Dấu ấn Petrolimex
“Không riêng cá nhân tôi, mà nhiều anh chị lãnh đạo Tập đoàn cũng như đơn vị thành viên đều gắn bó lâu năm với Petrolimex và trưởng thành từ cơ sở, từ thực tiễn để rồi được giao những trọng trách lớn hơn” - ông Trần Văn Thịnh - Phó Bí thư Đảng ủy - Tổng giám đốc Petrolimex mở đầu như vậy.
Dấu ấn mà các thế hệ Lãnh đạo Petrolimex đến nay đã tạo lập được trên thị trường chính là tính hệ thống, tính bài bản, tính chuyên nghiệp của một ngành hàng quan trọng mang tính đặc thù.
Petrolimex tự hào được đông đảo khách hàng, nhân dân tin yêu; bạn bè đối tác trong nước và quốc tế gắn bó đồng hành; các tổ chức quốc tế đánh giá cao; ví như, gần đây là top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á (Nielsen Việt Nam), top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam 2017 (Forbes Việt Nam).
Dấu ấn này là kết tinh của tinh thần Petrolimex có cội nguồn từ truyền thống 13/3/1928, từ chất lính hình thành ngay từ những ngày đầu thành lập (12/01/1956) và được tôi luyện trong chiến tranh, được rèn giũa trong thời bình, ở những thời điểm rất khó khăn của đất nước ta.
Petrolimex là tiên phong, Petrolimex là trách nhiệm. Thế nên, xét về vị trí hiện tại, Petrolimex đã ở tầm tiên tiến của khu vực & thế giới trong quản trị doanh nghiệp và luôn trách nhiệm với môi trường, với xã hội. Đó là dấu ấn rất quan trọng mà mỗi chúng ta không thể không nhắc nhớ đến để trân trọng, phát huy.
Chất lính Petrolimex
Chất lính là đặc trưng ở Petrolimex. Đó là một sự ngẫu nhiên bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, gắn liền với các sứ mệnh lớn lao của đất nước ta, của dân tộc Việt Nam ta.
“Tôi cũng được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhân dân yêu mến nên cứ gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”, còn bộ đội thì cứ gọi mình là “lính’ cho nó ngắn gọn” - ông Trần Văn Thịnh nhắc đến điều này với niềm tự hào.
Rồi ông nói tiếp: Quân đội thực sự là một trường học lớn trong rèn luyện con người về tính kỷ luật, lòng trung thành, ý chí quyết tâm và tinh thần bền bỉ “thắng không kiêu, bại không nản”. Ai đã từng tham gia quân đội đều thừa nhận những điều này đã trở thành máu thịt, không dễ nhạt phai.
Nhưng điều quan trọng nhất ở lính là mục đích vì cái chung. Cái mục đích lớn lao này tạo lên tính gắn kết, tình anh em; và, chính nó đã làm nên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân vì tình cảm tin yêu thương mến dành tặng cho. Tình cảm ấy là vô cùng lớn lao, không phải cứ muốn là có. Để dân quý, để dân yêu -là cả một quá trình.
Hành trang của lính nói một cách đơn giản chỉ gồm ba lô & cây súng, nhưng người lính là biểu tượng của sự kiên cường, vượt khó, ở tuyến đầu.
Chiến trường cũng thế mà thương trường cũng vậy.
“Trong sản xuất, kinh doanh cũng rất cần tính kỷ luật, bên cạnh đó là tính sáng tạo. Trong đó, theo tôi, tính kỷ luật là nền tảng, tính sáng tạo là yếu tố phát triển, đi lên. Vì vậy, ở doanh nghiệp cần có các nội quy quy chế để quản lý, quản trị; bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động nêu gương, kết nối khơi nguồn sức mạnh của cả một tập thể lớn, của mỗi CBCNV-NLĐ. Nơi nào làm tốt điều này thì nơi đó mạnh” - ông khẳng định.
Văn hóa Petrolimex
Văn hóa doanh nghiệp ở Petrolimex được JWT đúc rút ở 12 chữ “trách nhiệm - nhiệt huyết - lạc quan - tin cậy” - “để tiến xa hơn”.
Chất lính ở Petrolimex nằm cả trong 12 chữ đó. Và điều quan trọng, nó không chỉ là khẩu hiệu. Nó được đúc rút từ hơn 60 năm qua và Petrolimex đang phát triển, nâng tầm nó lên để hội nhập, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới, để bắt nhịp cùng thời đại.
Trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì tính gương mẫu của người đứng đầu luôn đóng vai trò quan trọng.
Người đứng đầu phải có định hướng tốt, vì đại cục, nói đi đôi với làm; phải thấu hiểu con người trong tổ chức, đặc điểm ngành nghề.
Bên cạnh quản trị quản lý thì còn công tác lãnh đạo. Lãnh đạo là thu phục nhân tâm để từ đó mọi người cùng nhận thức mà phát huy năng lực của mình.
Từ góc độ nghề mà nói
Đúng là ai đã vào Petrolimex thì đều gắn bó với nó. Đó là một thực tế. Trong khó khăn cũng như trong thuận lợi, mọi người đều gắn bó.
Ở Petrolimex hầu như không có tình trạng “dễ làm khó bỏ”.
Gắn bó trong thuận lợi thì chẳng nói làm gì, nhưng gắn bó trong khó khăn, đồng cam cộng khổ - thì đây là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Con người cũng vậy và doanh nghiệp cũng thế.
Chị Ngọc Trâm/Petrolimex Hà Nội viết bài “Xăng dầu là cái nghề vất vả”. Vất vả nhưng tự hào gắn bó. Những nơi vất vả thì con người gắn bó với nhau ở cái tình người và vì nhiệm vụ chung. Đó chính là chất lính.
Nhớ lại hơn 30 năm gắn bó cùng Petrolimex, ông Trần Văn Thịnh tâm tình: Mỗi con người tôi từng gặp, mỗi nhiệm vụ mà tôi hoàn thành đều là những kỷ niệm đẹp. Tôi trân trọng những kỷ niệm đó. Nhưng hơn hết, tôi thấy thương phục và cảm mến các anh hùng liệt sĩ, các bậc cha anh và cả những người lao động bình dị đã thiệt thòi, hy sinh tính mạng của mình trong khi làm nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, ở Petrolimex tri ân và sẻ chia luôn là việc cần làm và đã trở thành truyền thống ở Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên.
Luận bàn về khó khăn & thuận lợi
Khó khăn và thuận lợi thì lúc nào cũng có, ở đâu cũng có. Một doanh nghiệp cũng vậy, một đất nước cũng thế, trong đời thường mỗi con người cũng vậy. Đấy là tính biện chứng của sự phát triển.
Vấn đề là chúng ta ứng xử với khó khăn/thuận lợi ấy như thế nào.
Khi khó khăn thì cần sự đoàn kết và nỗ lực vượt khó, kể cả lúc phải thắt lưng buộc bụng. Khi thuận lợi thì phải triển khai ngay những công việc cho phát triển dài lâu mà doanh nghiệp hằng ấp ủ để bứt phá, để tiến lên, để biến ước mơ thành hiện thực.
Điều tâm đắc
Gắn bó với Petrolimex suốt nhiều năm liên tục qua nhiều vị trí và công việc, điều ông tâm đắc nhất đó là: tình người và tính trách nhiệm, sự lạc quan yêu đời, tình yêu cuộc sống.
Các thế hệ CBCNV-NLĐ Petrolimex luôn trách nhiệm với công việc được giao, với doanh nghiệp lúc thuận lợi hay khó khăn gian khổ, với đất nước qua từng thời kỳ và nhiệm vụ chiến lược khác nhau.
Trầm ngâm một lát, ông nói: “Tôi và các anh lãnh đạo Petrolimex luôn thấu hiểu và luôn trân trọng những giá trị ấy. Tôi có niềm tin rằng, trong tương lai Petrolimex sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn bởi doanh nghiệp có một nền tảng văn hóa nhân văn như vậy”.
Tôi ngồi đó, nghe ông nói về niềm tin mà lòng cảm thấy như ông đang gửi gắm tình yêu của mình đến biết bao người, bao thế hệ.
Là người được phỏng vấn ông vài lần, tôi hiểu, được ông tin không dễ. Niềm tin của ông bao giờ cũng chắc chắn, sâu sắc và có cơ sở.
Trò chuyện cùng ông trong một ngày ý nghĩa này, tôi cũng thấy tràn đầy niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước mình (Mấy lần phỏng vấn trước, ông vẫn thường nhắc tôi: Không được bỏ chữ “mình”, bởi nó chuyển tải thông điệp thân thiện hơn, gắn bó hơn). Không chỉ là niềm tin mà là vững tin.