Toàn ngành Công Thương vào cuộc quyết liệt, hiệu quả và đúng hướng
Tại buổi họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã báo cáo về tác động của dịch Corona tới từng lĩnh vực cụ thể trong ngành Công Thương, cũng như tình hình triển khai các giải pháp mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu trong Chỉ thị 04/CT-BCT về về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra của ngành Công Thương.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng, các đơn vị thuộc Bộ như quản lý thị trường, thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, công nghiệp,… đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, công văn hỏa tốc để kịp thời bám sát thực tế, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bảo đảm nguồn cung hàng hóa, sản phẩm vật tư trong tâm dịch, bình ổn thị trường với các mặt hàng trọng điểm, đồng thời kết nối, giải tỏa xuất nhập khẩu, phát huy vai trò của hệ thống thương mại nội địa nhằm khắc phục tác động của dịch Corona tới ngành.
Bộ Công Thương cũng là một trong những Bộ đầu tiên có báo cáo toàn diện tác động chung của dịch Corona đến ngành Công Thương chỉ trong 5 ngày sau khi cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra, theo đúng chỉ thị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra vào cuộc họp sáng 31/1/2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ sự đánh giá cao với phản ứng vào cuộc kịp thời, quyết liệt và hiệu quả của toàn bộ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thời gian vừa qua, bám sát đúng theo các chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Corona để tham gia sát sao và hiệu quả cuộc chiến chống dịch.
Tuy nhiên, để cân đối phòng dịch và mục tiêu tăng trưởng vĩ mô, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là đến các kịch bản tăng trưởng mà Bộ Công Thương đã xây dựng, từ đó đề xuất những giải pháp, chính sách cần thiết đối phó với những hệ lụy sẽ có, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dự báo cụ thể về thời gian và quy mô.
“Do đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục tích cực đẩy mạnh những nỗ lực cùng phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Corona, đồng thời chủ động có biện pháp phối hợp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân và xã hội nói chung tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại, công nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ Công Thương sẽ thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với dịch Corona cấp Bộ, trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp là Trưởng Ban chỉ đạo; các Thứ trưởng là thành viên Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, cung cấp và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và kịp thời các chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương trong công tác phòng chống dịch bệnh và các biện pháp để tiếp tục ổn định tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ban chỉ đạo cũng xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, tiếp nối Chỉ thị 04/CT-BCT, trong phòng chống dịch Corona một cách toàn diện và có trọng điểm, hướng tới phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, bao gồm cả các hoạt động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh đến ngành Công Thương.
Chủ động tính toán các kịch bản để ứng phó dịch bệnh trong bối cảnh mới
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị tập trung xây dựng, nghiên cứu để đưa ra được các đánh giá và dự báo tác động của dịch bệnh theo các cấp độ khác nhau, trong bối cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng đến nền kinh tế chung toàn cầu, chủ động phương án đối phó trong dịch bệnh và hậu dịch bệnh theo ý kiến của các Thứ trưởng đã đưa ra.
Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tiếp tục đảm bảo cung ứng hàng hóa, đấu tranh chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá chuộc lợi; đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp để yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với giá cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để xử lý vi phạm theo đúng quy định luật pháp.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo để sớm có báo cáo về vấn đề khẩu trang y tế, sản phẩm y tế 1 lần, thúc đẩy Bộ Y tế sớm có hướng dẫn xử lý rác thải để có cơ sở ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở, đưa vào tái sử dụng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn sẽ được áp dụng quy chuẩn theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương đối với sản phẩm dệt may.
Đối với Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thúc đẩy sản xuất vải kháng khuẩn để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp và các ngành kinh tế liên quan, đặc biệt đặt trong hệ quy chiếu là chuỗi cung ứng có sự tham gia của Việt Nam và các quốc gia khác.
Đồng thời, đề xuất phương án cho nhập cảnh các cán bộ, lao động quan trọng đối với các dự án công nghiệp đang triển khai với điều kiện các đối tượng này đảm bảo yêu cầu về y tế và cách ly theo đúng quy định.
Đối với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu 7 nội dung liên quan đến ứng phó dịch Corona:
Một là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết lượng nông sản đang tồn ứ do ách tắc trong thông quan với thị trường trung quốc, đồng thời đánh giá lại quy mô khối lượng đã và sẽ ách tắc thời gian tới, trên cơ sở đó đánh giá lại các địa bàn tiềm năng để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ.
Hai là, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại rà soát kinh phí dư ra từ việc hoãn hoặc hủy bỏ các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, từ đó có phưương án chuyển đổi sang các thị trường phù hợp, tạo thuận lợi tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu.
Ba là, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu thống nhất với Bộ Y tế các phương án về quy trình giao nhận hàng hóa tại tuyến 1 (các tỉnh biên giới phía Bắc) và tuyến 2 (cảng biển, sân bay, cửa khẩu biên giới phía tây, tây nam) để sớm có biện pháp tháo gỡ, giải phóng lượng hàng hóa xây dựng các vùng đệm cho đội ngũ lái xe và bốc vác.
Bốn là, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ đạo, khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát cụ thể sản lượng hàng hóa, phối hợp với các địa phương điều tiết kịp thời sản xuất, tránh tồn đọng, gây ra thất thoát hư hỏng nông sản, điều chỉnh tiến độ sản xuất phù hợp với lưu thông hàng hóa.
Năm là, tổ chức xuất khẩu qua đường chính ngạch lượng hàng hóa dư thừa với cơ chế các bên cùng chia sẻ khó khăn, đặc biệt xem xét xây dựng cơ chế cắt giảm chi phí vận tải, logistics để giảm thiểu ách tắc.
Sáu là, đối với mùa vụ rau quả sắp tới như nhãn, vải,…, cần có văn bản yêu cầu Bộ NN&PTNT thống kê, đánh giá để sớm làm việc với đối tác Trung Quốc và có biện pháp đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tốc độ thông quan trong trường hợp tìm thấy biện pháp y tế, kiểm soát chất lượng phù hợp.
Bảy là, tham mưu, xây dựng chương trình công tác của lãnh đạo Bộ Công Thương đi làm việc tại các thị trường tiềm năng, có nhiều dư địa để xúc tiến thị trường xuất khẩu thay thế theo mô hình gọn nhẹ, hiệu quả và tiết kiệm.
Mặt khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để vận động thúc đẩy tiêu thụ, xem xét cơ chế tạo thuận lợi từ cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp phân phối hưởng ưu đãi trong tiêu thụ nông sản, không chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà còn đưa sản phẩm hàng hóa ra các hệ thống tại nước ngoài.
Đặc biệt, Vụ Thị trường trong nước cần có đề xuất với Bộ NN&PTNT tổ chức tốt kênh phân phối và đáp ứng yêu cầu, điều kiện chung, không cung cấp các sản phẩm thiếu chất lượng dẫn đến đẩy khó cho hệ thống phân phối để họ bị ảnh hưởng về uy tín bán lẻ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục rà soát tổ chức kết nối cung cầu, đặc biệt tại các địa phương vùng sâu vùng xa để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nguồn cung và thúc đẩy tiêu thụ tại các địa bàn trọng điểm.
Các Vụ, Cục có liên quan đến lĩnh vực năng lượng chủ động rà soát, đánh giá tình hình triển khai tình hình thực tiễn tại các dự án năng lượng và hoạt động của các doanh nghiệp này, đảm bảo duy trì nhịp độ sản xuất, triển khai của các dự án, đồng thời làm việc với Hiệp hội và chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chuyên trang về các hoạt động ứng phó với dịch bệnh Corona của ngành Công Thương, trên đó cập nhật diễn biến dịch bệnh, công khai minh bạch các thông tin chính thức về chỉ đạo và hoạt động của toàn ngành trong xử lý, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội.