Cái khó bó cái khôn.
Với tổng diện tích chưa đầy 10.000 m2, Giầy Ngọc Hà quả thật muốn làm một cuộc cách mạng về cơ sở vật chất, mở mang diện tích cũng không đơn giản. Nằm trọn trong khu dân cư, sự có mặt của một đơn vị sản xuất công nghiệp và những hệ luỵ của nó như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải... đã thực sự làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân quanh vùng. Quỹ đất lại quá ít ỏi khiến Ban Giám đốc thường xuyên phải đắn đo trước việc mua sắm, nâng cấp thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng. Ngoài ra, tình trạng ngày càng xuống cấp của nhà xưởng, lạc nhịp với xu thế hiện đại hoá, kiên cố hoá của các cơ sở sản xuất khác đã khiến việc giao dịch, buôn bán với các bạn hàng của Công ty ít nhiều bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể mỗi khi trời mưa, toàn bộ khuôn viên Giầy Ngọc Hà ngập chìm trong nước sâu đến 60- 70cm, cán bộ công nhân tất cả đều phải lội trong nước, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhận thức rất rõ tình thế bất lợi của mình, Giầy Ngọc Hà đang cố gắng tìm cách giải quyết song dường như vẫn chưa có kết quả. Khó khăn càng có dịp bộc lộ trong công việc vận chuyển hàng hoá thời gian gần đây. Đó là theo quy định mới, các xe ô tô tải không được phép tham gia giao thông trong những giờ cao điểm, mà chỉ được đi lại, vận chuyển theo giờ quy định của Sở Giao thông công chính. Vì thế, Giầy Ngọc Hà đành phải xin giấy phép cho từng chuyến xe để được vận chuyển hàng hoá trong khoảng thời gian rất không thuận lợi: từ sau 10 giờ tối đến trước 5 giờ sáng hôm sau. Giờ giấc kiểu “du kích” này ít nhiều đã đem đến sự phiền toái không những cho Công ty, mà còn cho dân cư quanh vùng.
Rõ ràng, Công ty Giầy Ngọc Hà như một thanh niên đang sức, song lại bị bó cứng trong một chiếc áo chật. Bởi thế, cuối năm 2001, UBND thành phố Hà Nội có quyết định chuyển Công ty Giầy Ngọc Hà ra khỏi Thành phố. Có thể nói, đây là một quyết định rất kịp thời và hợp lý, góp phần quy hoạch lại các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất đang “mắc cạn” trong nội thành nói chung, trong đó có Giầy Ngọc Hà.
Di dời để phát triển mạnh hơn nữa
Phó Giám đốc Công ty Giầy Ngọc Hà, bà Nguyễn Thị Hằng nhớ lại cảm giác đầu tiên của Ban Giám đốc Công ty khi nhận được quyết định di dời: “Mặc dù không bị rơi vào cảm giác “sốc”, nhưng thú thật là Ban Giám đốc chúng tôi lo lắng vô cùng. Di dời, đó là điều mà Giầy Ngọc Hà đang rất cần, song di dời cũng là một vấn đề quá lớn đối với một doanh nghiệp”. Quả thật, với tình cảnh gò bó, kìm kẹp trong một khuôn viên chật hẹp giữa Thủ đô, Giầy Ngọc Hà khó có thể có những bước phát triển phù hợp với xu thế như hiện nay nếu như không tạo ta một “cuộc cách mạng”, và đó cũng đồng nghĩa với việc tự đào thải mình khỏi guồng máy sản xuất, kinh doanh có nhiều thử thách khắc nghiệt.
Nhận thức được điều này, Ban giám đốc Công ty Giầy Ngọc Hà ngay lập tức tiến hành nghiên cứu thủ tục, trình tự để bắt tay vào công cuộc “cách mạng” lớn của mình. Đầu tiên là chọn địa điểm. Không ai nói ra, song tiêu chí đặt ra là địa điểm mới phải nằm trong khu công nghiệp, có diện tích và điều kiện vận chuyển, đi lại, buôn bán thuận tiện. Cuối cùng, sau khi được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố tư vấn, Ban lãnh đạo nhất trí chọn Phú Thuỵ- Gia Lâm làm điểm đến. Tương lai không xa, nơi đây sẽ là một Giầy Ngọc Hà lột xác với diện tích là 25.000 m2, rộng gấp hơn 2,5 lần so với chỗ cũ, sẽ là một công ty sản xuất giầy được xây dựng hiện đại theo quy cách chung của các sơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay với 3 xưởng sản xuất rộng 6.000m2, các khu nhà chức năng như khu nhà ăn ca, hội trường, văn phòng công ty... ¦ớc mơ như nằm trong tầm tay! Nhưng, dù đã lường trước những khó khăn, song thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Quá trình di dời của Giầy Ngọc Hà thật lắm gian truân!
Để chuẩn bị cho việc di chuyển, Giầy Ngọc Hà cùng với Ban quản lý đất ở thôn Phú Thuỵ, xã Phú Thuỵ, huyện Gia Lâm đã “ra quân” bằng công tác giải toả mặt bằng và đền bù. Có thể nói, đây là khâu khó khăn nhất đối với tất cả các công trình xây dựng trên đất nước ta do tính chất phức tạp của nó. Trên cánh đồng rộng bát ngát của thôn Phú Thuỵ là ruộng đất, hoa mầu và hơn 100 ngôi mả của khoảng 60 hộ. Ban lãnh đạo Công ty phải cùng chính quyền làm cam kết với từng hộ gia đình về mức giá đền bù cũng như những thoả thuận sẽ thực hiện với họ. Làm việc với dân, mỗi người mỗi ý, mỗi người một cách nhận thức quả là một việc không đơn giản, thậm chí đòi hỏi sự khéo léo. Nếu không tính đến một vài vướng mắc nhỏ trong việc giải toả ngôi mộ của dòng họ Nguyễn Huy, thì có thể nhận định rằng, công tác đền bù, giải toả của Giầy Ngọc Hà đã diễn ra thật suôn sẻ. Nhưng trục trặc lại xảy ra sau khi Thành phố ban hành nghị định sửa đổi giá đền bù đất. Giầy Ngọc Hà, sau khi đã đền bù với tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng, đã phải bổ sung thêm gần 1 tỷ đồng theo giá mới! “Nhiều lúc cũng thấy hoang mang lắm, nhưng không thể lùi bước được, phải cố gắng thôi!”- Phó Giám đốc Hằng tâm sự. Nhưng rồi sau gần hai năm, những khó khăn nhất cũng đã lùi lại phía sau. Có một niềm vui chung nho nhỏ giữa bà con thôn Phú Thuỵ và tập thể cán bộ công nhân viên của Giầy Ngọc Hà, đó là trong biên bản cam kết chuyển nhượng ruộng đất, Công ty hứa sẽ nhận mỗi gia đình một con em sẽ về đầu quân cho Giầy Ngọc Hà. Đây là một cam kết rất có ý nghĩa, thể hiện tình cảm gắn bó giữa nhân dân sở tại và các doanh nghiệp mới chuyển đến, khẳng định một lần nữa điều thiêng liêng: trong sự phát triển hôm nay của Giầy Ngọc Hà có sự đóng góp lớn lao của nhân dân Phú Thuỵ!
Không lùi bước trước khó khăn
Trong việc lựa chọn chất liệu thi công xây dựng nhà xưởng, thay vì xây dựng bằng khung bê tông như truyền thống, Giầy Ngọc Hà đã chọn kiểu xây dựng khung thép tiền chế, công nghệ Mỹ do tính chất nhẹ, bền, đẹp và tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm thời gian, đồng thời giá thành lại chỉ bằng 1/3 so với khung bê tông. Theo dự tính, đến hết quý I, chậm nhất là đầu quý II năm 2004, Giầy Ngọc Hà sẽ bắt đầu di chuyển sang cơ sở mới. Thời gian không còn nhiều, với sự lựa chọn thông minh này, Giầy Ngọc Hà sẽ chỉ mất khoảng 3 tháng cho công tác thi công xây dựng phần nhà xưởng. Thời gian còn lại, chủ yếu Ban Giám đốc Công ty dành cho việc chuẩn bị bổ sung nhân lực, vật lực để xứng đáng với một tầm vóc Ngọc Hà mới. Trước mắt, sẽ tăng cường số công nhân hiện có từ 900 người lên 1.500 người, mua sắm thêm thiết bị máy móc, đa dạng hoá các sản phẩm như túi xách, cặp, các sản phẩm may mặc... Rất có thể, sau một thời gian đi vào hoạt động ổn định, Giầy Ngọc Hà sẽ đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân ở gần đó để hợp lý hoá khoảng cách đi lại, ăn ở cho công nhân. Nhà ở và phương tiện đi lại cho công nhân cũng là một vấn đề làm Ban Giám đốc đau đầu không kém so với công tác giải toả đền bù.
Cần phải khẳng định lại một lần nữa rằng, Giầy Ngọc Hà không thể phát triển nếu vẫn nằm im lìm trong khu phố Đội Nhân hẻo lánh. Vì thế, di dời là một giải pháp duy nhất đưa Ngọc Hà thoát khỏi hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, Ngọc Hà có đến hơn 40% công nhân, hầu hết là công nhân bậc cao, là dân cư sinh sống gần đó. Quyết định di dời thoạt đầu đã gây không ít hoang mang, lo lắng cho tập thể công nhân của Công ty. Trước, chỉ cần vài bước chân là đến cơ quan, nay họ lại phải đi một chặng đường gấp rất nhiều lần như thế, liệu công nhân sẽ đối phó như thế nào với sự xáo trộn này? Hiểu và thông cảm với nỗi lo lắng rất có cơ sở ấy, Ban lãnh đạo đã nghĩ đến giải pháp sắp xếp cho công nhân đi làm bằng ô tô buýt. Đây cũng là một vấn đề nan giải đối với một đơn vị kinh doanh còn nhiều khó khăn vì nó đòi hỏi Giầy Ngọc Hà phải giải quyết tốt bài toán tài chính. Tuy nhiên, theo như bà Nguyễn Thị Hằng, thì Công ty cũng đang nỗ lực hợp đồng với một công ty ô tô buýt với giá cả phải chăng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân đi làm.
Đã trải qua gần hai năm chuẩn bị, công tác di dời của Công ty Giầy Ngọc Hà giờ đang trên đường về đích, song vẫn còn đó là bộn bề những khó khăn. Ngọc Hà đang rất cần sự hỗ trợ đắc lực hơn nữa về vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giống như đã được hỗ trợ cho công tác khảo sát thiết kế ban đầu. Ngoài ra, quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển Thành phố cũng cần tạo điều kiện hơn nữa cho Công ty vay vốn để tiếp tục hoàn thiện nhà xưởng của mình. Kết quả sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm của Giầy Ngọc Hà có những tín hiệu tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tin rằng, với cuộc “cách mạng” lớn trong năm tới này, Giầy Ngọc Hà sẽ ngày càng phát triển đúng với tầm vóc của mình.