Dệt may Thành Công (TCM) vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 7 tháng

Chỉ sau 7 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công (mã cổ phiếu TCM) đã hoàn thành vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm nay trong bối cảnh đơn hàng gia tăng đáng kể so với năm ngoái.
Dệt may Thành Công
Dệt may Thành Công ước tính lượng đơn hàng tính đến cuối tháng 7/2024 đã đạt 87% kế hoạch cả năm nay.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tình hình kinh doanh tháng 7/2024 với doanh thu đạt 427 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 30 tỷ đồng, lần lượt tăng 36% và 48% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về cơ cấu, doanh thu từ sản phẩm may chiếm tới 80,3% tổng doanh thu tháng 7/2024 của Dệt may Thành Công. Theo sau là doanh thu từ vải và từ sợi, lần lượt đóng chiếm 13,4% và 5,3% tổng doanh thu.

Về thị trường, trong tháng 7/2024, Dệt may Thành Công chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á với tỷ trọng 62%. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 35,98%; Nhật Bản chiếm 12,97%; và Trung Quốc chiếm 2,46%.

Theo sau là thị trường châu Mỹ với 37% (Mỹ chiếm 24,72%; Canada chiếm 11,44%) và châu Âu với trên 1%.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Dệt may Thành Công đạt khoảng 2.286 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 175 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 32% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu và 102% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Cập nhật về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết, tính đến hiện tại công ty đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 3/2024 và khoảng 82% kế hoạch cho đơn hàng quý 4/2024. Qua đó, ước tính đã đạt khoảng 87% kế hoạch đơn hàng của năm nay.

Giá cổ phiếu TCM Dệt may Thành Công
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đơn hàng dự kiến tiếp tục tăng nhưng doanh nghiệp dệt may khó cải thiện biên lợi nhuận" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong một diễn biến có liên quan, hiện nhiều tổ chức kỳ vọng doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung, Dệt may Thành Công nói riêng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ tình trạng nhiều nhãn hàng điều chuyển đơn hàng ra khỏi Bangladesh do các bất ổn chính trị kéo dài ở nước này.

Bangladesh là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, và cạnh tranh gay gắt với ngành dệt may Việt Nam.  Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), lượng đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh giảm từ 25 - 40% trong thời gian qua.

Bên cạnh yếu tố bất ổn chính trị, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Bangladesh còn giảm sút khi nhân thường xuyên đòi tăng lương, chi phí nhân công tăng lên đáng kể.

Dựa trên tình hình ngành dệt may trên thế giới, VITAS khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tận dụng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm mua sắm. Qua đó, kỳ vọng các doanh nghiệp có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu toàn ngành là 44 tỷ USD trong năm nay.

Duy Quang