Công ty Dầu khí Murphy Cửu Long Bắc vừa chính thức trao Hợp đồng Tổng thầu EPCIC cho dự án phát triển mỏ dầu Lạc Đà Vàng ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam cho Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C).
PTSC M&C là công ty con do Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) sở hữu 100% vốn, chuyên phụ trách hoạt động xây lắp cơ khí (M&C). Murphy Cửu Long Bắc là công ty con của Murphy Oil - tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ.
Hợp đồng Tổng thầu EPCIC giữa Murphy Cửu Long Bắc bao gồm các hạng mục công việc thiết kế chi tiết, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử cho Giàn xử lý trung tâm LDV-A, với khối thượng tầng nặng hơn 6.000 tấn cùng với phần chân đế, cọc có khối lượng hơn 5.000 tấn.
Giàn xử lý trung tâm LDV-A dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào nửa cuối năm 2026, với hầu hết các hạng mục công việc được thực hiện tại công trường của PTSC M&C tại thành phố Vũng Tàu.
Mặc dù không công bố chi tiết thông tin về hợp đồng, theo đánh giá hiện tại của một số tổ chức tài chính, giá trị hợp đồng giàn xử lý trung tâm và các công trình phụ trợ tại dự án mỏ Lạc Đà Vàng ước đạt hơn 100 triệu USD.
Về tiến độ phát triển mỏ Lạc Đà Vàng, đầu tháng 11/2023, Murphy Oil đã ra Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho mỏ Lạc Đà Vàng với quy mô đầu tư 693 triệu USD. Murphy Oil hiện nắm giữ 40% quyền lợi của dự án với tư cách nhà điều hành; trong khi đó, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) nắm 35% và tập đoàn năng lượng SK Energy (Hàn Quốc) giữ 25% quyền lợi tại dự án.
Mỏ Lạc Đà Vàng là một phần của Lô 15/1-05 của bể Cửu Long (Việt Nam), có sản lượng khai thác được phê duyệt 20.000 - 25.000 thùng/ngày, tương đương 10% - 12% sản lượng dầu hiện nay của Việt Nam. Tổng trữ lượng có thể khai thác ước tính khoảng 100 - 113 triệu thùng dầu tương đương.
Giá dầu hoà vốn sản xuất của mỏ này dự kiến ở mức 65 USD/thùng, thấp hơn tới 19% so với giá dầu thô Brent hiện nay.
Giai đoạn phát triển đầu tiên của Dự án Lạc Đà Vàng (Giai đoạn 1A) bao gồm một giàn xử lý trung tâm (LDV-A), có khả năng xử lý dầu thô đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, sau đó chuyển đến tàu chứa dầu (FSO) để lưu trữ thông qua hệ thống đường ống nội mỏ.
Đáng chú ý, một số tổ chức tài chính nhận định Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam còn có thể giành thêm hợp đồng cho thuê tàu chứa dầu FSO tại mỏ Lạc Đà Vàng.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang sở hữu và đồng sở hữu 06 FSO/FPSO, tổ chức cung cấp các dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng 09 FSO/FPSO/FSU trong và ngoài nước, là đơn vị đứng đầu tại Việt Nam và trong khu vực về việc hoán cải, quản lý, bảo dưỡng các kho chứa nổi.