Rủi ro từ xuất khẩu tăng cao
Ông Đinh Quốc Thái Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam thông tin, ngành thép Việt Nam trong những năm gần đây có những bước tăng trưởng khá vượt bậc, từ một nền sản xuất nhỏ lẻ lạc hậu đến nay chúng ta đã có một nền công nghiệp thép quy mô trên 23 triệu tấn thép/năm trong năm 2021 và đến tháng 4/2022 Hiệp hội Thép thế giới đã xếp hạng ngành thép Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản lượng thép thô. Sự tăng trưởng vượt bậc như vậy kéo theo vấn đề chúng ta cần tiêu thụ các mặt hàng ở cả nội địa lẫn xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, từ năm 2004 đến nay các nước đã điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép Việt Nam khoảng 68 vụ, trong đó có 38 vụ điều tra chống bán phá giá, 08 vụ điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, còn lại là những vụ điều tra các biện pháp khác như chống trợ cấp, tự vệ.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, mặt hàng thép nằm trong hai mặt hàng năm 2018 Tổng thống Hoa Kỳ ra quyết định áp điều khoản 232 của Đạo luật thương mại mở rộng năm 1962 dẫn tới các mặt hàng thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ với mức thuế suất khoảng 25%. Khi những sản phẩm có liên quan đến nguyên liệu từ các quốc gia mà Hoa Kỳ áp thuế như vậy thì sẽ bị để ý và nghi ngờ có câu chuyện lẩn tránh.
Ông Thái cho biết: Mới đây nhất ngành thép có 04 vụ việc có thể kể đến, đó là năm 2018 Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ mặt hàng của ngành thép lẩn tránh thuế từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Vụ thứ hai, năm 2020 Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ dạng dải và dạng đai nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ thứ ba là năm 2021 Hoa Kỳ có nhận đơn của ngành hàng sản xuất trong nước để điều tra chống bán phá giá đối với sản xuất cũng là sản phẩm thép chống ăn mòn nhưng sau này Hoa Kỳ có phán quyết không khởi xướng do không đủ căn cứ. Vụ thứ tư mới đây nhất tháng 8/2022 Hoa Kỳ có khởi xướng điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép ống nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc điểm chung nhất của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ là từ việc sản lượng của Việt Nam xuất vào thị trường Hoa Kỳ có sự gia tăng cao. Cụ thể đối với vụ việc tháng 8/2022 thì kim ngạch xuất khẩu thép ống của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 vào khoảng 40 triệu USD nhưng năm 2021 thì kim ngạch tăng lên hơn 40%, lên khoảng 57 triệu USD.
Lợi thế cạnh tranh cũng kéo theo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại
Về nguyên nhân khách quan, ông Thái cho rằng, thứ nhất do chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng hiện nay. Thép là mặt hàng các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa và đều có các chính sách để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước. Khi các FTA đã được ký kết và có hiệu lực với các dòng thuế quan ưu ái, các nước phải nghĩ đến những giải pháp phòng vệ thương mại để làm sao bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Thứ hai, số vụ kiện liên quan đến ngành thép Việt Nam tăng mạnh trong thời gian vừa qua còn liên quan đến hiệu ứng domino, tức là khi các vụ điều tra sản phẩm thép xuất xứ từ Trung Quốc, chúng ta là một quốc gia sản xuất bên cạnh Trung Quốc, khi quốc gia nhập khẩu đã điều tra những vụ liên quan đến Trung Quốc thì một số quốc gia bên cạnh đó có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu bị nghi ngờ và kéo theo người ta có thể sẽ điều tra liên quan đến các sản phẩm mà chúng ta sản xuất và xuất khẩu sang nước đó.
Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Thái, nguyên nhân chủ quan đầu tiên dẫn đến Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến ngành thép đó là chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tại Việt Nam cũng như chi phí nhân công của chúng ta còn thấp nên giá của chúng ta sẽ rẻ hơn so với giá thành sản xuất ở các thị trường có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ.
Đây là một lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với các vụ kiện điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp khi mà giá xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn so với giá bán của các doanh nghiệp nội địa của các quốc gia mà chúng ta xuất khẩu đến.
Nguyên nhân chủ quan thứ hai đối với ngành thép Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc và cố gắng để cân đối thượng nguồn cũng như hạ nguồn để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, tuy nhiên chúng ta vẫn đang mất cân đối sản lượng thép thô với sản phẩm tinh để xuất khẩu ra nước ngoài, cụ thể là trong cân đối thép thô, phôi thép, nhất là thép cuộn cán nóng để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm ống cũng như sản phẩm thép tôn, thép mạ để xuất khẩu.
Do cần phải cân đối việc sản xuất đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu trong nước nên một số doanh nghiệp thép vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, cụ thể ở đây là thép tấm mà chúng ta đã sản xuất được nhưng chưa đủ cân đối với lượng sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu, vì thế phải nhập một lượng nhất định. Lượng này cũng nhập từ một số các quốc gia có liên quan đến vấn đề Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, vì thế đây là điều nghi ngờ làm cho Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép của chúng ta.