởng, doanh nghiệp.
1. Giới thiệu
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc, toàn diện đang diễn ra trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với rất nhiều những thách thức, trong đó sự cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới là vô cùng khốc liệt. Để có thể vượt qua các thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực cải tiến mọi mặt của hoạt động kinh doanh, trong đó việc hoàn thiện tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị để giúp các nhà quản trị trong doanh nghiệp có thể ra được các quyết định một cách nhanh chóng và chính xác là một yêu cầu cấp thiết.
Thực tế cho thấy, HTTT KTQT trong các doanh nghiệp ở Việt Nam còn yếu kém. Các chuẩn mực, quyết định, thông tư hướng dẫn về kế toán hiện nay chỉ tập trung vào mảng kế toán tài chính. KTQT vẫn tự thân các doanh nghiệp phải xây dựng. Qua khảo sát các ý kiến đánh giá cho thấy, các thông tin mà KTQT cung cấp cho các nhà quản trị chưa đầy đủ và phù hợp nên không đáp ứng được mọi nhu cầu thông tin từ phía nhà quản trị. Thời gian cung cấp thông tin còn chậm trễ khiến cho việc ra quyết định không kịp thời, bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh. Tính bảo mật thông tin vẫn bị xem nhẹ nên việc đảm bảo an toàn thông tin KTQT bị đe dọa. HTTT KTQT chưa được tích hợp cũng khiến cho những sai sót và trùng lắp giữa các bộ phận còn xảy ra rất nhiều.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng HTTT KTQT trong doanh nghiệp, bài viết tập trung phát hiện và đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức HTTT KTQT trong doanh nghiệp, để từ đó giúp các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp hữu hiệu, nhằm sắp xếp nguồn lực hợp lý phục vụ tốt hơn cho việc tổ chức hệ thống.
2. Tổng quan nghiên cứu
Khái niệm “tổ chức” được xem xét theo nhiều góc độ khác nhau. Theo tác giả Nguyễn Hoàng Dũng, “tổ chức” được tiếp cận trên hai góc độ là tổ chức với tính cách là thực thể và tổ chức với tính cách là hoạt động. Dưới góc độ là thực thể, các quan điểm đều thống nhất “tổ chức là một tập hợp của ít nhất hai cá nhân trở lên và đều hướng tới mục tiêu chung”. Dưới góc độ hoạt động, cụ thể là hoạt động quản lý doanh nghiệp, “tổ chức là quá trình sắp xếp và bố trí các công việc, giao quyền hạn và phân phối các nguồn lực của doanh nghiệp sao cho chúng đóng góp một cách tích cực và có hiệu quả vào mục tiêu chung của doanh nghiệp”. Như vậy, khái niệm “tổ chức” ở góc độ hoạt động không chỉ đơn thuần là các thực thể mà phải có sự bố trí, sắp xếp các thực thể đó theo trình tự cụ thể với mục đích đạt được mục tiêu chung nào đó. Tác giả đồng thuận với cách tiếp cận này và đưa ra khái niệm tổ chức HTTT KTQT dưới góc độ hoạt động như sau: “Tổ chức HTTT KTQT là việc bố trí, sắp xếp, kết hợp các thành phần cấu thành nên HTTT KTQT gồm con người, thủ tục và sự hướng dẫn, dữ liệu, công nghệ thông tin, kiểm soát nội bộ nhằm thực hiện mục tiêu cung cấp thông tin chi phí hữu ích cho nhà quản trị trong doanh nghiệp”.
Khi xem xét các nhân tố ảnh hưởng HTTT KTQT, tác giả nhận thấy, phần lớn các nhà khoa học tập trung xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới hệ thống thông tin kế toán (HTTT KT) nói chung. Tác giả cho rằng, HTTT KTQT là một hệ thống con của HTTT KT nên các nhân tố ảnh hưởng đến HTTT KT cũng sẽ tác động đến HTTT KTQT. Đồng thời, bằng phương pháp định tính và định lượng, các nghiên cứu trước được xem xét và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới HTTT KT nói chung và KTQT nói riêng ở nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm: Tổ chức hệ thống; Sự phù hợp và hiệu quả của hệ thống; Thiết kế và xây dựng hệ thống; Chất lượng hệ thống; Thực hiện hệ thống. Tác giả sẽ tổng hợp tất cả các khía cạnh để có thể phát hiện ra các nhân tố mới ảnh hưởng tới tổ chức HTTT KTQT tại các doanh nghiệp.
Jong-Min Choe (1996) đã tiến hành một nghiên cứu nhằm xem xét mối quan hệ giữa những nhân tố ảnh hưởng và hiệu quả của HTTT KT. Các nhân tố đưa ra trong nghiên cứu này gồm có: Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao (Top management support), Trình độ công nghệ của nhân viên HTTT (Technical capability of IS personnel), Sự tham gia của người sử dụng (User involvement), Trình độ học vấn của người sử dụng (User training & education), Những cam kết trong điều hành (Steering committeess), Bố trí phòng HTTT (Location of IS department), Chuẩn hóa việc phát triển hệ thống (Formalization of system development), Quy mô doanh nghiệp (Organization size). Với tổng số 8 nhân tố được xây dựng, tác giả đã lựa chọn 100 trong 417 doanh nghiệp có hệ thống máy tính lớn tại Hàn Quốc để tiến hành khảo sát. Có 78 doanh nghiệp có phản hồi thông tin với số phiếu thu thập được là 450. Phân tích tương quan Pearson được tác giả sử dụng đã cho ra kết quả như sau: Các nhân tố sự tham gia của người sử dụng, trình độ công nghệ của nhân viên HTTT, quy mô doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao, chuẩn hóa việc phát triển hệ thống, trình độ học vấn của người sử dụng có ảnh hưởng thuận chiều với hiệu quả HTTT KT. Nhân tố những cam kết trong điều hành có ảnh hưởng ngược chiều với hiệu quả HTTT KT. Nhân tố bố trí phòng HTTT không ảnh hưởng tới hiệu quả HTTT KT.
Trong nghiên cứu của Noor Azizi Ismail và cộng sự (2007) đã đưa ra cách nhìn nhận về sự phù hợp của HTTT KT và gợi ý một số các nhân tố ảnh hưởng tới sự phù hợp của hệ thống này. Mô hình nhóm tác giả đưa ra bao gồm 6 nhân tố ảnh hưởng là sự phức tạp của CNTT (IT sophistication), kiến thức nhà quản trị (Manager knowledge), cam kết nhà quản trị (Manager commitment), sự tư vấn bên trong doanh nghiệp (Internal consultants), sự tư vấn bên ngoài doanh nghiệp (External consultants), quy mô doanh nghiệp (Firms size). Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra sự phù hợp của HTTT KT có liên quan tới mức độ phức tạp của CNTT, mức độ kiến thức của nhà quản trị về CNTT và kế toán, sử dụng sự tư vấn từ những cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp kế toán và nhân viên CNTT tại doanh nghiệp.
Sri Dewi Anggadini (2014) đã nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của nhân tố Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao (Top management support) và Kiểm soát nội bộ (Internal control) tới Chất lượng HTTT KT và tiếp tục tác động tới chất lượng thông tin kế toán. Ba chỉ tiêu được tác giả sử dụng để đánh giá chất lượng HTTT KT, là: Tính linh hoạt (Flexibility), Tính hiệu quả (Efficiency), Khả năng tiếp cận (Accessibility). Đối với chất lượng thông tin kế toán, tác giả sử dụng 4 tiêu chí, gồm: Tính chính xác (Accurate), Tính thích hợp (Relevant), Tính kịp thời (Timely), Tính đầy đủ (Complete). Sử dụng thông tin khảo sát tại 47 doanh nghiệp tại West Java Indonesia có ứng dụng HTTT KT, kết quả cho ra những con số có ý nghĩa khẳng định ảnh hưởng mạnh mẽ của 2 nhân tố tới chất lượng HTTT KT cũng như là chất lượng thông tin kế toán.
Orran Ahmad Mohammad Al-Ibbini (2017) đã có nghiên cứu khám phá các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng HTTT KT và hiệu quả được mong đợi. Sau khi tổng quan các nghiên cứu có liên quan, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng HTTT KT, bao gồm: Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao (Top management support), Sự tham gia của người sử dụng (User involvement), Trình độ học vấn của người sử dụng (User training & education), Sự cải tiến liên tục (Continuance improvement), Quản trị rủi ro (Risk management). Tác giả cũng đưa ra quan điểm của mình về các biến đo lường chất lượng HTTT KT và hiệu quả của hệ thống. Theo đó, có 7 biến quan sát cho chất lượng HTTT KT, bao gồm: Sự chính xác (Accuracy), Khả năng kiểm toán (Audit ability), Sự phù hợp (Reliability), Tính bảo mật (Security), Tính kịp thời (Timeliness), Tính linh hoạt (Flexibility) và Sự hài lòng của người sử dụng (User satisfaction).
Nguyễn Thành Hưng (2017) nghiên cứu về “Tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam” đã đưa ra mô hình với 5 nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức HTTT KTQT chi phí. 5 nhân tố đó là: (1) Tầm nhìn và cam kết của nhà quản trị; (2) Nguồn nhân lực kế toán; (3) Các phương tiện hỗ trợ; (4) Chất lượng dữ liệu đầu vào của hệ thống. Kết quả nghiên cứu của tác giả đã cho thấy nhân tố “Các phương tiện hỗ trợ” không có tác động đến tổ chức HTTT KTQT chi phí trong các doanh nghiệp Viễn thông.
Tô Hồng Thiên (2017) với chủ đề “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức hệ thống thông tin kế toán tại các trường đại học công lập ở Việt Nam” đã xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 7 nhân tố tác động đến tổ chức HTTT KT tại các trường đại học công lập ở Việt Nam, gồm có: (1) Nhân viên kế toán; (2) Nhà quản lý kế toán; (3) Công nghệ thông tin; (4) Môi trường làm việc; (5) Hệ thống văn bản pháp quy; (6) Chuyên gia tư vấn; (7) Ban giám hiệu. Sau khi chạy mô hình hồi quy, kết quả cho thấy chỉ có 4 nhân tố có tác động đáng kể đến đối tượng nghiên cứu, đó là: Nhà quản lý kế toán, hệ thống văn bản pháp quy, công nghệ thông tin và Ban giám hiệu.
3. Đề xuất mô hình nghiên cứu
3.1. Đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hương đến tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị trong doanh nghiệp
Tác giả sử dụng phương trình hồi quy đa biến để thể hiện mối quan hệ tương quan giữa các biến trong đề xuất mô hình của mình. Phương trình được thiết lập như sau:
AISi = α + β1MSi + β2MKi + β3EEi + β4AQi + β5ITi + ε
Trong đó: AIS là tổ chức HTTT KTQT; MS là sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao; MK là kiến thức nhà quản trị; EE là nhà tư vấn bên ngoài; AQ là trình độ nhân viên kế toán; IT là mức độ trang bị công nghệ thông tin; α là hằng số; β là hệ số biến giải thích và ε là phần dư
3.2. Đo lường các biến
Biến phụ thuộc: Tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị
Mục đích của tổ chức HTTT KTQT là bố trí, sắp xếp và liên kết các thành phần để tạo ra hệ thống có thể cung cấp những thông tin chất lượng phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị các cấp trong doanh nghiệp. Như vậy, căn cứ vào mục tiêu của tổ chức hệ thống là cung cấp thông tin chất lượng nên tác giả đề xuất các tiêu chuẩn chất lượng thông tin do hệ thống cung cấp sẽ là tiêu chuẩn để đo lường tổ chức HTTT KTQT. Do đó, những tiêu chí để đo lường tổ chức HTTT KTQT là Tính chính xác thông tin do hệ thống cung cấp (Accurate), Tính thích hợp của thông tin do hệ thống cung cấp (Relevant), Tính kịp thời của thông tin do hệ thống cung cấp (Timely), Tính đầy đủ của thông tin do hệ thống cung cấp (Complete).
Biến độc lập 1: Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao
Các nhà quản trị cấp cao là người thực hiện việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trong doanh nghiệp đồng thời bao quát chung toàn bộ các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp và tổ chức, phân công, chỉ đạo việc thực hiện cho từng bộ phận trong doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của nhà quản trị được hiểu như là sự tham gia của nhà quản trị vào hệ thống với chức năng là cung cấp những điều kiện cần thiết, bao gồm: (1) Các chính sách, sự hướng dẫn cho việc tổ chức HTTT KTQT, (2) Sự cam kết cung cấp nguồn lực con người, nguồn lực vật chất để đạt được mục tiêu của hệ thống. Các chính sách, sự hướng dẫn và cam kết sẽ tác động đến việc bố trí, sắp xếp các thành phần của hệ thống như thế nào. Các chính sách và sự hướng dẫn càng được thiết lập một cách thống nhất, chặt chẽ, rõ ràng và việc cung cấp nguồn lực con người, nguồn lực vật chất được thực hiện theo đúng cam kết sẽ giúp cho việc bố trí, sắp xếp các yếu tố của HTTT KTQT càng nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Biến độc lập 2: Kiến thức nhà quản trị
Kiến thức nhà quản trị là sự hiểu biết của nhà quản trị về các lĩnh vực kế toán và CNTT. Tổ chức HTTT KTQT nhằm cung cấp các thông tin hữu ích cho các nhà quản trị trong doanh nghiệp phục vụ cho việc ra các quyết định. Các nhà quản trị có kiến thức càng cao về KTQT và CNTT thì nhu cầu thông tin KTQT càng lớn; từ đó việc bố trí, sắp xếp nguồn lực như thế nào để đáp ứng các yêu cầu của nhà quản trị là điều cần phải quan tâm và giải quyết.
Biến độc lập 3: Nhà tư vấn bên ngoài
Các chuyên gia bên ngoài là những người có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kế toán cũng như hệ thống thông tin và có khả năng truyền đạt những thông tin cần thiết tới những người sử dụng hệ thống, có thể giải quyết các mâu thuẫn hay yêu cầu của doanh nghiệp trong một cách thức phù hợp. Các ý kiến chuyên môn được đóng góp từ các chuyên gia ở bên ngoài doanh nghiệp có trình độ và kinh nghiệm sẽ giúp bố trí, sắp xếp các yếu tố của hệ thống trong doanh nghiệp một cách hợp lý.
Biến độc lập 4: Trình độ nhân viên kế toán
Nhân viên kế toán là những người tham gia trực tiếp vào HTTT KTQT. Nhóm nhân viên kế toán có nhiệm vụ thu thập, ghi chép, xử lý các dữ liệu kế toán, phân tích nhằm cung cấp thông hữu hiệu cho người sử dụng. Đồng thời, nhóm người tham gia này cũng rất cần sự thông thạo về các phần mềm và hệ thống để có thể kịp thời phát hiện các sai sót về các dữ liệu của hệ thống. Trước tiên, trình độ nhân viên kế toán được thể hiện bằng mức độ hiểu biết về lý thuyết kế toán và có khả năng thực hành lý thuyết một cách thuần thục. Đồng thời, trình độ nhân viên kế toán còn được biểu hiện thông qua các kỹ năng mềm như khả năng sử dụng CNTT, khả năng tiếng Anh, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm,… Trình độ nhân viên kế toán càng cao thì việc tổ chức HTTT KTQT như bố trí nhân sự và phân công trách nhiệm công việc cho từng cá nhân sẽ dễ dàng và thuận lợi.
Biến độc lập 5: Mức độ trang bị CNTT
Khi tổ chức HTTT KTQT, cơ sở vật chất với hệ thống máy tính và các phần mềm xử lý thông tin là rất cần thiết. Bởi, trong các doanh nghiệp sản xuất, khối lượng dữ liệu mà KTQT phải tiến hành ghi chép, xử lý và chuyển thành thông tin hữu ích là rất lớn, nhu cầu thông tin lại cần phải được đáp ứng nhanh và kịp thời để giúp cho việc ra quyết định, quá trình xử lý thông tin rất cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp kỹ thuật phức tạp. Chính vì vậy, mức độ trang bị công nghệ thông tin là một nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức KTQT trong doanh nghiệp.
4. Kết luận
Sự mở cửa và giao lưu kinh tế đang là sự lựa chọn chính sách để phát triển đất nước. Các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải nỗ lực cải tiến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh để tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường trong nước cũng như khu vực và trên thế giới. Việc phát hiện và khám phá các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức HTTT KTQT là quan trọng và cấp thiết. Điều này giúp cho các doanh nghiệp nhận thức được các nguyên nhân tác động và cũng là những gợi ý về biện pháp để khắc phục những hạn chế và yếu kém trong tổ chức HTTT KTQT hiện đang còn là một thực trạng tại các doanh nghiệp ở Việt Nam ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Hoàng Dũng (2017), Hoàn thiện tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất xi măng Bắc miền Trung, Luận án tiến sỹ, Học viện Tài chính.
2. Tô Hồng Thiên (2017), “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức hệ thống thông tin kế toán tại các trường đại học công lập ở Việt Nam”, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Thành Hưng (2017), “Tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam”, Luận án tiến sỹ, Đại học Thương mại.
4. Noor Azizi Ismail và cộng sự (2007), “Factors influencing the alignment of accounting information systems in small and medium sized Malaysian manufacturing firms”, Journal of information Systems and Smaill Bussiness, 2007, volume 1, no.1-2, pp 1-20.
5. Jong-Min Choe (1996), “The relationships among performance of accounting information systems, influence factors, and evolution level of information systems”, Journal of Management information systems, Spring (1996), Vol.12, No.4, pp.215-239.
6. Sri Dewi Anggadini (2014), “The effect of top management support and internal control of the accounting information systems quality and its implications on the accounting information quality”, Proceedings of 2nd International Conference on Economics and Social Sceinces (ICESS-2014).
7. Orran Ahmad Mohammad Al-Ibbini (2017), “The critical success factors influencing the quality of accounting information systems and the expected performance”, International Journal of Economics and Finance, Vol. 9, No. 12, 2017.
PROPOSING A MODEL OF FACTORS AFFECTING THE
ORGANIZATION OF THE ACCOUNTING INFORMATION
SYSTEM IN ENTERPRISES
● MA. NGUYEN THI THU HUONG
Thuongmai University
ABSTRACT:
Under the process of the international integreation and the development of information technology, management accounting information system has become an indispensable management tool. Managers can quickly make timely and accurate decisions, achieve the desired business goals. By reviewing national and international studies, the authors combine the factors that affect management accounting information system in areas such as system design, construction, system implementation, system integration, system quality, etc. Based on that, the author proposes a model of factors influencing the organization of IPR in enterprises in Vietnam. As a result of the research model, the article provides some suggestions to strengthen the organization of management accounting information system at Vietnamese enterprises during the integration period.
Keywords: Information systems, management accounting, influencing factors, enterprises.