Dệt May Thành Công: Đầu tư chuyển đổi xanh giúp giảm tác hại môi trường

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) được biết đến là một trong số ít doanh nghiệp dệt may có quy trình sản xuất khép kín từ Sợi - Dệt/ Đan - Nhuộm - May.

Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển kinh doanh (R&BD), tăng cường tái chế, tái sử dung, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, Dệt May Thành Công (Thành Công) tạo ra những sản phẩm mới có giá trị cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng đồng thời giảm tối đa phát thải ra môi trường.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) được biết đến là một trong số ít doanh nghiệp dệt may có quy trình sản xuất khép kín từ Sợi - Dệt/ Đan - Nhuộm - May. Đây là lợi thế giúp Thành Công có thể hưởng các ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu cũng như các ưu đãi khác theo cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương & Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Công ty đã xuất khẩu đến trên 40 quốc gia trên thế giới, tỷ trọng xuất khẩu chiếm trên 90% tổng doanh thu dệt may của Thành Công

2 chiến lược giảm tối đa tác nhân gây hại môi trường

Thông tin từ Thành Công cho biết, từ tháng 01/2022 đến hết tháng 5/2024, doanh nghiệp ước tính đã giảm phát thải khoảng 4.812 tấn CO2 (tương đương 182 hecta rừng và 200.511 cây xanh), sử dụng công suất 3.163 MWH từ hệ thống điện năng lượng mặt trời. Đồng thời Công ty đã sử dụng vật liệu tái chế từ khoảng 24.714.000 chai nhựa để sản xuất ra khoảng 3.530.000 sản phẩm quần áo. Hơn thế, nhờ chú trọng các hoạt động R&BD và đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các sản phẩm thân thiện môi trường, những năm qua dòng sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế của Thành Công được đánh giá cao.

Cụ thể, giai đoạn 2020 -2023, sản phẩm và doanh thu từ sản phẩm tái chế, có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường của Công ty đạt được tăng đều qua các năm, đặc biệt là các mặt hàng sử dụng Recycle PE. Năm 2022 sản phẩm tái chế (recycle) chiếm 49% tổng doanh thu từ sản phẩm mới, năm 2023 con số này tiếp tục là 19%. Tổng doanh thu đối với sản phẩm tái chế trong 4 năm (từ năm 2020-2023) của Thành Công cũng rất ấn tượng, đạt 1.474.693 triệu sản phẩm cùng doanh thu là 10.456.236 USD.

Công ty cũng nhận được nhiều chứng chỉ xanh về sản phẩm và môi trường từ các tổ chức có uy tín như: chứng nhận về môi trường (EU ECOLABEL), Higg FEM, sản phẩm dệt may bền vững (Sustainable Apparel Coalition/ Higg Index), sản phẩm Organic Content Standard (OCS), Global Organic Textile Standard (GOTS), Global Recycled Standard (GRS),… Sản phẩm “xanh hóa” của Thành Công trong xưởng sản xuất được kiểm nghiệm các chất độc hại trong phòng thí nghiệm và được gắn nhãn Confidence in Textiles, thỏa mãn tiêu chuẩn OEKO-TEX 100…

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững “Xanh hóa”, hiện Dệt may Thành Công đang triển khai 2 chiến lược là Chiến lược sản phẩm và Chiến lược giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường.

Trong Chiến lược sản phẩm, để từng bước cụ thể hóa mục tiêu hành động ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên nguyên tắc 3R: Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế), doanh nghiệp chú trọng đầu tư và phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh doanh (R&BD), tập trung nghiên cứu các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường từ nguyên liệu tái chế (vỏ chai nhựa, quần áo cũ) nguyên liệu nguồn gốc sinh học (chế xuất từ mía, bắp, gỗ tự nhiên và rong biển,…) vật liệu có khả năng tự phân hủy cao...

Thành Công cũng cho biết đã giành nguồn lực đáng kể đầu tư nghiên cứu cải tiến quy trình mới, rút ngắn thời gian sản xuất, sử dụng hiệu quả nhiên liệu (điện, nước…) giảm tác động đến môi trường. Ngoài ra, để tránh lãng phí, giảm phát thải từ hoạt động SXKD, từ nguồn bông xơ phế Thành Công cho biết tiến hành chọn lọc lại, tận dụng để kéo sợi, đồng thời nghiên cứu sử dụng một loại bông chuyển đổi ADN tạo ra các màu sắc khác nhau mà không cần tẩy nhuộm…

Hệ thống điện năng lượng mặt trời của Thành Công
Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái của Dệt May Thành Công.

Với chiến lược giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường, Dệt May Thành Công đã tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời), dần thay thế nhiên liệu sinh khối Bio-mass thay cho than đá tại các xưởng sản xuất để giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời, Công ty cũng dần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại thay cho máy móc thiết bị cũ để tiết kiệm nhiên liệu cũng như liên tục thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến trong tất cả các khâu để tiết kiệm điện năng. Cụ thể, từ năm 2021 Công ty đã ứng dụng điện năng lượng mặt trời tại 2 nhà máy may ở Vĩnh Long. Hiện Công ty đang thực hiện triển khai dự án điện năng lượng mặt trời tại nhà máy Sợi - Tây Ninh (dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024). Bên cạnh đó, Công ty cũng đồng thời tái sử dụng nguồn nước trong sản xuất thông qua hệ thống lọc nước RO nhằm tiết kiệm nước và chi phí. Ước tính mỗi ngày Thành Công tái sử dụng khoảng 300 m3/ngày đêm tái phục vụ cho hoạt động sản xuất tại các nhà máy.

hệ thống lọc nước Thành Công
Tái sử dụng nguồn nước trong sản xuất thông qua hệ thống lọc nước RO giúp Dệt May Thành Công tiết kiệm nước và chi phí.

Bên cạnh đó, xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách quan, trọng hàng đầu trong xanh hóa sản xuất, nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, Thành Công luôn chủ động phân loại rác thải tại nguồn (gồm rác thải nguy hại, rác thải công nghiệp thông thường và rác thải sinh hoạt) để giảm thiểu và hạn chế tác nhân gây hại đến môi trường.

Trên nguyên tắc tăng cường tái chế tái sử dụng, giảm tối đa phát thải ra môi trường, các chất thải công nghiệp thông thường và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của Công ty (được phân loại là chất thải không nguy hại) được doanh nghiệp phân loại riêng biệt, kỹ lưỡng trước khi giao cho các bên chuyên xử lý chất thải. Ngoài ra, để hạn chế tối đa phát thải ra môi trường, Công ty luôn theo dõi và cập nhật tin tức từ các quy định về môi trường, từ đó có những giải pháp tuân thủ, đáp ứng các quy định.

Bên cạnh kết quả tích cực, cũng như hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong quá trình thực hiện Thành Công cho biết cũng gặp phải không ít khó khăn như: luôn phải tính toán giành nguồn vốn hợp lý để giải bài toán hóc búa giữa chi phí đầu tư cho hoạt động xanh hóa, phát triển bền vững và hài hòa cân đối dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Thành Công, việc đầu tư cho “xanh hóa” cần có lộ trình và nguồn nhân lực phù hợp mới có thể triển khai nhất quán, đồng bộ đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng và thông lệ quốc tế. Trong đó, nguồn hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ (bằng các chính sách khuyến khích ưu đãi cụ thể) là rất quan trọng. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần nghiên cứu để có những chính sách phù hợp như ưu đãi thuế, điều chỉnh, hỗ trợ lãi suất cho vay với các dự án và doanh nghiệp chuyển đổi xanh hóa.

Vinh Phan