Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định nghĩa vụ, trách nhiệm và điều kiện đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Theo dự thảo, để được xem xét ủy quyền cấp C/O, các cơ quan, tổ chức phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên được tập huấn kiến thức chung về xuất xứ hàng hóa và quy tắc xuất xứ hàng hóa phù hợp với loại mẫu C/O đề nghị ủy quyền do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) hoặc chỉ định các tổ chức, đơn vị khác tổ chức.
Cùng với đó, các đơn vị phải có hệ thống máy tính và đường truyền Internet được kết nối với Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (sau đây gọi là hệ thống eCoSys) tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn.
Hệ thống này phải hoạt động tốt để đảm bảo chất lượng các quy trình trong việc cấp C/O điện tử và cập nhật báo cáo, truyền dữ liệu cho Bộ Công Thương theo quy định; Có cơ sở vật chất, điều kiện lưu trữ tốt hồ sơ, chứng từ cấp C/O dưới dạng văn bản hoặc dạng điện tử.
Dự thảo cũng nêu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O qua việc duy trì, đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về xuất xứ hàng hóa.
Hơn nữa, phải thông báo với Cục Xuất nhập khẩu khi có sự thay đổi về cán bộ chịu trách nhiệm ký C/O và nhân viên chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O; chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm của cán bộ chịu trách nhiệm ký C/O và nhân viên chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O.
Ngoài ra, các đơn vị phải xây dựng quy trình cấp C/O, bao gồm cả Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch, cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đảm bảo truyền dữ liệu cấp C/O với hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương.
Mặt khác, thực hiện định kì báo cáo theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương; chủ động báo cáo những phát sinh trong quá trình cấp C/O cho Bộ Công Thương.
Dự thảo cũng lưu ý việc tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa; cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định.
Thời hạn ủy quyền cấp C/O tối đa là 5 năm kể từ ngày quyết định ủy quyền của Bộ Công Thương có hiệu lực. Hết thời hạn ủy quyền nêu trên, căn cứ nhiệm vụ, nhu cầu, kết quả thực hiện ủy quyền cấp C/O và đề nghị của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O, Bộ Công Thương xem xét tiếp tục hay không tiếp tục ủy quyền cấp C/O cho các cơ quan, tổ chức này.
Thông tư này quy định nghĩa vụ, trách nhiệm và điều kiện đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là Nghị định số 31/2018/NĐ-CP) và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Thông tư này áp dụng đối với:
- Các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác được ủy quyền cấp C/O (sau đây gọi là các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O);
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.