Tháng 01 năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng tới 22,2% so với tháng 01/2020, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,2%.
Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động.
Trong tháng 01/2021, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 01/2020; số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 10.100 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021 ước đạt 53,9 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỷ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu khoảng 100 triệu USD.
Trên đà tăng trưởng đó, mới đây phát biểu trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thúc đẩy 3 không gian kinh tế.
Trước hết là không gian kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân. Tiếp đến là không gian kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện; trong đó lưu ý mục tiêu nhất quán là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được.
Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ thứ 2 dành cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.