Điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện ít biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác. Mặt khác, chi phí đầu tư luôn được giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ sản xuất các tấm pin quang điện.
Cả nước hiện có khoảng hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến, lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 300MW. Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đặt kế hoạch sản xuất được khoảng 850MW điện mặt trời vào năm 2020, nâng lên 4.000MW vào năm 2025 và 12.000MW vào năm 2030. Quyết định số 11 năm 2017 của Chính phủ đã yêu cầu EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời với giá 2.086 đ/kWh (9,35cent/kWh), cao hơn nhiều so với giá mua từ các nguồn điện khác. Điều đó cho thấy quyết tâm phát triển năng lượng mặt trời của Chính phủ trong bản đồ năng lượng nước ta.
Tuy nhiên, điện mặt trời có nhược điểm là cần diện tích đất lớn để chứa các tấm pin quang điện. Đây được cho là trở ngại hàng đầu trong đầu tư phát triển điện mặt trời bởi chi phí giải phóng mặt bằng lớn, quỹ đất tại các địa phương lại có hạn.
Vì thế, người ta đã đưa ra giải pháp: Tận dụng các hồ thủy điện để lắp đặt các tấm pin tích nạp năng lượng từ ánh nắng mặt trời, gọi là điện mặt trời nổi. Ưu điểm cơ bản của điện mặt trời nổi là không tốn diện tích. Nhưng quan trọng hơn, một nghiên cứu mới đây của Tổng Công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc tiến hành đã chỉ ra rằng, hệ thống điện mặt trời nổi có hiệu suất vượt trội 11% so với các hệ thống điện mặt trời tiêu chuẩn được lắp đặt trên mặt đất. Sự vượt trội ấy do chênh lệch giữa bức xạ mặt trời và mặt nước khá lớn, do tác động bay hơi, làm mát của nước.
Hiện trên thế giới mới có ít nước làm điện mặt trời nổi, và thường ở những nước không có đất cho các công trình điện mặt trời, chủ yếu là các đảo như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines và một số quốc gia khác. Đến nay trên thế giới mới có 70 nhà máy điện loại này.
Ở nước ta, đã có những chuyến khảo sát hồ Thủy điện Thác Bà tại Yên Bái để chuẩn bị xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã xem xét triển một loạt các dự án điện mặt trời ở các khu vực hồ thủy điện như trên hồ Trị An công suất 126MW (Đồng Nai), trên hồ Sê San 4 công suất 47MW (Gia Lai) và dự án trên hồ Đa Mi công suất 47.5MW (Bình Thuận).
Trong 3 dự án nói trên, Hồ Thủy điện Đa Mi được triển khai trước do chủ dự án là Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã có hợp đồng thuê đất, nên gần như không mất thời gian giải phóng mặt bằng. Mực nước dao động của hồ Đa Mi cũng rất thấp, chỉ khoảng 2 m, giúp cho việc gia cố giá đỡ để lắp đặt các tấm pin cũng đơn giản hơn. Dự án điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện Đa Mi có công suất 47,5 MWp, sản lượng điện gần 70 triệu kWph/năm, dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019.
Lễ ký hợp đồng giữa Narime và Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa MiĐiện mặt trời nổi mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng Viện nghiên cứu Cơ khí (Narime) đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị khác cùng nghiên cứu và sản xuất một số thiết bị cho các nhà máy điện mặt trời nổi như hệ thống phao nổi, hệ thống neo, vật liệu chế tạo phao nổi, các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra độ bền cơ lý hoá, độ bền theo thời gian; Phương án sản xuất, kết nối, lắp phao tại hiện trường; Máy móc, thiết bị chế tạo, lắp đặt phao; Tính toán, thiết kế hệ thống neo, các tiêu chuẩn áp dụng; Nghiên cứu tấm PV, hệ thống kết nối, truyền tải điện, Inverter, hệ thống đo lường, điều khiển,…
Mới đây Narime cùng Liên danh nhà thầu Công ty Shanghai Qihua Waterborne Engineering Construction Co., Ltd (Qihua) đã ký kết hợp đồng với Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi gói thầu số DMS – 9, bao gồm Thiết kế, cung cấp, lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao neo cho Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi.