Hiệu ứng tích cực
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và 30.000 tỷ đồng hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí... được Chính phủ công bố gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có chung nhận định, gói hỗ trợ này sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM nhìn nhận, gói hỗ trợ của Chính phủ được công bố kịp thời và rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Tất nhiên, hỗ trợ chỉ mang tính chất ngắn hạn và doanh nghiệp cần thêm những chính sách dài hạn để có thể vượt qua khó khăn, không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà cả sau khi hết dịch.
Trao đổi thêm về hoạt động của doanh nghiệp dệt may, ông Việt cho biết, hiện nguồn hàng từ Trung Quốc đã được nối lại, nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may đảm báo đáp ứng nhu cầu sản xuất. Song, vấn đề chính hiện nay lại là đầu ra cho sản phẩm, khi các nhà nhập khẩu của châu Âu thông báo tạm dừng nhập hàng trong 30 ngày. Trong khi đó, châu Âu là thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh (TP.HCM) đánh giá, gói hỗ trợ tín dụng cùng chính sách cho phép doanh nghiệp được gia hạn nộp các loại thuế rất thiết thực. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới từng doanh nghiệp, từng ngành là khác nhau, nên tác dụng của chính sách đối với mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau.
“Đơn cử, với ngành cơ khí, dù trong 2 tháng gần đây không có hợp đồng mới, nhiều doanh nghiệp vẫn có việc làm, song khó khăn thực sự sẽ đến vào quý II, khi hợp đồng cũ đã kết thúc mà chưa ký được hợp đồng mới”, ông Tống trăn trở.
Cho rằng, vẫn còn sớm để đánh giá hiệu quả của chính sách, song nhiều chuyên gia nước ngoài, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đều nhìn thấy những tác động tích cực đến doanh nghiệp.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM đánh giá, Việt Nam vừa làm tốt công tác phòng, chống Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Đó là lý do khiến phần lớn nhân viên của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cảm thấy an toàn và yên tâm làm việc.
Trong khi đó, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có hành động quyết đoán, mạnh mẽ và điều này chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp giảm một phần tác động của Covid-19.
Tăng đầu tư, thêm đơn hàng
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, vẫn xuất hiện cơ hội mới. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TP.HCM) cho biết, gần đây, do đứt nguồn cung từ Trung Quốc bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và cả doanh nghiệp từ các nước khác đã đến Trung tâm đề nghị hỗ trợ tìm nhà cung cấp và đặt hàng sản xuất từ doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, Trung tâm đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ 2 doanh nghiệp Nhật Bản, 2 doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất tại Trung Quốc cùng một nhà sản xuất tại Đức. Họ đều là doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp, đề nghị đặt hàng một số sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ... Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển và mở rộng thị trường.
Công ty Cơ khí Duy Khanh cũng vừa được một doanh nghiệp sản xuất, chế tạo máy của châu Âu tại Việt Nam đặt hàng nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.
Ông Đỗ Phước Tống chia sẻ, cuối năm 2019, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã cấp phép điều chỉnh tăng vốn cho dự án chế tạo máy và khuôn mẫu chính xác của Công ty Cơ khí Duy Khanh thêm 66,3 tỷ đồng, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên hơn 170 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2020, nhưng trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, Công ty sẽ cân nhắc kỹ thời điểm khởi công. Ông Tống kỳ vọng, thông qua đối tác châu Âu, Duy Khanh sẽ có thêm cơ hội tiếp cận các nhà sản xuất lớn, các thương hiệu hàng đầu trên thế giới.