Ngày 5/2/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký văn bản số 709/BCT-XNK đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị các hội viên, doanh nghiệp logistics cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như: giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.
Đáng chú ý, ngay trong chiều 6/2/2020, tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chủ trì, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.
Ông Lê Duy Hiệp nhìn nhận, đây là hành động thiết thực của các doanh nghiệp logistics để ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch.
“Chúng tôi hy vọng qua đây sẽ tiếp tục tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, cùng hỗ trợ nhau và hỗ trợ nông dân để giảm thiệt hại do dịch gây ra", ông Lê Duy Hiệp nói.
Ngay khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và có biểu hiện tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp logistics hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh nông sản thông qua việc ưu tiên bảo quản các mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cùng ngày, trả lời tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiếp tục cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm và trái cây sang thị trường Trung Quốc để cập nhật thông tin, phối hợp triển khai một số công việc về xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới đất liền; có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, về lâu dài, đối với những mặt hàng nông sản cần có giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa và phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc quá vào một thị trường.
Để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương, các siêu thị, hệ thống phân phối trên địa bàn toàn quốc kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối của mình đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận trong điều kiện dịch bệnh nCoV đang có nguy cơ lan rộng.