Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS): Lãi quý 2 “đi lùi”, mảng cơ khí & xây dựng giảm tốc

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) vừa cho biết doanh thu mảng cơ khí và xây dựng (M&C), mảng kinh doanh cốt lõi, đã giảm 11% trong nửa đầu năm nay.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Doanh thu từ mảng cơ khí và xây dựng (M&C) của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã giảm 11% trong nửa đầu năm nay.

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 5.577 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù doanh thu trong kỳ có mức tăng trưởng tích cực nhưng do giá vốn và các loại chi phí đồng loạt tăng lên nên lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí lại giảm 11,5% so với cùng kỳ, còn 208 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 9.287 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 513 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Bóc tách dữ liệu cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, mảng cơ khí và xây dựng (M&C) tiếp tục đóng vai trò là nguồn doanh thu chính cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí với doanh thu đạt 4.403 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Cùng ghi nhận kết quả giảm so với cùng kỳ, doanh thu từ mảng dịch vụ căn cứ cảng giảm 3%, còn 642 tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh còn lại của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu mảng dịch vụ quản lý FPSO/FSO tăng 11%, đạt 1.111 tỷ đồng; mảng tàu dịch vụ (OSV) tăng 45%, đạt 1.054 tỷ đồng; mảng vận hành và bảo dưỡng (O&M) tăng 33%, đạt 990 tỷ đồng; mảng khảo sát địa chấn và ROV tăng 235%, đạt 226 tỷ đồng; các mảng khác tăng 210%, đạt 863 tỷ đồng.

Năm nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 660 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 29% và 38% so với kết quả năm 2023. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã hoàn thành 60% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, bên cạnh việc phát triển mảng xây lắp cơ khí - vốn là thế mạnh của Tổng công ty, thì trong năm nay, Tổng công ty sẽ tập trung đẩy mạnh thêm mảng dịch vụ căn cứ cảng và tàu chuyên dụng.

Theo đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí dự kiến thực hiện nâng cấp các cảng hiện hữu, đồng thời đầu tư mở rộng các cảng và phương tiện tàu nhằm đón đầu xu hướng phát triển của lĩnh vực dầu khí và cảng, cụ thể là Lô B, Lạc Đà Vàng.

Giá cổ phiếu PVS Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS): Trúng thầu kho nổi FSO, dồn lực cho dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng cho biết thêm, lĩnh vực tàu cũng có tiềm năng tăng trưởng lớn.

“Các phương tiện tàu đầu tư của Tổng Công ty  ngay lập tức đưa vào hợp đồng dài hạn ngay, cả trong khu vực và khu vực Trung Đông. Có những con tàu vừa đầu tư xong, chưa kịp đưa về Việt Nam để làm các thủ tục đăng ký mà phải thực hiện một số thủ tục ở nước ngoài và đưa đi làm việc luôn”, ông Lê Mạnh Cường nói.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 29.918 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền đạt 6.947 tỷ đồng, tăng 21%; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 8%, đạt 4.537 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý 2/2024, nợ phải trả của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tăng nhẹ lên mức 13.009 tỷ đồng, chiếm phần lớn là phải trả người bán ngắn hạn (3.435 tỷ đồng).

Duy Quang