Nguồn cung hàng hóa dồi dào
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trước thông tin dịch bệnh Corona khó lường, một số người tiêu dùng trong nước đã có động thái tích trữ thực phẩm từ các siêu thị với tâm lý lo sợ khan hiếm nguồn hàng.
Theo ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc điều hành Siêu thị Big C miền Bắc, lượng người mua hàng tại Big C tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả và đồ khô.
Trong khi đó, tại chuỗi Saigon Co.op, sức mua cũng tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ghi nhận tại các siêu thị, nguồn hàng thực phẩm thiết yếu của các siêu thị hiện được bày bán khá dồi dào, giá ổn định như trước Tết Nguyên đán Canh Tý.
Qua báo cáo của doanh nghiệp cho thấy, hiện các hệ thống cũng dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của chuỗi bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh, nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.
Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường, hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống, hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Riêng nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Saigon Co.op Hà Nội.
Ngoài ra, qua trao đổi nhanh với một số hệ thống doanh nghiệp phân phối khác như Lotte Mart, MM Mega Market,… các doanh nghiệp cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam như Đà Lạt.
Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, các siêu thị cũng đã và đang làm việc với các nhà cung cấp khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải), nước sát khuẩn để tăng mạnh lượng cung cho thị trường.
Cuộc chạy đua vẫn chưa dừng lại
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hiện nay Bộ đã xây dựng các kịch bản khác nhau để đáp ứng với từng cấp độ của dịch bệnh do virus Corona gây ra.
Riêng Vụ Thị trường trong nước đã đi trước, làm việc với các hệ thống phân phối lớn trong việc tăng cường hàng về kho gấp nhiều lần hơn so với bình thường và các hệ thống cũng đều có cam kết không những đủ lượng hàng mà còn giữ được giá bình ổn và tăng cường lượng phân phối lên.
“Ví dụ như hệ thống Saigon Co.op hôm nay đã làm việc với Bộ Công Thương trong việc mở rộng thêm một hình thức mới là không chỉ phân phối ở các hệ thống tập trung của họ, mà còn dùng phương thức thương mại điện tử để người dân có thể đăng ký và ship đến tận nhà hoặc những địa điểm mà người dân yêu cầu để hạn chế tập trung nơi đông người, gây khó khăn trong việc phòng, chống dịch”, bà Lê Việt Nga cho biết.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang vận động các doanh nghiệp logistics, thương mại điện tử cùng vào cuộc kịp thời để tăng cường công tác vận chuyển trong mùa dịch này, tạo điều kiện tối đa cho mua sắm an toàn của người dân.
Mặt khác, để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị ùn ứ do việc tạm đóng các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở, hiện nay 6 hệ thống phân phối hiện đại lớn nhất của Việt Nam đã vào cuộc và cam kết sẽ thu mua hàng hóa này để tiêu thụ trong nước.
Hiện các siêu thị này cũng đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu tại hệ thống của mình, trong đó Big C đã chính thức mở chiến dịch tiêu thụ 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trên toàn hệ thống.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng giao cho các hệ thống thương vụ tại nước ngoài tìm những hệ thống phân phối mới và đàm phán với các tỉnh biên giới về việc sớm mở cửa lại các cặp chợ đường biên, đẩy mạnh phân phối.
“Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những chỉ thị quan trọng về việc tái cơ cấu những mặt hàng xuất qua biên giới Trung Quốc để chúng ta có thể chủ động hơn trong việc tiêu thụ những mặt hàng nhạy cảm như mặt hàng nông sản có tính mùa vụ cao”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.