Theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, doanh nghiệp (DN) cần chú ý xác định khâu nào cũng có thể phát sinh điều tra phòng vệ thương mại và làm thế nào để loại trừ.
"Đây có thể là hoạt động thường xuyên của thương mại quốc tế, loại trừ khó, làm nào để hạn chế rủi ro, giảm thiểu tác động tiêu cực, giảm thiểu tác động đến ngành, doanh nghiệp là điều hướng đến. Có nhiều việc như nắm vững quy định phòng vệ thương mại, có thể hạn chế tâm lý e ngại, cung cấp thông tin cho họ, chứng tỏ cáo buộc nguyên đơn là không chính xác", ông Trung nói.
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, việc chủ động thông tin là cơ hội để doanh nghiệp chứng minh, cần doanh nghiệp tham gia tích cực, cung cấp thông tin, đưa ra lập luận với nguyên đơn. Công tác quản trị, lưu trữ, sử dụng công nghệ thông tin, chứng cứ, phản biện có tính thuyết phục có căn cứ, dẫn chứng, số liệu, ủng hộ cho ý kiến của chúng ta. Đó là điều DN có thể làm.
Điểm nữa là làm sao đa dạng hoá, tránh "bỏ trứng vào một giỏ" (xuất khẩu tập trung vào một thị trường nhất định), điều này tương đối khó, trên thế giới có 1 vài thị trường có dung lượng lớn, quan trọng nhất đối với DN nhưng phải xác định, thị trường nào càng lớn, kim ngạch cao, tăng nhanh thì tương đương với nguy cơ kiện phòng vệ thương mại tăng nhanh. DN xuất khẩu không chia đều mà phải có kế hoạch đằng sau, phải làm thế nào để nếu có sự cố xảy ra thì không phá sản, dừng lại tất cả.
"Vai trò của Cục là hỗ trợ và DN cần làm gì để nhận được hỗ trợ của chúng tôi. Đối tượng của phòng vệ thương mại là DN, họ hỏi DN cung cấp thông tin, chúng tôi khuyến nghị họ chủ động cung cấp thông tin. Chúng tôi là cơ quan có chức năng xử lý, hỗ trợ và tiếp nhận, DN tham gia vào các vụ kiện, chúng tôi sẽ tham gia vào các vụ kiện. Chúng tôi cố gắng dự báo hàng nào, thị trường nào trong tương lai gần có thể bị rủi ro cao hơn. Chúng tôi cung cấp thông tin cảnh báo sớm, để trước khi sự việc xảy đến. Từ việc cảnh báo sớm, chúng tôi có chương trình chia sẻ, giúp DN nắm được vấn đề, vai trò của họ trong vấn đề rủi ro ra sao. Trước khi sự việc xảy ra thì cần nắm được rõ quy trình", Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thông tin.
Ông Trung cho biết thêm: Nước nhập khẩu khởi xướng điều tra, chúng tôi tiếp tục tư vấn cho DN thủ tục cụ thể để DN biết được và họ làm việc này, việc kia, chúng tôi có thể gợi ý cho họ cân nhắc, xử lý. Giai đoạn nhất định trong vụ kiện, có thể chúng tôi sẽ gợi ý họ trả lời, tiếp cận vấn đề. Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ theo dõi sát sao nước nhập khẩu điều tra phòng vệ thương mại có đúng cam kết và đúng quy định hay không theo các hiệp đinh thương mại tự do song và đa phương.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng: Cùng với đó là trao đổi song phương để đảm bảo điều tra công bằng, khách quan, minh bạch đúng điều ước quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của DN Việt. Có vụ việc xảy ra, dù hãn hữu, chúng ta sẵn sàng đưa khiếu nại ra cơ chế giải quyết tranh chấp được quốc tế thừa nhận như WTO nếu nước nhập khẩu áp đặt điều tra không phù hợp với cam kết quốc tế.
"Trên cơ sở nắm thông tin phản hồi từ DN, nắm được bức tranh tổng thể, chúng tôi sẽ tư vấn cho DN, hiệp hội, điều phối được hiệu quả nhất", Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay.