Kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Việc xuất nhập khẩu qua biên giới đất liền vừa phải bảo đảm phòng chống dịch nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu
Việc xuất nhập khẩu qua biên giới đất liền vừa phải bảo đảm phòng chống dịch nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Nội dung trên được đưa ra trong công văn số 95 do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương ban hành gửi các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Sở Công Thương các tỉnh biên giới tiếp tục theo dõi sát tình hình và cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, cần theo dõi các phát sinh đột xuất động thái mới từ phía địa phương Trung Quốc giáp biên có khả năng tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của ta.

Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai kịp thời, hiệu quả các công tác điều phối hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây tại thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian tới.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan phải theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

Mục tiêu nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Song song đó, thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như thời gian qua.

Trước đó, cũng trong ngày 5/2/2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 808/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Cụ thể, công văn nêu rõ, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Công văn cũng yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng có dịch được xuất nhập khẩu qua biên giới (gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không), phải được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt. Chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào trong nội địa; bảo đảm loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh.

thông quan biên giới việt trung
Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành, Hiệp hội, doanh nghiệp... theo dõi sát diễn biến của hoạt động xuất khẩu, chủ động ứng phó với diễn biến bất thường, tránh phát sinh rủi ro

Do ảnh hưởng của virus corona gây dịch bệnh viêm phổi cấp, từ 31/1, phía Trung Quốc thông báo đóng cửa 9 cặp chợ biên giới cũng như các cửa khẩu chung đường biên giới với tỉnh Lạng Sơn cho đến hết ngày 9/2.

Ngay sau đó, hàng trăm xe hàng hoá, nông sản của Việt Nam, nhiều nhất là thanh long, xuất khẩu sang Trung Quốc từ các tỉnh phía Nam bị dồn ứ tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Mới đây, ngày 4/2/2020, trước tình trạng tiêu thụ nông sản khó khăn, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều khuyến nghị đến các Bộ, ngành địa phương nhằm giải quyết tình trạng này.

Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.

Hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.

Với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại. Khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.

Hạ An